Xây dựng đội ngũ nòng cốt, tạo sức mạnh trong bảo vệ môi trường

Thứ năm, 13/10/2022 12:30
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Hiện nay đội ngũ nhân lực thực hiện bảo vệ môi trường còn hạn chế. Xây dựng được một đội ngũ nòng cốt là hội hưu trí, hội nông dân, hội phụ nữ tại từng địa phương, từng phố, từng phường sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: Như Ý) 

Đó là chia sẻ của các chuyên gia tại buổi Tọa đàm "Vai trò của chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường đối với phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn hướng tới tăng trưởng xanh" do Báo Tiền Phong và Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa phối hợp tổ chức mới đây.

Giảm thiểu tác động đến môi trường

Phát biểu tại Tọa đàm, nhà báo Phùng Công Sưởng - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong cho biết: Môi trường là vấn đề được quan tâm đặc biệt tại Việt Nam, từ tất cả các cấp chính quyền đến người dân ở mọi vùng miền của Tổ quốc. Môi trường cũng được coi là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế xã hội.

Những năm qua, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức về môi trường, chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, làng nghề, ô nhiễm không khí tại các khu đô thị, tỷ lệ thu gom xử lý thải rắn sinh hoạt chưa đạt mong muốn, một số sự cố môi trường vẫn xảy ra. Việc khai thác tài nguyên không hợp lý, thiếu tính bền vững tiếp tục làm thất thoát tài nguyên và tác động xấu lên môi trường; tình trạng phá rừng, săn bắt, mua bán trái phép động, thực vật hoang dã, sinh vật ngoại lai xâm lấn đang diễn biến phức tạp.

Trong bối cảnh đó, kinh tế tuần hoàn được coi là hướng đi tất yếu để thúc đẩy phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu chất thải, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tại Việt Nam, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường đã được đưa vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định chủ trương “xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”, “xây dựng lộ trình, cơ chế, chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn”.

Một trong chính sách môi trường của Nhà nước được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 là lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ môi trường.

Tạo sức mạnh to lớn trong bảo vệ môi trường

Là một trong những địa phương thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho biết: Hiện nay chưa có nhiều quy định pháp luật, chưa có chỉ đạo chung của Bộ Tài nguyên Môi trường về việc phát triển kinh tế tuần hoàn. Để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn phải có những chính sách ưu đãi về thuế, về đất đai… Hà Nội cũng đã có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để đầu tư máy móc xử lý chất thải.

Bởi nếu các doanh nghiệp đổ hết phế thải nhà máy thành rác thải sinh hoạt sẽ gây gánh nặng cho cơ quan xử lý rác thải; các bộ, ban ngành như Sở Tài nguyên Môi trường, các đơn vị liên quan đã ưu tiên đến mức tối đa giúp các doanh nghiệp mua sắm trang thiết bị mới để xử lý rác thải.

“Như vậy chúng ta có thể thấy cần sự chung tay của các tổ chức Đảng, cũng như chính quyền. Cũng cần có sự quyết liệt của các cán bộ địa phương. Nếu các hội phụ nữ, hội nông dân tham gia cùng với các cấp chính quyền thực hiện cùng nhau sẽ đạt được những kết quả tốt”, bà Lưu Thị Thanh Chi cho hay.

Cũng theo bà Lưu Thị Thanh Chi, đội ngũ nhân lực thực hiện bảo vệ môi trường rất hạn chế. Khi mà chúng ta xây dựng được một đội ngũ nòng cốt là các bác hưu trí, những người hội nông dân, hội phụ nữ tại từng địa phương, từng phố từng phường sẽ tạo nên một sức mạnh vô cùng to lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Trả lời câu hỏi về các chủ trương, chính sách của Bộ Tài nguyên và Môi trường để hiện thực hóa chủ trương về kinh tế tuần hoàn, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: Dưới góc độ quản lý, đối với thuật ngữ “Kinh tế tuần hoàn”, chúng tôi chia thành hai giai đoạn:

Trước năm 2020, thuật ngữ này chưa sử dụng nhiều trong các văn bản về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, nhưng đã được thể hiện xuyên suốt trong rất nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; được lồng ghép trong các chiến lược, nghị quyết của Đảng như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Xã hội Chủ nghĩa năm 2011, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 13 của Đảng…

Từ năm 2020 trở đi, kinh tế tuần hoàn đã chính thức đưa vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng như trong Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 đã có khái niệm về “Kinh tế tuần hoàn”.

“Dưới góc độ môi trường, không phải từ năm 2020, chúng ta mới quan tâm, cụ thể hóa đến vấn đề kinh tế xanh, thân thiện với môi trường mà ngay từ năm 1993, luật 2003, luật 2014, chúng ta đã lấy mục tiêu xuyên suốt của bảo vệ môi trường là lấy phòng ngừa là chính, sau đó mới giảm thiểu, xử lý, khắc phục và cải thiện môi trường. Ví dụ như vấn đề thay đổi công nghệ, loại bỏ những công nghệ sử dụng nhiều nguyên vật liệu tác động xấu đến môi trường”, ông Hiền cho hay.

Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu, bao gồm Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường và các hệ sinh thái. Mô hình kinh tế tuần hoàn được Liên Hiệp Quốc và nhiều nước trên thế giới coi là hướng đi tất yếu trong thập kỷ tới nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tại Việt Nam, một trong những chính sách môi trường của nhà nước Việt Nam là lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Để tạo động lực thôi thúc doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần hoàn, quan tâm đến bảo vệ môi trường trước hết cần đề cao tuân thủ quy định của pháp luật; tiếp theo là tạo ra giá trị bền vững giảm tác động đến môi trường.

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực