Ngày 4/9, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 20, khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ, thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã cụ thể hóa thành Đề án, Kế hoạch và hướng dẫn cụ thể; phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy Đảng chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, về cơ bản đã đạt được mục đích, yêu cầu của Chỉ thị 22-CT/TW đã đề ra. Đến nay đã hoàn thành Đại hội MTTQ Việt Nam cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh (TPHCM sẽ tiến hành Đại hội vào giữa tháng 9/2024).
|
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Hội nghị |
Cùng với việc hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ và phối hợp chỉ đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, các tiểu ban đã chủ động, tích cực chuẩn bị Báo cáo chính trị, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung Điều lệ, đề án nhân sự, công tác tuyên truyền, các điều kiện khác để tiến tới Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị đã được xin ý kiến rộng rãi trong hệ thống Mặt trận và ngoài hệ thống Mặt trận, báo cáo cấp có thẩm quyền xin ý kiến chỉ đạo. Tiểu Ban văn kiện và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý. Đến nay cơ bản đã hoàn thiện, tại cuộc họp này trình Đoàn Chủ tịch xin ý kiến để tiếp tục hoàn thiện trình cuộc họp UBTƯ MTTQ.
Về nhân sự của Đại hội, tiểu ban nhân sự và Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã xây dựng đề án về số lượng Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cơ cấu, thành phần, địa bàn cư trú, lĩnh vực hoạt động... bước đầu đã lập danh sách cụ thể. Đề án đã được trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến chỉ đạo chung. Ban Thường trực và tiểu ban nhân sự đã chuẩn bị một bước cơ bản về nhân sự Cơ quan chuyên trách của Cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam tham gia Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực. Tại Hội nghị này xin ý kiến Đoàn Chủ tịch để tiếp thu, hoàn thiện trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến chỉ đạo để trình Đại hội.
Về nghiên cứu sửa đổi Điều lệ, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam và Tiểu ban đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, tổng kết thực tiễn, đề xuất sửa đổi 3 nội dung trong Điều lệ để phù hợp với các quy định mới, đáp ứng yêu cầu thực tế, nâng cao thực chất vị thế, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nhấn mạnh nội dung Hội nghị lần này rất quan trọng, thời gian từ nay đến Đại hội không còn nhiều, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm thảo luận nội dung các tờ trình của Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, trên cơ sở đó thống nhất ý chí và hành động, quyết tâm cao, đoàn kết, đồng thuận tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, đáp ứng kỳ vọng của Đảng và các tầng lớp nhân dân.
|
Quang cảnh Hội nghị. |
Bày tỏ sự đồng tình với dự thảo các văn bản đã được chuẩn bị công phu, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm bày tỏ, dự thảo Báo cáo chính trị cần bám sát nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 43-NQ/TW về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Đây là cương lĩnh mang tầm chiến lược suốt thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội, trong đó Đảng xác định phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, công tác giám sát và phản biện xã hội là hoạt động quan trọng của Mặt trận, có cơ sở pháp lý trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 và các Nghị quyết liên tịch với Quốc hội, Chính phủ, cho nên cần đánh giá sau 11 năm, công tác này được triển khai như thế nào. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, giám sát, phản biện xã hội đã đáp ứng được những mong muốn của Đảng, nhân dân và nhu cầu của cuộc sống hay chưa? Tiếng nói của Mặt trận có tính độc lập rất quan trọng. Để làm tốt công tác giám sát và phản biện xã hội thì sự chủ động, dũng khí cách mạng, chính trị của Mặt trận cần phải đẩy mạnh hơn nữa, nói lên những vấn đề người dân đang bức xúc.
Khẳng định vai trò, tiếng nói của Mặt trận phải có tính độc lập, có chính kiến, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam Vũ Trọng Kim nhấn mạnh rằng, những vấn đề được Mặt trận nêu ra trong báo cáo chính trị phải mang tính chủ động. Ví dụ như trong công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo phải nói được tiếng nói của lòng dân để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh và thúc đẩy hành động.
Thay mặt Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trân trọng ghi nhận các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm đề cập tới 7 nhóm vấn đề mà các đại biểu thảo luận tại Hội nghị và khẳng định sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với tinh thần cầu thị, nghiêm túc; tiến hành giải trình, hoàn thiện và báo cáo tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 5/9/2024 theo đúng tinh thần Điều lệ và Luật MTTQ Việt Nam./.