Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm 2022, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng. Tăng cường thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và đạt được một số kết quả quan trọng; tích cực thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng, đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thường xuyên công khai, công bố, cập nhật thủ tục hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; chú trọng xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN |
Tuy nhiên, việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn có những hạn chế; công tác kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa tham nhũng chưa cao. Cụ thể là, tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động và trách nhiệm giải trình; Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng yêu cầu; Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức, viên chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa nghiêm; việc phát hiện các trường hợp vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử gia tăng đáng kể; tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, vị trí công tác để nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực; hiện tượng người dân phải “lót tay” trong giải quyết công việc… là thực trạng xảy ra đã nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời… Công tác thanh tra, kiểm tra việc PCTN đối với khu vực ngoài nhà nước tuy đã được tăng cường nhưng hiệu quả chưa cao, nhiều vụ việc tham nhũng xảy ra trong khu vực ngoài nhà nước với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng nhưng việc phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
Đáng lưu ý là nhiều hạn chế trong công tác phòng ngừa tham nhũng đã kéo dài nhiều năm do nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó nhiều hạn chế có nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp quyết liệt để khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên, nhất là việc đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức thực thi pháp luật.
Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu
Về kết quả thanh tra, kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phát hiện, xử lý tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhận thấy, mặc dù theo Báo cáo của Chính phủ, thông qua hoạt động thanh tra, kiểm toán đã phát hiện nhiều sai phạm về kinh tế và kịp thời chuyển nhiều vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan điều tra xử lý theo quy định; tuy nhiên, vẫn còn trường hợp các cơ quan Thanh tra tại địa phương sau khi tiến hành thanh tra không phát hiện được vi phạm hoặc không chuyển vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra, chỉ đến khi Thanh tra Chính phủ hoặc cơ quan Ủy ban Kiểm tra tiến hành thanh tra, kiểm tra lại thì các vi phạm này mới được phát hiện để chuyển cho cơ quan điều tra. Tình trạng trùng lặp, chồng chéo về đối tượng, thời gian thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước vẫn xảy ra ở một số địa phương.
Về kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, năm 2022, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có bước đột phá mạnh mẽ; kết hợp giữa xử lý kỷ luật, hành chính của Đảng, Nhà nước với xử lý hình sự. Cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã tập trung kiểm tra phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và thi hành kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về PCTN, tiêu cực, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng còn có những hạn chế nhất định; chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu; một số vụ án phải tạm đình chỉ, chậm tiến độ do bị can bỏ trốn; một số vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng còn có trường hợp chưa kịp thời, chặt chẽ, nhất là trong công tác giám định, định giá tài sản phục vụ cho công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do chờ kết quả giám định, định giá... Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế tuy có chuyển biến rất tích cực, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra; tuy nhiên, trong giai đoạn thi hành án, tỷ lệ này còn chưa cao, nhất là đối với số phải thi hành về tiền./.