Phát huy dân chủ từ giám sát cải cách hành chính

Thứ bảy, 08/09/2018 13:40
(ĐCSVN) – Giám sát cải cách hành chính (CCHC) là để phát huy dân chủ, là việc làm cụ thể góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước. Và chính sự hài lòng của người dân là thước đo chất lượng CCHC và nó tác động trở lại thúc đẩy CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Do đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần phát huy mạnh hơn nữa vai trò của mình trong lĩnh vực này.
Giám sát cải cách hành chính góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân. Ảnh: TH

Cùng người dân tạo áp lực, thúc đẩy công cuộc CCHC

Những năm qua, công tác CCHC luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là một trong những nội dung quan trọng trong công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, với phương châm xây dựng Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, công tác CCHC, nhất là cải cách thể chế đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức coi trọng. Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết về đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực trọng tâm, với nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt nhằm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực, cố gắng và những kết quả tích cực đã đạt được thì cần phải thẳng thắn nhìn nhận công tác CCHC thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ cả về hoàn thiện chính sách, pháp luật, cả về tổ chức thực hiện.

Trong khi đó, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã được Đảng và Nhà nước đặt ra từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, và đã được Hiến pháp năm 2013 hiến định, được thiết kế như là một cơ chế kiểm soát quyền lực từ bên ngoài vào Nhà nước. Thực hiện Hiến pháp năm 2013, ngày 12/12/2013 Bộ Chính trị có Quyết định số 217-QĐ/TW ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Từ đó đến nay, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cơ sở đã có kế hoạch triển khai thực hiện, hướng dẫn hệ thống thực hiện theo đúng quy định.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là xây dựng Đảng, Nhà nước; giám sát cải cách thủ tục hành chính là việc làm cụ thể góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Người dân chính là đối tượng chịu tác động trực tiếp của mọi chính sách, giải pháp về CCHC nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng… Do đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phải phát huy vai trò giám sát của mình trong công tác CCHC, góp phần cùng người dân tạo áp lực, thúc đẩy công cuộc CCHC của Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương đạt mục tiêu đề ra.

Hiện MTTQ Việt Nam đang thực hiện hai chương trình phối hợp giám sát về CCHC. Đó là chương trình đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và chương trình giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan. Nhưng thực tế 11 chương trình giám sát hiện nay của MTTQ Việt Nam đều liên quan đến CCHC.

Từ những chương trình giám sát đang triển khai, nhiều chuyên gia trên các lĩnh vực của MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề đặt ra hiện nay là vẫn chương trình đó nhưng cần có những nhiệm vụ trọng tâm cụ thể hằng năm. Cần làm rõ nội dung, kế hoạch và chương trình giám sát, nhất là các lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân sinh như giá dịch vụ, giá thuốc, học phí, vấn đề đạo đức nghề nghiệp… Mặt trận các cấp cần triển khai giám sát thái độ phục vụ, đạo đức của công chức, nhân viên, người đứng đầu đối với người dân – vì đây chính là những người then chốt trong trực tiếp thực hiện CCHC.

Sự hài lòng của người dân chính là phải đi vào những việc làm cụ thể

Mới đây, tại Hội thảo “Vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam trong cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp” do Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện chức năng giám sát mặc dù đã có Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội nhưng khi thực hiện chức năng giám sát của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chưa có chế tài cho việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, ảnh hưởng đến hiệu quả giám sát. Vì vậy, các đại biểu đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền khi nhận được kiến nghị sau giám sát chỉ đạo các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện khắc phục những thiếu sót đã được kiến nghị, thông báo kết quả giải quyết.


Quang cảnh hội thảo. (Ảnh:TH)

Theo ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức, các đơn vị hiện đang coi trọng thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về CCHC và chỉ số hài lòng của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay người dân vẫn băn khoăn về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị ngoài công lập khi vẫn còn nhiều thủ tục quá rườm rà; trình tự thực hiện qua nhiều cấp duyệt và triển khai; thành phần, số lượng hồ sơ vẫn còn quá nhiều giấy phép con, nhiều loại hồ sơ, đây chính là cản trở cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính và phát sinh nhiều hiện tượng tiêu cực. Cùng với đó, trình độ dân trí tiếp cận các vấn đề liên quan đến pháp luật còn hạn chế, trình độ nhân viên hành chính cấp xã chưa được đào tạo cơ bản, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ của bộ phận cán bộ, nhân viên chưa được đảm bảo, kỷ cương pháp luật hành chính còn bỏ ngỏ và chưa nghiêm…

Từ những trăn trở lên, ông Đỗ Duy Thường cho rằng, sự hài lòng của người dân chính là phải đi vào những việc làm cụ thể. Để thực hiện được điều này, Mặt trận các cấp cần triển khai giám sát thái độ phục vụ, đạo đức của công chức, nhân viên, người đứng đầu đối với người dân – vì đây chính là những người then chốt trong trực tiếp thực hiện CCHC.

Từ thực tế từ đơn vị, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Nguyễn Tuấn Hưng cho rằng, sự hài lòng của người sử dụng dịch vụ là kết quả đầu ra của mỗi cơ sở y tế, là thước đo đánh giá sự phù hợp của những dịch vụ y tế được cung cấp so với nhu cầu và mong đợi của người dân, là bằng chứng giúp từng đơn vị nhận biết về những bất cập khiến bệnh nhân chưa hài lòng trên cơ sở đó thúc đẩy việc cải tiến quy trình cung cấp dịch vụ và các yếu tố có liên quan. Bởi vậy, chỉ số hài lòng cần phải được sử dụng như là một chỉ số chiến lược để xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mỗi có sở y tế và là thế mạnh cạnh tranh với những cơ sở y tế khác.

“Trong bối cảnh hiện nay khi mà hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế tại các tuyến trên ở nước ta đều đang trong tình trạng quá tải thì việc tiến hành đo lường sự hài lòng của khách hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết bởi lẽ đây sẽ là những bằng chứng hữu ích giúp lãnh đạo các đơn vị chấn chỉnh lại từng công đoạn trong quy trình cung cấp dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng và củng cố uy tín của cơ sở cũng như của toàn ngành”, ông Hưng nói.


Ông Đỗ Duy Thường, Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật,
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam góp ý tại Hội thảo. (Ảnh:TH)

Cũng từ thực tế tại địa phương, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hải Phòng Vũ Anh Thư góp ý, công tác cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước mà còn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Do đó, đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác này nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân, nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân... Đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ cương công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Các đại biểu cũng cho rằng, vấn đề giám sát CCHC, MTTQ Việt Nam cần đi sâu vào giám sát nội dung phù hợp với khả năng và điều kiện hiện nay của MTTQ, các đoàn thể, vừa đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và đòi hỏi của nhân dân. Đồng thời Mặt trận cần có sự thể hiện vai trò trong giám sát để thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính, dịch vụ công, dịch vụ đơn vị sự nghiệp.

Các ý kiến tại Hội thảo cũng nhấn mạnh, hiện nay các bộ, ngành đang chủ động đo lường, đánh giá chất lượng, cải cách hành chính trong hoạt động của mình. Để có bộ tiêu chí tiên tiến, phù hợp trước khi ban hành cần lấy ý kiến của Mặt trận, đoàn thể, các chuyên gia nhà khoa học…

Có thể nói, công khai, minh bạch là chìa khóa để chống tham nhũng, phiền hà, quan liêu, tiêu cực, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh nói chung và CCHC nói riêng. Những vấn đề này phải có sự giám sát thường xuyên, phát huy các hình thức giám sát, có các kênh thông tin, phản ánh của người dân… Do đó, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác này trong thời gian tới./.

Quốc Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực