Chiều ngày 25/10 vừa qua, Đoàn kiểm tra số 1 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm Trưởng đoàn kiểm tra đã dự Hội nghị công bố kế hoạch kiểm tra, Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đối với Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đồng chí Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham dự Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng - Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Trần Quốc Phương, Trần Duy Đông, Nguyễn Thị Bích Ngọc, Đỗ Thành Trung cùng lãnh đạo 17 đơn vị liên quan thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và thành viên Đoàn kiểm tra.
Thay mặt Đoàn kiểm tra, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng đoàn Kiểm tra công bố Quyết định, Kế hoạch kiểm tra; nội dung, thời gian kiểm tra; thời gian tiến hành kiểm tra; phương pháp kiểm tra; tổ chức thực hiện…
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI) |
Theo báo cáo tóm tắt tình hình, kết quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) thành pháp luật của Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ban cán sự đảng Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của Bộ về xây dựng, ban hành thể chế, chính sách, trong đó đã chỉ đạo thực hiện tốt việc quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết, kết luận, quyết định của Đảng, Nhà nước; tổ chức sơ kết, tổng kết thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản thể chế, chính sách; cho ý kiến và chỉ đạo tham mưu, xây dựng, ban hành, thực hiện thể chế, chính sách theo đúng thẩm quyền, quy ché hoạt động của Ban cán sự, bảo đảm xây dựng, ban hành chính sách phù hợp với đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến tháng 9/2023, Bộ đã rà soát, nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 12 Luật và 89 văn bản pháp luật (bao gồm: Nghị định của Chính phủ, Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ); Trực tiếp xây dựng và ban hành 73 Thông tư thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ nhằm thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư được hoàn thiện đã tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi hiệu quả quy định của Hiến pháp 2013 về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát huy nội lực, hội nhập, hợp tác quốc tế, gắn kết chặt chẽ với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Báo cáo cũng nêu rõ các kết quả thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai theo chức năng nhiệm vụ được giao; trong lĩnh vực đấu thầu; trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; trong lĩnh vực đấu giá tài sản; Kết quả rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật để PCTNTC theo kiến nghị của các Đoàn kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Kết quả hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện, khắc phục sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; các hạn chế, khó khăn, vướng mắc và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC.
Tại Hội nghị, thành viên Đoàn Kiểm tra đã cho ý kiến vào một số nội dung trong Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cho rằng, qua báo cáo cho thấy số lượng văn bản thực hiện lớn; nội dung báo cáo bám sát đề cương, hướng dẫn; nhấn mạnh đến một số nội dung tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thêm.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là cơ hội quý nhằm giúp Bộ nhận diện những việc làm tốt, chưa tốt, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đồng thời nhấn mạnh, công tác thể chế, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước luôn được Bộ coi trọng, đặc biệt là với cơ quan tham mưu tổng hợp, thực hiện nhiều lĩnh vực, nhiệm vụ quan trọng của đất nước. Theo đó, Ban cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ đã kịp thời chỉ đạo xây dựng và ban hành các văn bản, kế hoạch với tinh thần luôn tiên phong đi đầu trong cải cách thể chế, đẩy mạnh phân cấp phân quyền.
Trong công tác xây dựng pháp luật, Bộ chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt ngay từ khâu bắt đầu nghiên cứu, xây dựng đến lúc ban hành với tinh thần kiến tạo cho phát triển và quản lý chặt chẽ, tránh sơ sở, bất cập về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, làm thế nào để các chủ trương, thể chế phải hài hòa, phù hợp thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, dễ áp dụng, triển khai nhưng lại không tạo kẽ hở là bài toán khó.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Bộ sẽ nghiên cứu tiếp thu, bám sát yêu cầu của Đoàn Kiểm tra để bổ sung nội dung, tài liệu hoàn thiện nội dung báo cáo. Đồng thời đề nghị các đơn vị được kiểm tra phối hợp chặt chẽ với Đoàn, thực hiện đầy đủ các quy định, đảm bảo yêu cầu về tài liệu, báo cáo, thời gian thực hiện; nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện công tác xây dựng thể chế nói chung và công tác thể chế về đấu thầu nói riêng hiệu quả hơn trong thời gian tới.
|
Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phát biểu (Ảnh: MPI) |
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc nhấn mạnh đến mục đích, ý nghĩa của việc kiểm tra theo Kế hoạch số 35-KH/BCĐTW ngày 07/8/2023 của Ban Chỉ đạo, trong đó tập trung vào các lĩnh vực như quản lý, sử dụng đất đai; đấu thầu; đấu giá tài sản; giám định tư pháp, định giá tài sản trong tố tụng hình sự; thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Đồng thời nhấn mạnh công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC thành pháp luật của Nhà nước có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở thực tiễn để Ban Chỉ đạo tham mưu, giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục sơ hở, bất cập, khó khăn, vướng mắc, từ đó tiếp tục khẩn trương hoàn thiện pháp luật theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội, PCTNTC, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Đồng chí Phan Đình Trạc cho rằng, với vai trò là Bộ tổng hợp đa ngành, các lĩnh vực bao trùm, phạm vi, đối tượng rộng và trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thậm chí là những đột phá trong xây dựng thể chế, đặc biệt là trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng; nhấn mạnh đến một số nội dung trong việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật về đấu thầu như chế tài xử lý vi phạm trong đấu thầu, công khai minh bạch đấu thầu qua mạng, xây dựng hồ sơ mời thầu, giải quyết khiếu nại trong đấu thầu, hợp tác quốc tế về đấu thầu…
Đồng chí Phan Đình Trạc đề nghị thành viên Đoàn Kiểm tra tuân thủ nghiêm quy định, tập trung kiểm tra các nội dung theo Kế hoạch, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Đoàn Kiểm tra, cung cấp đầy đủ nội dung theo yêu cầu với mục đích là cùng kiểm tra. Qua đó đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về PCTNTC./.