|
Phiên thảo luận tại Hội trường Quốc hội ngày 24/10. Ảnh: TL |
Đó là ý kiến đề xuất của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tại Hội trường ngày 24/10 về Công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đồng Tháp, trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm trong chỉ đạo, điều hành. Công tác tuyên truyền, nhận thức phát huy vai trò làm gương của người đứng đầu và quy trách nhiệm liên đới khi xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị được người dân đồng tình ủng hộ với nhiều biện pháp phòng ngừa hữu hiệu.
Công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát được thường xuyên, xử lý sai phạm rất cương quyết, không vùng cấm. Tham nhũng, lãng phí từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, cho doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công, những nơi nhạy cảm trên các lĩnh vực dễ tiếp cận tham nhũng chưa được ngăn chặn có hiệu quả, đặc biệt là trong lực lượng vũ trang, ngành y, các cơ quan bảo vệ pháp luật mà người dân nghĩ rằng nơi đây là an toàn, liêm khiết, trong sạch nhất nhưng lại có một bộ phận không nhỏ tham nhũng rất nghiêm trọng đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân, giảm lòng tin với những người mà mình tin tưởng nhất. Lợi ích nhóm, sân sau vẫn còn tồn tại trong hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, mua tài sản công, v.v…
Để cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt kết quả, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho công chức, viên chức, người lao động để ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng, không dám, không muốn, không ham. Tiếp tục với tinh thần tiến công trong công tác thanh tra, kiểm toán, giám sát trên các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, nhất là thời gian gần đây quan tâm của dư luận nhiều về mua sắm trang thiết bị y tế, gói hỗ trợ an sinh xã hội, các khoản đóng góp của nhân dân trong hoạt động từ thiện.
“Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không vì áp lực hoặc nhiều lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của các tổ chức, cá nhân sai phạm, nếu vi phạm phải xử lý nghiêm để răn đe. Phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị cũng như phát hiện của quần chúng nhân dân, phương tiện truyền thông, cung cấp cho cơ quan chức năng xử lý sai phạm”, đại biểu kiến nghị.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cơ quan thẩm quyền sớm ban hành các quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của công chức, viên chức, người đứng đầu nhằm khắc phục hạn chế công tác này trong thực tế, vì khi sự việc xảy ra, các cơ quan chức năng rất khó xử lý đúng quy định của pháp luật, dẫn đến tài sản tham nhũng thu hồi thấp do vướng về mặt pháp lý.
Cho ý kiến về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Ninh Thuận cho rằng: Những năm gần đây, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất và đồng bộ những việc thực hiện chủ trương chống tham nhũng, xem đây là giặc nội xâm, thể hiện qua việc ban hành khá nhiều các nghị quyết, chỉ thị, nghị định và các văn bản khác có liên quan đến phòng, chống tham nhũng và quyết tâm cao trong công tác đấu tranh của đất nước ta.
Từ đó, tình trạng tham nhũng đã được kiềm chế và từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm, góp phần từng bước vào ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của đất nước ta trên thế giới.
Tuy nhiên, theo đại biểu tham nhũng vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực, như sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư công, trong quản lý và sử dụng đất đai, vi phạm trong các hoạt động đấu thầu, chỉ định thầu, đấu giá, đặc biệt là công tác chỉ định thầu trong việc mua sắm, quản lý trang thiết bị.
Để đề phòng và ngăn ngừa các lĩnh vực này, đại biểu Thuận đề nghị tăng cường quyết liệt trong giám sát và thanh kiểm tra, đồng thời công khai, minh bạch và thông tin kiên quyết; kịp thời xử lý các vi phạm, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân, quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng; rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với tình hình thực tế theo hướng quyết liệt và mạnh mẽ hơn./.