Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII

Thứ tư, 24/08/2022 07:50
(ĐCSVN) - Bối cảnh đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ban hành Kết luận Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa XII về định hướng nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII ban hành theo Quyết định số 174/QĐ-TLĐ ngày 03/2/2020 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam gồm 11 chương, 35 điều. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, những quy định của Điều lệ cơ bản phù hợp với hoạt động của từng cấp công đoàn, nhất là việc thực hiện tốt vai trò chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Tuy nhiên, công tác quán triệt, tổ chức, triển khai Điều lệ có nơi còn hình thức, chưa hiểu sâu sắc hết các nội dung của Điều lệ dẫn đến lúng túng trong quá trình thực hiện. Mặt khác, quá trình phát triển kinh tế thị trường; những cơ hội, thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động đến việc làm, chất lượng của nguồn nhân lực, tác động trực tiếp và đa chiều đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; việc thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn sẽ gặp nhiều thách thức... một số quy định của Điều lệ hiện hành đã bộc lộ những bất cập trước sự đổi mới nhanh chóng của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quá trình hội nhập quốc tế.

 Đại biểu dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam biểu quyết thông qua báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam

Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ, thực chất hơn tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII là cần thiết để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Theo đó, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam thống nhất chủ trương định hướng một số nội dung lớn để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XII trình Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam đó là: 

Nghiên cứu, sửa đổi bố cục Điều lệ phù hợp yêu cầu tình hình mới, đảm bảo rõ ràng, chặt chẽ, mạch lạc, dễ tra cứu, dễ áp dụng.

Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Lời nói đầu: nghiên cứu chuyển bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam từ hướng dẫn thi hành Điều lệ vào phần mở đầu của Điều lệ; nghiên cứu về cờ của Công đoàn Việt Nam phù hợp với điều kiện khi có tổ chức đại diện của người lao động khác được thành lập ở cấp cơ sở theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.

Về công tác đoàn viên và cán bộ công đoàn, Kết luận nêu rõ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện quy định của Điều lệ về đối tượng kết nạp vào Công đoàn Việt Nam; đối tượng người lao động nước ngoài đang làm việc hợp pháp trong các đơn vị sử dụng lao động tại Việt Nam tham gia vào các hình thức tập hợp khác của tổ chức Công đoàn Việt Nam...; thủ tục gia nhập công đoàn theo hướng đơn giản hóa, nâng cao chất lượng công tác đoàn viên đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong tổ chức và hoạt động công đoàn; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về kết nạp lại đoàn viên công đoàn trong đó phân định rõ đối tượng đoàn viên xin ra khỏi công đoàn và đoàn viên bị kỷ luật khai trừ; quyền và nhiệm vụ của đoàn viên phù hợp với bối cảnh, tình hình mới.

Tiếp tục nghiên cứu làm rõ khái niệm về cán bộ công đoàn; cán bộ công đoàn chuyên trách; cán bộ công đoàn không chuyên trách; nghiên cứu bổ sung quy định về bãi nhiệm, miễn nhiệm, bất tín nhiệm đối với cán bộ công đoàn không còn đủ uy tín đối với đoàn viên công đoàn trong những trường hợp cần thiết (Điều lệ hiện hành chưa quy định).

Về nguyên tắc và hệ thống tổ chức: Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp; sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian kéo dài hoặc rút ngắn nhiệm kỳ; quy định về thời gian sinh hoạt ban thường vụ, ban chấp hành; nghiên cứu bổ sung quy định về sinh hoạt tổ công đoàn; bổ sung quy định tăng cường sự tham gia trực tiếp của đoàn viên, người lao động và CĐCS trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của công đoàn cấp cơ sở. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về cơ quan tham mưu, giúp việc ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên (hiện trong Điều lệ chưa thể hiện rõ bản chất bộ máy tham mưu giúp việc ban chấp hành); Nghiên cứu bổ sung quy định về mô hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước và các quy định có tính đặc thù về cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW.

Về công đoàn cấp cơ sở, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thành lập công đoàn cơ sở; nghiên cứu, sửa đổi quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp cơ sở theo hướng tập trung các nhiệm vụ cốt lõi, phù hợp với tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW; nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở thành viên, công đoàn bộ phận, tổ công đoàn.

Về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tiếp tục nghiên cứu làm rõ đối tượng tập hợp, phạm vi hoạt động, mô hình tổ chức của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, tránh chồng chéo trong tập hợp đoàn viên, ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của công đoàn cơ sở; tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng gọn, trọng tâm, có nhiệm vụ trực tiếp, có nhiệm vụ phối hợp, có nhiệm vụ hỗ trợ cơ sở hoạt động.

Về LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về đối tượng tập hợp, phạm vi hoạt động, mô hình tổ chức của công đoàn ngành và LĐLĐ địa phương, hạn chế sự chồng chéo. Nghiên cứu quy định rõ về mối quan hệ phối hợp giữa công đoàn ngành trung ương với công đoàn địa phương trong chỉ đạo hoạt động của công đoàn trực thuộc. Nghiên cứu bổ sung quy định về mô hình công đoàn ngành, nghề toàn quốc theo hướng tập trung, xuyên suốt, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/TW ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị.

Về công tác nữ công, nghiên cứu làm rõ khái niệm về ban nữ công công đoàn và ban nữ công quần chúng; nghiên cứu về số lượng đoàn viên thành lập ban nữ công quần chúng CĐCS và xem xét hình thức tổ chức nữ công tại CĐCS thành viên và công đoàn bộ phận.

Về công tác tài chính và tài sản công đoàn, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về mức thu đoàn phí công đoàn đảm bảo thống nhất, công bằng, minh bạch, dễ thực hiện, chống thất thu đoàn phí.

Về công tác kiểm tra, giám sát công đoàn, tiếp tục rà soát, nghiên cứu hoàn thiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp; Nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hướng dẫn về số lượng đoàn viên để thành lập ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở, xem xét về hình thức tổ chức kiểm tra của CĐCS thành viên, công đoàn bộ phận có quy mô lớn, số lượng đoàn viên đông...

Gia Hưng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực