Yên Bái: Nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong hoạt động giảm nghèo

Thứ sáu, 26/11/2021 18:53
(ĐCSVN) - Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc; sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân tỉnh Yên Bái.
Lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Yên Bái chủ trì Hội nghị  (Ảnh: Mạnh Cường)

Đó là khẳng định của đồng chí Đỗ Đức Duy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái tại Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 – 2020 diễn ra sáng 26/11.

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết: Qua 5 năm (2016 – 2020) triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm; mức sống người dân được cải thiện; bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Yên Bái đã huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên 19.600 tỷ đồng, trong đó kinh phí thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững từ ngân sách trung ương trên 1.200 tỷ đồng, kinh phí thực hiện chính sách giảm nghèo và lồng ghép từ các dự án, đề án gần 18.400 tỷ đồng. Năm 2021, toàn tỉnh huy động trên 2.800 tỷ đồng thực hiện công tác giảm nghèo. Đặc biệt, 5 năm qua, tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo, trong đó, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 30a tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải trên 470 tỷ đồng. Đối với Chương trình 135, tỉnh Yên Bái hỗ trợ đầu tư cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí thực hiện trên 760 tỷ đồng.

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 7,04% (đứng thứ 12 toàn quốc, cải thiện 6 bậc so với đầu nhiệm kỳ; đứng thứ 11 trong khu vực). Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5,03%/năm (bằng 125% kế hoạch đề ra đầu nhiệm kỳ). Riêng tại 2 huyện 30a Trạm Tấu, Mù Cang Chải giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân chung toàn tỉnh và của cả nước. Số xã đặc biệt khó khăn giảm 26,3%, (từ 81 xã, còn 59 xã); số thôn, bản đặc biệt khó khăn giảm 16,9% (từ 462 còn 383 thôn, bản).

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia thảo luận, cùng chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác giảm nghèo; đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt công tác giảm nghèo trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Mạnh Cường) 

Phát biểu tại Hội nghị, ghi nhận và đánh giá cao những kết quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 – 2020, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho rằng, để đạt những kết quả trên, tỉnh Yên Bái có nhiều cách làm hay và sáng tạo, kịp thời ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch triển khai công tác giảm nghèo, đồng thời, ban hành các chính sách đặc thù tạo sinh kế, thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần thực hiện phân loại các hộ nghèo để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo; chỉ đạo thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo bền vững; xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2020 – 2025, trong đó tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển sản xuất, liên kết vùng thiết yếu phục vụ dân sinh, phát triển các hoạt động sản xuất, tạo sinh kế cho người nghèo, ưu tiên phát triển sản xuất, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm của người dân.  Cùng với đó, huy động hệ thống chính trị vào cuộc mạnh mẽ thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tăng cường sự tiên phong của cấp ủy, chính quyền, phân công đảng viên, cán bộ giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên; khơi dậy văn hóa vươn lên, khát vọng sáng tạo để người dân có ý chí tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo; xây dựng phương án đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, người bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; triển khai đồng bộ 3 chương trình MTQG đảm bảo không trùng lặp, đảm bảo mục tiêu của 3 chương trình để đạt hiệu quả cao nhất.

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái khẳng định: Những kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua là minh chứng rõ nét nhất cho những nỗ lực, cố gắng vượt bậc; sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc tích cực và quyết tâm cao độ của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, đoàn thể các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh. Đó cũng là kết quả của sự thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và toàn xã hội, đặc biệt là giải phóng tư tưởng để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo, hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp, cống hiến của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong công tác triển khai Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy đề nghị, để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác giảm nghèo bền vững, trong thời gian tới các cấp uỷ, chính quyền cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc, kịp thời các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chương trình của Trung ương về giảm nghèo; cụ thể hóa thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ chính trị hằng năm để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Mạnh Cường) 

Cùng với đó, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội cùng chung sức thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới với các phong trào thi đua sâu rộng, lan tỏa trong toàn xã hội; quan tâm ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, chăm lo phát triển toàn diện văn hóa - xã hội, nhất là y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn tại các huyện nghèo, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nguồn lực của các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các dự án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh để nâng cao hiệu quả, tính bền vững trong hoạt động giảm nghèo.

Nhấn mạnh, quán triệt sâu sắc quan điểm xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho rằng, trong mỗi giai đoạn triển khai thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo có những mục tiêu cũng như khó khăn, thách thức mới, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảm nghèo của các địa phương. Vì vậy, nhiệm vụ cần thiết trước mắt là cần chủ động, thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh COVID-19, đồng thời, triển khai đồng bộ, cụ thể các giải pháp để ứng phó với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Nhân dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái phát động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Yên Bái; UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho 50 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020

KL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực