Kỳ họp 20 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương . (Ảnh: HH)
Trong thời gian qua, dư luận nhân dân bức xúc trước những quyết định bổ nhiệm cán bộ “thần tốc” tại một số địa phương, đơn vị gây ảnh hưởng đến chất lượng cán bộ, uy tín của Đảng và sự đoàn kết trong nội bộ. Điển hình như vụ việc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa. Chỉ sau gần 5 năm bước chân vào cơ quan nhà nước, bà Trần Vũ Quỳnh Anh từ một nhân viên tạp vụ lên chức trưởng phòng ở một sở khá quan trọng, đòi hỏi chuyên môn, nghiệp vụ cao. Hay việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo giữ các chức vụ (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình; Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam). Điều đáng nói ở đây là nếu thực hiện đúng quy trình và tiêu chuẩn thì không bao giờ có chuyện “nhảy” chức nhanh chóng đến như vậy.
Về việc này, Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nêu rõ, việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”; “ưu ái, nâng đỡ không trong sáng đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh trong việc ra các quyết định về công tác cán bộ vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước như: Tiếp nhận, điều động Trần Vũ Quỳnh Anh từ nhân viên hợp đồng ở đơn vị sự nghiệp về làm công chức chuyên môn; trong một thời gian rất ngắn bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng, Trưởng phòng, đề nghị quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở; việc kết nạp Đảng, tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng…”
Và rõ ràng, những tập thể, cá nhân có liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ thần tốc và không đúng quy trình nêu trên đã bị xử lý kỷ luật nghiêm theo đúng quy định của Đảng. Những đối tượng thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã được kết luận rõ tại Kỳ họp thứ 20; những đối tượng thuộc thẩm quyền do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiến nghị lên. Ngay sau đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã họp và quyết định kỷ luật đối với những sai phạm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010-2015 và cá nhân đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010-2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011-2016.
Cũng tại Hội nghị này, Ban Bí thư còn xem xét việc đề nghị thi hành kỷ luật đối với đồng chí Ngô Văn Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa.
Những quyết định trên đây một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh trong kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm và thể hiện rõ quyết tâm chính trị và tính kiên quyết trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm nguyên tắc của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Đồng tình với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ban Bí thư Trung ương Đảng, song dư luận cũng băn khoăn rằng, những biểu hiện “bất thường” trong bổ nhiệm khi được phát hiện thì vẫn được các cấp ủy, đơn vị giải thích bởi thuật ngữ “đúng quy trình”. Việc tự kiểm điểm, tự phát hiện khuyết điểm tại các cấp phải chăng là còn hạn chế hay vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh và bao che?
Tại tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra, kiểm điểm và thi hành kỷ luật cán bộ nhưng còn ở mức “giơ cao đánh khẽ”, "vui vẻ cả", chưa tương xứng với những vi phạm, khuyết điểm được nêu ra. Trong khi đó, Kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ, những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Ngô Văn Tuấn là rất nghiêm trọng, của đồng chí Đào Vũ Việt là nghiêm trọng. Những vi phạm, khuyết điểm của hai đồng chí xảy ra trong thời gian dài, có tính hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm phải xử lý kỷ luật; gây bức xúc, hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ Sở Xây dựng, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa. “Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chỉ xem xét, xử lý kỷ luật đồng chí Ngô Văn Tuấn ở mức khiển trách và không kỷ luật đồng chí Đào Vũ Việt là chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm theo quy định của Đảng”.
Quyết định của Ban Bí thư nêu rõ: “Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Ngô Văn Tuấn là rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật. Quá trình kiểm điểm, đồng chí chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm. Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ ảnh hưởng và hậu quả vi phạm, căn cứ Quyết định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật đồng chí Ngô Văn Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng”.
Rõ ràng, giữa hình thức kỷ luật “khiển trách” của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đưa ra và hình thức kỷ luật “cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng” của Ủy ban Kiểm tra Trung ương là khác nhau "một trời, một vực". Đây cũng là lý do vì sao Đảng ta luôn có yêu cầu phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng.
Dư luận cũng đặt câu hỏi, có hay không tình trạng tham nhũng trong công tác cán bộ? Phải chăng đây cũng là một biểu hiện của lợi ích nhóm?
Nhiều chuyên gia đã phân tích, lý do là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ mang lại nhiều lợi ích vật chất nhưng ít để lại dấu vết, dễ che giấu và rất khó phát hiện. Tuy nhiên, bất cứ vấn đề gì liên quan đến công tác cán bộ mà không nhận được sự đồng tình trong nội bộ thì sớm hay muộn, sự việc cũng sẽ được phát giác và vấn đề là ở chỗ, cấp ủy, Ủy ban kiểm tra ở đó xử lý như thế nào.
Trong các vi phạm kỷ luật về công tác cán bộ ở trên, chúng ta đều thấy rõ vai trò của người đứng đầu trong công tác cán bộ. Khi người đứng đầu “cầm cân” nhưng không “nảy đúng mực” ắt sẽ vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của đơn vị và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn. Đồng chí Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã “Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; không gương mẫu, có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo (là con trai của ông Lê Phước Thanh). Đồng chí Phạm Văn Vọng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Tỉnh ủy và các quy định của Đảng, Nhà nước trong việc quyết định bổ nhiệm một số cán bộ không bảo đảm nguyên tắc, điều kiện, tiêu chuẩn…”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “mọi việc thành hay không đều là do cán bộ”, chúng ta càng ngày càng thấm điều này. Còn nhớ, trong cuộc họp của Bộ Chính trị gần đây cho ý kiến đánh giá về kết quả kiểm tra công tác cán bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt nhấn mạnh về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác cán bộ “là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc”.
Tổng Bí thư cho rằng, đánh giá cán bộ là khâu rất khó, đánh giá phải có thông tin đầy đủ, thông tin nhiều kênh, nhiều chiều, đặc biệt phải thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Trách nhiệm người đứng đầu là phải lo cán bộ, phải có nguyên tắc tập trung dân chủ, phải biết lắng nghe, phải tôn trọng ý kiến tập thể, bỏ phiếu thế nào cho công tâm khách quan. Phải kết hợp giữa nguyên tắc tập trung dân chủ và trách nhiệm của người đứng đầu.
Và điều quan trọng hơn, dư luận cũng còn băn khoăn đặt câu hỏi, những vi phạm trong công tác cán bộ còn ở nơi nào khác? Trong khi nơi nào cũng khẳng định thực hiện đúng quy trình và quy trình đúng thì lỗi vi phạm tập trung ở đâu và do ai? Đây cũng là những vấn đề thực tiễn đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền và Ban Tổ chức Trung ương cần sớm làm rõ để công tác cán bộ ngày càng đạt kết quả cao hơn và tìm được những cán bộ thực tài phục vụ cho đất nước trong thời gian tới./.