Trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ hai theo hình thức trực tuyến mới đây, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2004. Luật Thi đua, khen thưởng đã được sửa đổi, bổ sung năm 2005 và năm 2013 là văn bản có giá trị pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Sau 17 năm thực hiện, Luật đã và đang đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, công tác thi đua và khen thưởng ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và trong đời sống xã hội.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày Tờ trình (Ảnh: Minh Hùng) |
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cụ thể, về công tác thi đua, việc tổ chức triển khai phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng Nhân dân, hiệu quả, tác dụng phong trào thi đua chưa cao; một số nơi phong trào thi đua chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời. Nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua và việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất; chưa quy định rõ trách nhiệm của Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đơn vị, cơ sở trong chỉ đạo, triển khai tổ chức phong trào thi đua theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị.
Về công tác khen thưởng, điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu nên tác dụng khen thưởng chưa cao. Một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa cụ thể, khó áp dụng với một số đối tượng thuộc các lĩnh vực khu vực ngoài nhà nước, phải điều chỉnh bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định, Thông tư.
Về thủ tục, hồ sơ khen thưởng. một số quy định về thủ tục, thành phần, số lượng hồ sơ chưa đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính; quy định thủ tục, hồ sơ khen thưởng đối với cá nhân, tập thể có thành tích đột xuất được cấp trên phát hiện, khen thưởng và một số loại hình khen thưởng chưa phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Dự thảo Luật gồm có 98 điều, đã sửa đổi và điều chỉnh 94 điều, đặt tên điều luật đối với 98 điều, trong đó: Dự thảo Luật điều chỉnh lại 24 điều của Luật hiện hành thành 13 điều của dự thảo Luật, bảo đảm nội dung của các điều được thống nhất, bao quát; Dự thảo Luật có 08 điều mới, trong đó có 03 điều mới hoàn toàn và 05 điều mới do tách ra từ các điều của Luật hiện hành; Khoản 1 Điều 101 Luật hiện hành quy định về khen thưởng tổng kết thành tích khen thưởng kháng chiến được thiết kế thành quy định chuyển tiếp tại khoản 3 Điều 98 dự thảo Luật quy định về hiệu lực thi hành; khoản 2 Điều 101 của Luật hiện hành quy định các hình thức động viên khác được thiết kế thành 01 điều (Điều 80) quy định về thẩm quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với các hình thức động viên khác.
Nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã thể chế các quan điểm, định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của Đảng vào 04 phương án chính sách xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua. Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống danh hiệu thi đua; hoàn thiện hệ thống hình thức khen thưởng; hoàn thiện chế định về thẩm quyền và trách nhiệm quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; cải cách thủ tục hành chính trong thi đua, khen thưởng,
Thẩm tra Tờ trình, Ủy ban Xã hội đánh giá Hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm các thành phần hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai. Ủy ban Xã hội đánh giá cao Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, bổ sung hoàn thiện đầy đủ nội dung, cập nhật số liệu trong các báo cáo thành phần của Hồ sơ trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội trong các báo cáo thành phần của Hồ sơ…
Ủy ban Xã hội nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về công tác thi đua, khen thưởng; khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề mới phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật nhằm đối mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức, thể hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thường thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.
Trước đó, phát biểu trong phiên khai mạc phiên họp lần thứ hai của Ủy ban Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đối với dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), như yêu cầu, hy vọng của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng như Ủy ban Thường vụ đã nêu: khi ban hành Luật phải bảo đảm bao quát hết các lĩnh vực, đối tượng, khắc phục những bất cập, tạo bước chuyển biến tích cực, rõ rệt trong phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, chủ động hội nhập quốc tế, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và thực sự là động lực của phát triển xã hội. Đây là dự án Luật đầu tiên của nhiệm kỳ khóa XV, phải trở thành một hình mẫu tiêu biểu để hiện thực được tầm nhìn cũng như định hướng, các chủ trương, nâng cao chất lượng công tác lập pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Qua theo dõi sự phối hợp công tác thời gian vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng ghi nhận, đánh giá cao Bộ Nội vụ, cơ quan được Chính phủ giao chủ trị soạn thảo đã cầu thị lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và các cơ quan của Quốc hội./.