Chiến sỹ Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn của lái xe khách.
Tại Điều 5 của Nghị định, quy định về xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ. Theo đó, một trong những mức phạt cao nhất của điều này là phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mắc một trong các hành vi vi phạm sau đây: Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Điều 5, khoản 9 của Nghị định 46 (46/2016/NĐ-CP) quy định về mức xử phạt
đối với các hành vi sử dụng rượu bia, có nồng độ cồn quá cao trong hơi thở.
Đồng tình với các mức phạt trong quy định mới của Nghị định 46, anh Lại Quang Tuấn, người dân sống tại Gia Lâm – Hà Nội chia sẻ: Tôi rất đồng tình với việc tăng mức xử phạt đối với hành vi uống rượu bia khi lái xe ô tô, đây là hành vi rất nguy hiểm đối với sự an toàn của người đi đường. Ngồi sau vô-lăng, người lái xe không chỉ chịu trách nhiệm an toàn cho riêng bản thân mình, họ phải ý thức được trách nhiệm của mình với cả những người tham gia giao thông xung quanh. Đã quá nhiều những vụ tai nạn thương tâm do người điều khiển xe ô tô gây ra trong tình trạng say xỉn, tôi thấy việc nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe là hợp lý và cần thiết.
Với các quy định về nồng độ cồn trong máu, hơi thở được quy định tại Nghị định, anh Nguyễn Thành Nam, sống tại quận Hoàn Kiếm – Hà Nội nhận xét: Nghị định nói rất rõ việc xử phạt đối với các mức vi phạm về nồng độ cồn của người lái xe, song quy định về số mg/mg máu hay khí thở thì có vẻ quá khó để người tham gia giao thông hay người dân biết là họ có thể được uống tối đa bao nhiêu bia, rượu mà không bị phạt. Nếu là một người dân thường, sẽ không thể biết được uống một cốc bia hơi thì nồng độ cồn là bao nhiêu? Ở nhiều nước khác, giới hạn về lượng bia, rượu hết sức rõ ràng và công khai, do đó lái xe có thể uống tới mức cho phép. Cụ thể, trên mỗi chai bia, hay rượu, nhà nước yêu cầu nhà sản xuất phải ghi rõ số lượng tiêu chuẩn được uống cho từng chai đó. Có hay chăng cần tuyên truyền phổ biến hoặc kết hợp với các nhà sản xuất bia rượu để người dân biết rõ mức độ được tiêu thụ khi lái xe? Tuy nhiên, tôi cho rằng việc tăng mức xử phạt là việc cần thiết, qua đó người lái xe sẽ trách nhiệm hơn khi ngồi sau tay lái, đặc biệt là những lái xe khách, khi trách nhiệm của họ không chỉ là bản thân, mà là rất nhiều hành khách họ đang vận chuyển.
Ngày 21/7/2016, tại một buổi họp báo về Kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ năm 2016 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc Gia. Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách của Ủy ban – đưa ra con số thống kê là có tới 70% số vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân do lái xe sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. “Các nghiên cứu gần đây cho thấy uống rượu bia trước khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện dễ bị hưng phấn, chạy xe với tốc độ cao. Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ… dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông”, ông Hùng nói.
Bên cạnh thiệt hại về số người tử vong, thân nhân nạn nhân tai nạn giao thông gánh chịu những hậu quả tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, ông Hùng cũng đưa ra con số thiệt hại về kinh tế tại Việt Nam là 250 tỷ đồng/ngày và tai nạn giao thông gây thiệt hại 2,9% GDP mỗi năm.
Trên thực tế, không ít những bài học đau xót qua những vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc sử dụng quá nhiều rượu bia trước khi lái xe. Đơn cử như ngày 5/5/2016, Tòa án Nhân dân tỉnh Kon Tum đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quang Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum), tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù giam với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, lái xe gây TNGT.
Theo đó, vào trưa 4/12/2015, ông Hùng cùng một số cán bộ ăn trưa, có uống bia rượu. Sau đó, ông Hùng cho lái xe riêng về nhà, tự mình điều khiển xe xuống huyện Đắc Hà (Kon Tum) chơi. Khoảng 17 giờ cùng ngày, trên đường về, ông Hùng đã gây ra liên tiếp bốn vụ TNGT làm 8 người bị thương rồi bỏ chạy về nhà riêng trên đường Phan Đình Phùng (Kon Tum) lẩn trốn. Kết quả kiểm tra xác định, thời điểm lái xe gây tai nạn, nồng độ cồn của ông Hùng lên tới 0,982 mg/lít khí thở.
Thiết nghĩ, ngoài những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe như trong Nghị định 46, các cấp các ngành và người dân cần tuyên truyền để nâng cáo ý thức chấp hành và trách nhiệm với xã hội, không lạm dụng rượu bia khi lái xe; các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần có khuyến cáo trên sản phẩm; người ngồi trên xe có trách nhiệm nhắc nhở, phản đối, thậm chí nghiêm túc ngăn chặn người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia. Từ đó mới có thể hy vọng tình trạng lạm dụng rượu bia khi tham gia giao thông./.