Cần có quy định giám sát của cơ quan dân cử về phòng, chống tham nhũng

Thứ hai, 25/10/2021 23:27
(ĐCSVN) – Ngày 24/10, cho ý kiến về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021, đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Lai Châu đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định về giám sát của các cơ quan dân cử giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan nêu trên, trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia hoặc trong giai đoạn khởi tố, điều tra.
 
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Lai Châu phát biểu tại điểm cầu tỉnh Lai Châu. Ảnh: Dương An

Theo đại biểu Hoàng Quốc Khánh - Lai Châu, báo cáo toàn ngành thanh tra đã triển khai được 6.712 cuộc thanh tra hành chính và 188.047 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế là trên 61.000 tỷ đồng và trên 7.000 hecta đất.

Kết quả trên cho thấy sự cố gắng, nỗ lực của ngành thanh tra trong năm qua và cũng cho thấy trong một năm việc sai phạm là rất lớn về kinh tế, về đất đai. Tuy nhiên, số vụ việc chuyển cơ quan điều tra hình sự về những vi phạm chưa tương xứng với tình hình, cụ thể số liệu cộng lại một năm đã triển khai trên 194 cuộc thanh tra hành chính, thanh tra kiểm tra chuyên ngành, xong mới chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự được 245 vụ, 182 đối tượng và đến nay thì cơ quan chức năng khởi tố 14 vụ và 16 đối tượng.

“Qua theo dõi, trên thực tế nhiều địa phương công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều nhưng chưa có trường hợp nào chuyển cơ quan điều tra hình sự và có rất nhiều lý do khác nhau. Xem xét một số kết luận thanh tra, có việc lập hồ sơ chứng từ thanh quyết toán dự án không đúng với khối lượng đã thi công để hưởng lợi. Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị nhiều lần xong chưa được trả lời thỏa đáng…”, đại biểu nêu rõ.

Theo đại biểu Khánh, để công tác phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo và rà soát các quy định trên đồng thời tổ chức đánh giá việc thực hiện. “Để có quy định cụ thể hơn các trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự phải chuyển cơ quan điều tra xem xét. Bên cạnh đó nghiên cứu nên chăng có quy định chỉ tiêu công tác của ngành về việc chuyển cơ quan điều tra hình sự trong lĩnh vực này không?”, đại biểu đề xuất.

Cũng theo đại biểu Khánh, trong thời gian qua, cử tri và Nhân dân rất tin tưởng và đồng tình ủng hộ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là việc xử lý một số tướng trong quân đội, công an vi phạm pháp luật, minh chứng cho sự quyết tâm của Đảng ta là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống tham nhũng cần làm tốt trong công tác phòng, chống từ cơ quan, lực lượng chuyên trách đấu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất cần thiết, tạo niềm tin tưởng đối với lực lượng này.

Đại biểu Khánh cũng bày tỏ: Dư luận và nhân dân rất băn khoăn trên thực tế trong thời gian qua có nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có biểu hiện nhũng nhiễu, rung dọa để chung chi tiền sai phạm, việc này rất khó phát hiện. Các đối tượng được thanh tra, kiểm tra không dám tố cáo vì sợ ảnh hưởng đến địa phương, đơn vị và sợ bị trù dập. Để rõ hơn nội dung này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung trong báo cáo đánh giá kỹ hơn về các biện pháp phòng, ngừa tham nhũng đối với cơ quan, lực lượng làm công tác phòng, chống tham nhũng.

Bên cạnh đó, theo đại biểu cần quy định cụ thể về việc minh bạch một số hoạt động của một số cơ quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, sai phạm.

Đại biểu lý giải, trên thực tế nhiều cơ quan thực hiện các biện pháp nghiệp vụ điều tra cơ bản, kiểm tra sai phạm kinh tế, nhưng việc công khai, minh bạch thông tin còn rất hạn chế.

“Trong thời gian tới tôi đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định về giám sát của các cơ quan dân cử giữa Quốc hội và Hội đồng nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan nêu trên, trừ những nội dung thuộc bí mật quốc gia hoặc trong giai đoạn khởi tố, điều tra”, đại biểu cho biết.

Về biện pháp phòng ngừa tham nhũng qua việc thanh toán không dùng tiền mặt, đại biểu cho rằng cần được nghiên cứu, thực hiện tốt hơn.

 Đại biểu cho biết, theo báo cáo việc thanh toán không dùng tiền mặt đang khá phổ biến. Cụ thể năm 2021 có trên 400 triệu giao dịch qua kênh Internet với giá trị trên 22 triệu tỷ đồng, qua kênh điện thoại di động trên 1.000 tỷ đồng. Hệ thống thanh toán qua liên ngân hàng phát triển mạnh.

“Hiện nay việc thanh toán không dùng tiền mặt đang được điều chỉnh bởi Nghị định 101 năm 2012 của Chính phủ đến nay đã hơn 10 năm. Tôi đề nghị cần phải có đánh giá lại, cần luật hóa, trước mắt có thể nâng lên thành pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu đủ điều kiện có thể trình Quốc hội ban hành luật để điều chỉnh lĩnh vực này”, đại biểu nêu rõ./.

 

BL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực