Chiều 14/9, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Hòa Bình (BCĐ) chủ trì phiên họp thứ nhất cho ý kiến vào Quy chế làm việc của BCĐ, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên, chương trình công tác năm 2022.
|
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Ảnh: Báo Hòa Bình |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã góp ý vào dự thảo văn bản của BCĐ gồm: Quy chế làm việc của BCĐ, Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên, chương trình công tác năm 2022 BCĐ phòng chống tham nhũng tỉnh nhằm thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong việc tổ chức, triển khai và thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất và toàn diện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, là bước chuyển quan trọng, thể hiện quyết tâm của Trung ương trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng chống tự diễn biến, tự chuyển hóa; xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, hiệu lực hiệu quả. Việc thành lập BCĐ thể hiện quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng.
Trên tinh thần đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình giao Ban Nội chính Tỉnh ủy Hòa Bình chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu BCĐ tỉnh khẩn trương hoàn thiện Quy chế làm việc, Quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên BCĐ đạo bám sát vào định hướng của Trung ương và sát với tình hình thực tế địa bàn, lĩnh vực; xây dựng chương trình công tác trọng tâm trong thời gian tới. Các thành viên BCĐ khẩn trương bắt tay ngay vào công việc với quyết tâm chính trị cao nhất; chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác phổ biến, quán triệt sâu, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; triển khai đồng bộ, chặt chẽ, kết hợp hiệu quả các biện pháp phòng ngừa với chủ động phát hiện tham nhũng, tiêu cực. Chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là nơi có nhiều đơn tố cáo, phản ánh, dư luận xã hội quan tâm; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định. Các thành viên BCĐ đi đầu gương mẫu trong công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực./.