Bình Phước: Nhiều cách làm hay trong học và làm theo gương Bác

Thứ ba, 31/05/2022 14:41
(ĐCSVN) - Năm 2022, Bình Phước đã triển khai có hiệu quả việc thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều tập thể và cá nhân đã nỗ lực, phấn đấu học tập và làm theo gương Bác.

Đồng Phú: Lan tỏa nhiều cách làm sáng tạo

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, việc học tập và làm theo Bác trên địa bàn huyện Đồng Phú có nhiều chuyển biến tích cực, tạo sức lan tỏa rộng, trở thành hành động tự giác của nhiều tập thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 52 mô hình cấp huyện, 173 mô hình tập thể từ cơ sở. Trong đó, nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực trong cuộc sống. Tiêu biểu như mô hình chăm sóc 45 tuyến đường xanh - sạch - đẹp tại các xã, thị trấn do hội LHPN thực hiện. Vận động nhân dân đóng góp lắp đặt 50 camera an ninh trên các tuyến đường giao thông với số tiền hơn 400 triệu đồng; mô hình “Thắp sáng đường quê” do MTTQ và các tổ chức đoàn thể thực hiện với hơn 50km, tổng kinh phí hơn 150 triệu đồng; mô hình “Hũ gạo tình thương” đã tặng 30 sổ tiết kiệm cho hộ nghèo, gia đình khó khăn đột xuất. Vận động người dân hiến 4 lô đất ở để xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở của MTTQ xã Tân Tiến. Xây dựng cơ quan công sở thân thiện - vì nhân dân phục vụ tại các xã Đồng Tiến, Đồng Tâm…

 Hội LHPN xã Thuận Phú ra quân xây dựng tuyến đường hoa tại ấp Bù Xăng.
(Ảnh: Báo Bình Phước)

Trong đó, nổi bật là phong trào hiến đất làm các công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn. Hàng ngàn mét vuông đất được cán bộ, đảng viên, nhân dân tự nguyện hiến để làm đường giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, khơi dậy sức mạnh đoàn kết trong nhân dân.

Cụ thể, năm 2020, huyện Đồng Phú triển khai xây dựng 5 tuyến đường kết nối từ ĐT741 vào Khu liên hợp công nghiệp, dịch vụ, đô thị Đồng Phú và Khu công nghiệp Nam Đồng Phú mở rộng. Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước thì vai trò chủ thể của người dân trong hiến đất, cây trồng, vật kiến trúc trên đất có ý nghĩa tiên quyết cho sự thành công các dự án này. Tổng số thửa đất bị ảnh hưởng bởi 5 dự án làm đường là 515 thửa với 109,27 ha nằm trong hành lang lộ giới. Đến nay, người dân đã thống nhất hiến 237/299 thửa với tổng diện tích 66,7 ha.

Bù Đăng: Gắn với các phong trào, hoạt động cụ thể

Để Chỉ thị 05 được nhận thức một cách sâu sắc và thực hiện nghiêm từ huyện đến cơ sở, Ban Thường vụ Huyện ủy Bù Đăng đã xây dựng kế hoạch hành động toàn khóa và kế hoạch học tập, quán triệt hằng năm theo từng chuyên đề với những nội dung cơ bản và các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Cùng với đó, huyện cũng đã chủ động, linh hoạt trong công tác triển khai, gắn việc học và làm theo Bác với các phong trào hoạt động của cơ quan, đơn vị. Từ đó đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Tiêu biểu trong phong trào học và làm theo Bác là tinh thần cộng đồng trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Giai đoạn 2016-2021, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 89,5 tỷ đồng, xây dựng 247,4km đường bê tông xi măng theo cơ chế đặc thù; đóng góp trên 3,35 tỷ đồng để lắp các trụ đèn đường chiếu sáng với chiều dài 118,8km; phát quang trên 302km đường trục chính và liên thôn; xây dựng 215 lò đốt rác... Thực hiện phong trào chung tay làm đẹp ngõ, xóm, hội, đoàn thể các cấp đã vận động hội viên trồng và chăm sóc 31 tuyến đường hoa với chiều dài trên 17km. Đến nay, diện mạo nông thôn của huyện có nhiều khởi sắc. Toàn huyện có 5 xã gồm: Đức Liễu, Minh Hưng, Phú Sơn, Bom Bo, Bình Minh được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đánh giá từ Ban Tuyên giáo huyện ủy Bù Đăng cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về những giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn. Để tạo không khí thi đua sôi nổi, huyện cũng đã linh động, gắn việc học và làm theo Bác với các phong trào, hoạt động cụ thể. Đồng thời, hằng năm tổ chức các hội nghị sơ, tổng kết để khen thưởng và rút kinh nghiệm. Nhờ đó, phong trào đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên.

Hội LHPN xã Thuận Phú: Nhiều phần việc ý nghĩa

Tại xã Thuận Phú, Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã cũng đã có những phần việc phù hợp như ra quân trồng hoa, làm đẹp cảnh quan môi trường tại một số tuyến đường trên địa bàn; trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ khó khăn. Các hoạt động này nhằm góp phần hoàn thành tiêu chí môi trường, giảm nghèo trong xây dựng xã nông thôn mới nâng cao và khu dân cư kiểu mẫu.

Thuận Phú là một trong 2 xã được huyện Đồng Phú chọn xây dựng xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022. Để góp phần thực hiện hiệu quả những tiêu chí nông thôn mới nâng cao, Hội LHPN xã đã vận động chị em tiếp tục xây dựng “Tuyến đường hoa phụ nữ". Trong đó, phụ nữ xã đã góp công, góp tiền mua, trồng và chăm sóc các loại hoa trên những tuyến đường giao thông nông thôn của xã.

Ngoài các tuyến đường hoa do hội viên phụ nữ trồng và chăm sóc, nhiều người dân chủ động trồng hoa ở đoạn đường trước nhà mình. Đến nay, toàn xã xây dựng được 15 tuyến đường hoa với chiều dài khoảng 8km. Việc này đã làm thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, học tập và làm theo Bác, phụ nữ Thuận Phú đã vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, đặc biệt là hoạt động trao phương tiện sinh kế cho phụ nữ khó khăn. Đây được xem là cách làm hay, sáng tạo, phù hợp thực tiễn, đúng với tinh thần “trao cần câu chứ không trao con cá” của hội đề ra.

Từ khi được Hội LHPN xã Thuận Phú hỗ trợ phương tiện sinh kế, cuộc sống của mẹ con chị Trần Thị Huệ (SN1972) ở ấp Thuận Phú 1 có nhiều thay đổi tích cực. Chị Huệ vốn không được lanh lợi, lại là mẹ đơn thân nuôi 2 con ăn học, và mẹ già năm nay hơn 80 tuổi. Hằng ngày, chị đi bán vé số nhưng việc đi lại gặp nhiều khó khăn vì không có xe máy. Biết được hoàn cảnh của chị, năm 2020, Hội LHPN xã đã trao phương tiện sinh kế cho chị là 1 xe máy trị giá 12 triệu đồng. Đây là số tiền thu được từ phong trào "Nuôi heo đất" ở các chi, tổ hội phụ nữ trên địa bàn.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã đã vận động hội viên giúp nhau bằng các hình thức cho vay không lấy lãi, hỗ trợ cây - con giống, ngày công lao động… trị giá gần 440 triệu đồng. 8/8 chi hội xây dựng quỹ tiết kiệm với tổng hơn 971 triệu đồng, giúp 668 lượt chị vay. Hội còn phối hợp các đoàn thể của xã tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế; phối hợp mở các lớp tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt... Qua đó góp phần giúp hội viên cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Đến nay, toàn xã còn 4 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ…/.

An Nhiên (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực