Tỉnh ủy Bình Phước ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo đó, Chương trình hành động đưa ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2025, Bình Phước cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong vùng Đông Nam bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên giới với đô thị; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện tử, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc phòng - an ninh vững chắc; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam bộ. Và đến năm 2045, Bình Phước trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.
|
Khu công nghiệp Becamex - Bình Phước, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước . Ảnh: Nguyễn Tấn |
Tỉnh đưa ra 6 nhiệm vụ để thực hiện những mục tiêu trên gồm: cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh và bền vững; thực hiện 3 đột phá chiến lược về xây dựng kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp, tác động tích cực vào phát triển; phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế; xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh.
Bình Phước đặt ra các mục tiêu cụ thể, trong đó, đối với phát triển công nghiệp tập trung mở rộng quy mô, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp trong cơ cấu kinh tế; ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành chế biến, chế tạo, phụ trợ, năng lượng tái tạo, vật liệu, công nghệ thông tin. Cùng với đó là hoàn thiện nâng cấp kết cấu hạ tầng, ưu tiên phát triển giao thông kết nối vùng tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển và thu hút đầu tư. Tỉnh phát triển nông nghiệp dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh và chuỗi giá trị, hướng vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, theo hướng cụm, ngành, sản xuất hàng hóa tập trung, theo tiêu chuẩn an toàn, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ; phát triển đô thị được thực hiện theo hướng kết nối, tiết kiệm đất, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại; xây dựng và hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số trên địa bàn.
Để thực hiện tốt chương trình hành động, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch của ngành, đơn vị, địa phương để tổ chức thực hiện chương trình hành động. Đảng đoàn HĐND tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa, xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình hành động. Các đảng đoàn, ban cán sự đảng, cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy, theo chức năng, nhiệm vụ, triển khai, quán triệt, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân trong tỉnh; tham mưu xây dựng các nghị quyết, đề án, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy để triển khai thực hiện; tổ chức đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình hành động. Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo việc triển khai thực hiện Chương trình hành động. Giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiến hành kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện chương trình hành động./.