Bộ Nội vụ gương mẫu thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy

Thứ sáu, 16/09/2022 16:53
(ĐCSVN) – Theo quy định tại Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ gồm 20 đơn vị, trong đó có 16 đơn vị là tổ chức hành chính, giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước; 04 đơn vị sự nghiệp công lập, phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ (giảm 03 đơn vị so với cơ cấu tổ chức của nhiệm kỳ trước).

Đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu cho Chính phủ hoàn thành sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gắn với quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các đơn vị.

Tại Thông báo số 16/TB-BCĐĐMSXTCBM ngày 21/01/2022 của Ban Chỉ đạo Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (Ban Chỉ đạo) do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Nội vụ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện và giúp việc Ban Chỉ đạo trong quá trình chỉ đạo các Bộ, ngành sắp xếp tổ chức bên trong và xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng Bộ, ngành (có chương trình riêng).

Ảnh: Trí Đức 

Nói đi đôi với làm, Bộ Nội vụ đã chủ động tham mưu, báo cáo Ban Chỉ đạo (Báo cáo số 102/BC-BNV ngày 22/4/2022 của Bộ Nội vụ) về phương án sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các Bộ, ngành, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cơ bản thống nhất với Báo cáo của Bộ Nội vụ, Ban Chỉ đạo đã giao Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo, có văn bản đôn đốc, hướng dẫn đối với từng Bộ, ngành về việc rà soát và hoàn thiện hồ sơ xây dựng dự thảo Nghị định của Bộ, ngành mình, bảo đảm phù hợp với quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 39-NQ/TW, Kết luận số 74-KL/TW, Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị, Kết luận số 33-KL/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 08/NQ-CP và Nghị quyết số 10/NQ-CP của Chính phủ, tiêu chí thành lập tổ chức tại Nghị định số 101/2020/NĐ-CP, số 47/2019/NĐ-CP, số 120/2020/NĐ-CP và các nội dung chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ.

Đến thời điểm này, Chính phủ đã cơ bản thống nhất với dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành và đã ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của 05 Bộ: Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Giao thông vận tải, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội; và 02 cơ quan thuộc Chính phủ: Đài Truyền hình Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, đã có một số Tổng cục và tương đương được tách thành các Cục (Ví dụ: Bộ Giao thông vận tải tách Tổng cục Đường bộ Việt Nam thành Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam) hoặc tổ chức lại từ mô hình cấp Tổng cục thành cấp Cục và tương đương thuộc Bộ; giải thể, sáp nhập, sắp xếp, tổ chức lại nhiều đơn vị cấp Vụ, cấp Phòng và tương đương. Qua đó cho thấy, số lượng đơn vị đầu mối thuộc và trực thuộc các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã giảm đáng kể so với nhiệm kỳ trước.

Đối với Bộ Nội vụ, gương mẫu thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ đã giảm 03 đơn vị so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, tại Nghị định số 63/2022/NĐ-CP ngày 12/9/2022, cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ chỉ còn 20 đơn vị (gồm: 16 đơn vị là tổ chức hành chính, 04 đơn vị sự nghiệp công lập), giảm 02 đơn vị cấp Vụ là Vụ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Vụ Tổng hợp; giảm 01 đơn vị sự nghiệp công lập là Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (để sáp nhập vào Học viện Hành chính Quốc gia).

Bên cạnh đó, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Ban Tôn giáo Chính phủ được sắp xếp, tổ chức lại mô hình. Dự kiến trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong (cấp Phòng và tương đương) các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
  
Không chỉ thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của nữ Tư lệnh ngành Nội vụ - Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Nội vụ đã triển khai Kế hoạch điều động, luân chuyển cán bộ, trong đó điều động, bổ nhiệm nhiều vị trí người đứng đầu và cấp phó người đứng đầu các đơn vị trong Bộ như: Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, Phó Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương... Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp nhân sự của các đơn vị trong Bộ theo Đề án sắp xếp, kiện toàn các Vụ thuộc Bộ Nội vụ sau khi Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị.

Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, cũng như điều động, luân chuyển, bổ nhiệm lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Nội vụ không vì mục đích nào khác ngoài việc tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập". Đồng thời, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp chiến lược của các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, để giải quyết những vấn đề lớn mà Đảng, Nhà nước và xã hội đang mong đợi, tin tưởng vào Bộ và ngành Nội vụ; thực hiện tốt phương châm hành động của Bộ năm 2022 là “Ðoàn kết, kỷ cương, gương mẫu, đổi mới, hiệu quả”, nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền giao, cũng như các nhiệm vụ mà Bộ, ngành Nội vụ đã đề ra trong năm 2022, góp phần chung sức cùng cả nước đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng, động lực cho sự phát triển của cả giai đoạn 2021 - 2025./.

Trí Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực