Quảng Ninh: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công

Thứ sáu, 10/11/2023 16:18
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 10/11,Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh họp để nghe và cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì cuộc họp.
 Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận hội nghị.

Tại hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe báo cáo tình hình, kết quả thực hiện dự toán ngân sách năm 2023; phương án phân bổ dự toán, cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương năm 2024 và thời kỳ ổn định ngân sách 2024 - 2025; tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023; kế hoạch đầu tư phát triển năm 2024.

Qua thảo luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất một số nội dung. Cùng với các nguồn lực như đất đai, tài nguyên, con người, việc huy động, phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính ngân sách địa phương có ý nghĩa rất quan trọng trong đáp ứng sự phát triển bền vững của địa phương. Nhấn mạnh năm 2024 là năm tăng tốc cũng như chuẩn bị cho về đích thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao tính chủ động trong nắm bắt, dự báo tình hình tài chính ngân sách, tính toán, xác định nguồn còn lại ở giai đoạn 2021 - 2025 và hai năm 2024 - 2025 để cân đối tổng thể nguồn lực một cách vững chắc và kịp thời có các cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương thực sự hiệu quả.

Về thu ngân sách, phấn đấu tổng số thu NSNN năm 2024 không thấp hơn 55.600 tỷ đồng, trong đó thu hải quan không thấp hơn 13.000 tỷ đồng và thu nội địa trên 42.600 tỷ đồng, thu thuế phí có tăng so với số thu năm 2023. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách nhà nước. Quản lý chặt chẽ các nguồn thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng cơ sở thu và khai thác hiệu quả các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng nhằm bù đắp cho hụt thu từ đất; tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững từ thuế, phí, lệ phí.

Công tác điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm” ngay từ khâu đề xuất, xác định nhiệm vụ chi, lập dự toán, quyết định chủ trương và chuẩn bị đầu tư. Tiếp tục cơ cấu lại gắn với nâng cao hiệu quả đầu tư công, quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước; thực hiện triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung chi đầu tư phát triển, tăng chi bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thu hẹp chênh lệch vùng miền. 

Yêu cầu các ngành, địa phương phải làm tốt hơn công tác chuẩn bị đầu tư; đẩy mạnh phân cấp phân quyền đi đôi với tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; phát huy vai trò năng động sáng tạo của cấp huyện trong giải ngân vốn đầu tư công; có cơ chế khuyến khích, ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước đầu tư công phần vốn ngân sách cấp tỉnh cho những địa phương đã có quy hoạch chung đô thị, quy hoạch vùng huyện, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 bảo đảm sự sẵn sàng cao nhất trong thực hiện các thủ tục đầu tư công, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Kiên quyết không bố trí vốn cho địa phương chưa hoàn thành quy hoạch, chưa có kế hoạch sử dụng đất; có cơ chế không giao tiền sử dụng đất dàn đều mà tập trung vào những địa chỉ có tính khả thi cao.

Quá trình thực hiện đảm bảo nguyên tắc đầu tư có trọng tâm trọng điểm, dứt điểm, đồng bộ, hiện đại, tập trung cho 3 đột phá chiến lược đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV; các lĩnh vực ưu tiên vùng động lực, vùng khó khăn, phòng chống biến đổi khí hậu, các công trình dự án trọng điểm được xác định trong Đại hội XV và các dự án quan trọng mới bổ sung có sức lan tỏa cao; đảm bảo cân đối, hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng miền, vừa gia tăng động lực cho tăng trưởng, vừa tạo động lực để thu hút nguồn vốn ngoài xã hội. Đồng thời, phải đảm bảo an sinh xã hội để thực hiện mục tiêu thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “dưới duyệt - trên cấp”; có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém, trì trệ trong đầu tư công; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong chuẩn bị đầu tư, triển khai các thủ tục đầu tư, đặc biệt là sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng; kiểm soát lộ trình bố trí vốn, phạm vi, thời gian hoàn thành dự án, tránh tình trạng dự án kéo dài, điều chỉnh nhiều lần.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến về nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 16 (Kỳ họp thường lệ cuối năm 2023) HĐND tỉnh khóa XIV nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kỳ họp thứ 16 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/12/2023, dự kiến thảo luận, xem xét 26 báo cáo tờ trình, trong đó có các tờ trình, dự thảo nghị quyết về các giải pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh - phúc lợi xã hội theo đúng thẩm quyền của HĐND tỉnh./.

TC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực