Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua đó khẳng định những kết quả đạt được, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong giai đoạn tiếp theo; lan tỏa quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN |
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2022 theo Kế hoạch và Chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tập trung nghiên cứu, cụ thể hoá đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hoàn thiện thể chế để “không thể tham nhũng”.
Đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ đã ban hành 112 Nghị định, 171 Nghị quyết. Thủ tướng Chính phủ ban hành 31 Quyết định, 23 Chỉ thị về quản lý, điều hành; Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát hiện, xử lý những sơ hở, bất cập, dễ bị lợi dụng để tham nhũng; tăng cường kiểm tra việc ban hành các văn bản dưới luật; hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng; tổng kết, xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2030, xây dựng, thực hiện nhiều đề án quan trọng về công tác phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tập hợp, tổng hợp, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; đề cao vai trò của mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, những kết quả nổi bật về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Việt Nam tiếp tục thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; tích cực thực hiện các cam kết về phòng, chống tham nhũng trong APEC, ASEAN... tham gia nhiều diễn đàn, làm việc, trao đổi với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế qua đó chia sẻ, chọn lọc, tiếp thu nhiều kinh nghiệm, đồng thời tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách, những kết quả tích cực, tiếp tục khẳng định quyết tâm chính trị, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể: Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; một số quy định còn sơ hở, chồng chéo, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện. Một số biện pháp hiệu quả thấp. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, nộp lại quà tặng vẫn còn hạn chế, vướng mắc.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng, chống tham nhũng hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức và người dân về phòng, chống tham nhũng. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ để phòng, chống tham nhũng vẫn còn hạn chế. Một số bộ, ngành, địa phương còn có tình trạng xét duyệt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý thiếu chặt chẽ, một số trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp./.