Xuân về trên vùng biên giới Việt – Lào

Chủ nhật, 18/02/2018 17:09
(ĐCSVN) - Trong sương mù và tiết trời giá lạnh, trên những đồi núi cao, những cây mơ, mận, đào đá hàng trăm năm tuổi đã bung ra những bông hoa với sắc màu tươi thắm. Mường Lát (Thanh Hóa) vùng đất biên cương của Tổ quốc đang đón một mùa xuân mới, mùa xuân của niềm tin và hi vọng…

Nơi cột mốc thiêng liêng

Chúng tôi đến với Mường Lát, huyện vùng cao biên giới của tỉnh Thanh Hóa trong những ngày Tết cổ truyền Mậu Tuất. Vượt qua chặng đường dài hơn 300 cây số, được chạm tay vào cột mốc chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc, bỗng thấy niềm tự hào và xúc động trào dâng. Giữa bốn bề núi non hùng vĩ, lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trước gió. Dường như cái lạnh dưới 6 độ đã được xua tan bởi tình cảm nồng hậu của cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng đồn Tam Chung.

Xã Tam Chung có gần 4 nghìn đồng bào dân tộc Thái và Mông sinh sống tại 8 bản làng, cuộc sống của họ vẫn còn nhiều thiếu thốn, nên ngoài nhiệm vụ quản lý 8 km đường biên giới, bộ đội biên phòng còn phải giúp đỡ đồng bào trong sản xuất và cuộc sống. Với phương châm "4 cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) và "4 bám" (bám chính quyền, bám đường lối chính sách, bám dân, bám địa bàn), cán bộ, chiến sỹ biên phòng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường mối đoàn kết quân dân; đồng thời chuyển giao khoa học – kỹ thuật, ứng dụng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm hiệu quả cho người dân trên địa bàn. Tiêu biểu như hướng dẫn người dân trồng lúa nước; thâm canh mô hình trồng ngô lai, trồng cỏ voi, chăn nuôi bò lai sinh sản, đào ao thả cá… Từ chỗ chỉ cấy lúa 1 vụ/năm, đến nay xã Tam Chung đã có 77 ha trồng lúa nước; 315 ha trồng ngô lai hai vụ… Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng còn vận động nhân dân đăng ký trồng được gần 500 ha rừng, giúp đỡ cho hàng chục học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đến trường; dạy xóa mù chữ cho gần 60 học viên. Trong đấu tranh tội phạm ma túy, thông qua nguồn tin của nhân dân, bộ đội biên phòng đã bắt và khởi tố 22 vụ, 35 đối tượng, trong đó có 16 vụ/22 đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép 50,8 kg các chất ma túy, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện gây án...

Các hộ dân xã Tam Chung nhận quà Tết của bộ đội biên phòng (Ảnh: Nguyễn Ánh)

Xuân về, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Chung không về quê ăn Tết mà ở lại đồn để chốt trực, đảm bảo an ninh trật tự cho bà con dân bản. Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào, chiến sĩ là anh em ruột thịt”, các chiến sĩ Đồn biên phòng Tam Chung vẫn ngày đêm bám vùng biên để đồng bào nơi biên cương đón Tết an vui đầm ấm.

Trung tá Đặng Minh Sơn – Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Chung, chia sẻ: “Tết này, đơn vị tổ chức “Tết ấm biên cương”, cán bộ chiến sỹ sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức đốt lửa trại, tổ chức những trò chơi của người dân nơi đây, để bà con vui xuân đón Tết thật vui, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh Tổ quốc.

Rời đồn biên phòng Tam Chung, đoàn chúng tôi đi thăm các xã dọc tuyến biên giới Việt Lào dài hơn 100km, nơi cư trú của bà con dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú… Ở đây nhân dân chủ yếu sống bằng nghề nương rẫy, đời sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là đa số bà con đều không biết chữ. Do đó, những thế lực xấu thường kích động, lôi kéo người dân gây rối trật tự an ninh. Bên cạnh đó là hoạt động của các loại tội phạm như buôn bán, vận chuyển ma túy, hàng lậu, hàng cấm. Để giải quyết những vấn đề trên, cán bộ, chiến sỹ các đồn biên phòng kết hợp với chính quyền phải thường xuyên giúp đỡ, tuyên truyền vận động người dân, giữ vững an ninh trật tự, góp phần bảo vệ biên giới. Có lên vùng đất này trong những ngày Tết cổ truyền hôm nay mới thấu hiểu hết tình cảm gắn bó máu thịt của quân và dân trên vùng biên cương xa xôi của Tổ quốc.

 Địa phương có nhiều cái “nhất”

Đến với Mường Lát, nơi có dòng sông Mã ngày đêm hát khúc tráng ca về vùng đất biên cương, chúng tôi như càng thấm thía hơn về vùng đất được mệnh danh là nhiều cái “nhất” của tỉnh Thanh Hóa như: Lạc hậu nhất, nghèo nhất, xa nhất, phức tạp nhất và có đường biên giới dài nhất. Hiện toàn huyện có 8.093 hộ, 37.852 khẩu với 6 dân tộc sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống rải rác ở 90 thôn, bản, đời sống của người dân Mường Lát còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn cao, năm 2017 vẫn còn 4.790 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ: 57,91%; hộ cận nghèo: 867 hộ, chiếm tỷ lệ 10,48%.

Bí thư Huyện ủy Mường Lát Nguyễn Duy Thông cho biết: Trước đây, mảnh đất biên cương tận cùng xứ Thanh này bị bao trùm bởi đói nghèo, ma túy, những hủ tục lạc hậu. Những ngọn đồi tràn ngập cây anh túc, không có chỗ cho cây lúa, cây ngô sinh sôi phát triển. Qua 20 năm kể từ khi được chia tách từ huyện Quan Hóa (cũ), Mường Lát vẫn còn đó bộn bề những khó khăn, gian khổ nhưng cũng đã có những sự khởi sắc nhất định. Những năm qua, nhờ các chính sách “đòn bẩy” như 30a, 134, 135, Mường Lát đã từng bước vươn lên trên con đường xóa đói, giảm nghèo. Hạ tầng cơ sở từng bước được đầu tư đồng bộ, các mô hình kinh tế mới được triển khai. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đến lớp ngày càng tăng. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Về công tác đối ngoại, quan hệ, hợp tác, hữu nghị với chính quyền và nhân dân hai huyện Sốp Bâu, Viêng Xay của nước bạn Lào tiếp tục được củng cố và tăng cường, tạo được sự ổn định trên tuyến biên giới.

“Với Mường Lát, để giúp bà con có cuộc sống no ấm hơn, huyện sẽ tập  trung phát triển chăn nuôi, chú trọng xây dựng nhiều mô hình giảm nghèo, lấy phát triển nông - lâm nghiệp là hướng đi chủ đạo trong phát triển kinh tế”, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Nguyễn Duy Thông nhấn mạnh.

Ấm áp xuân này

 

Mùa xuân đã về với vùng biên cương Mường Lát, bà con các dân tộc nơi đây khép lại một năm lo toan, bận rộn với nương rẫy để vui Tết trong những bộ trang phục đặc trưng của dân tộc. Mùa xuân năm nay, họ lại có thêm niềm vui trọn vẹn hơn khi đón nhận những món quà cả về vật chất lẫn tinh thần của các sở, ban ngành, các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp và cá nhân. Theo chân đoàn Hội Chữ thập đỏ của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi đến với xã biên giới Quang Chiểu – một xã cách trung tâm huyện Mường Lát 25km, đây là nơi sinh sống của 1.189 hộ với 5.609 nhân khẩu đồng bào dân tộc Thái, Mông, Dao, Kinh. Từ sáng sớm, các nẻo đường của Quang Chiểu đã rợp cờ đỏ, bà con váy áo đẹp đẽ trước sân UBND xã để đón quà.

 


Bộ đội biên phòng tặng quà Tết cho người già neo đơn. (Ảnh: Nguyễn Ánh)


Không chỉ riêng Quang Chiểu mà ở hầu hết các xã vùng biên khác của huyện đã có những đổi thay. Từ Trung Lý lên Pù Nhi, qua Tam Chung hay Tén Tằn, những ngày này đều trở thành ngày hội. Bà con được nhận được rất nhiều quà, cũng nhờ gần đây Nhà nước đã đầu tư làm đường giao thông, nên đường lên Mường Lát không còn quá cách trở.

Rưng rưng cầm những món quà trên tay, chị Sùng A Pùa, bản Tung, xã Trung Lý cho biết: Nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền, của các đoàn từ thiện mà năm nay nhà chị có cái Tết đủ đầy, con chị sẽ có thêm quần áo mới để mặc. Với những món quà ý nghĩa này, gia đình chị sẽ cố gắng chăm chỉ làm nương rẫy, nuôi thêm trâu bò để cải thiện cuộc sống...

Với tinh thần không để người nghèo nào không có Tết, các cấp ủy, chính quyền ở huyện Mường Lát đã tích cực triển khai việc chăm lo Tết cho người nghèo, gia đình chính sách để giúp mọi người ai cũng được đón Tết cổ truyền vui tươi, đầm ấm. Huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn có hộ thiếu đói chủ động sử dụng nguồn gạo đã được phân bổ cho địa phương và huy động nguồn lực tại chỗ để kịp thời hỗ trợ các hộ. Sự quan tâm, chăm lo kịp thời của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với đồng bào nghèo, người có công là món quà tinh thần ý nghĩa, là động lực để các gia đình nỗ lực vượt qua khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Mường Lát vẫn còn đó những khó khăn, nhưng đang chuyển mình đi lên cùng đất nước./.

Nguyễn Ánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực