90 năm trang sử hào hùng của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa

Thứ tư, 29/07/2020 15:05
(ĐCSVN) - Lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là những trang sử hào hùng, vô cùng vẻ vang. Trong từng giai đoạn lịch sử, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên của tỉnh.

 Trải qua quá trình chuẩn bị công phu về mọi mặt, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, ngày 29/7/1930, tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa chính thức được thành lập trên cơ sở thống nhất 3 Chi bộ, gồm: Chi bộ Hàm Hạ (ra đời ngày 25/6/1930, tại làng Hàm Hạ, xã Đông Tiến), Chi bộ Phúc Lộc (ra đời ngày 10/7/1930, tại làng Phúc Lộc, xã Thiệu Tiến, huyện Thiệu Hóa) và Chi bộ Yên Trường (ra đời ngày 22/7/1930,tại làng Yên Trường, xã Thọ Lập, huyện Thọ Xuân). Sự ra đời của Đảng bộ tỉnh đánh dấu bước ngoặt trọng đại với con đường phát triển đi lên của tỉnh Thanh Hóa anh hùng.

Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: baothanhhoa.vn

Ngay sau khi ra đời, Đảng bộ tỉnh đã nhanh chóng ổn định tổ chức, lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, cùng với cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lược của kẻ thù, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân Thanh Hóa cùng cả nước bước vào giai đoạn cách mạng mới, khôi phục, phát triển đất nước sau chiến tranh; cùng với quân dân cả nước chiến đấu bảo vệ biên giới, bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Trong công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa đã cùng với nhân dân cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, phát huy nội lực, khơi dậy tiềm năng, lợi thế, tăng cường thu hút đầu tư từ bên ngoài, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước (bổ sung, phát triển năm 2011), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ để lãnh đạo, điều hành xây dựng và phát triển quê hương, tạo bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc về mọi mặt. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 10,3%; trong đó giai đoạn 2016-2020 ước đạt 12,5%, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch tích cực, vừa phù hợp xu thế phát triển chung của cả nước, vừa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 ước đạt hơn 229 nghìn tỷ đồng, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đứng thứ tám cả nước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 146.922 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 17,5%; năm 2020 ước đạt 29.000 tỷ đồng, gấp 5,5 lần so năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 11 cả nước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 43,5 triệu đồng, gấp 4,3 lần so năm 2010.

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cùng Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến trao Quyết định cho các nhà doanh nghiệp đầu tư vào Thanh Hóa. Ảnh: AM. 

Công nghiệp tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 17,2%; đã hoàn thành và đưa vào hoạt động nhiều cơ sở công nghiệp quy mô lớn có tác động thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh, khu vực Bắc Trung bộ, duyên hải Trung bộ và cả nước; trong đó, lớn nhất là Dự án liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, đến nay đã vận hành ổn định, góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Dịch vụ phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng và loại hình, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2011- 2020 ước đạt 6,5%. Sản xuất nông, lâm, thủy sản phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao; ước đến hết năm 2020 có 8 đơn vị cấp huyện, 68,09% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là một trong các tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tăng tính kết nối giữa các tỉnh trong khu vực.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tiến bộ; giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao luôn đứng trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được củng cố. Quan hệ đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế; sự phối hợp với các cơ quan Trung ương, liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước được đẩy mạnh. Vai trò, vị thế, uy tín của tỉnh Thanh Hóa ngày càng được nâng cao.

Cùng với tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều thời gian và công sức cho công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt của Đảng bộ. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 31 đảng bộ trực thuộc, 1.467 tổ chức cơ sở đảng, hơn 229 nghìn đảng viên, là đảng bộ có số đảng viên lớn thứ hai cả nước. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng thường xuyên đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm; phát huy dân chủ, tính sáng tạo, nhưng bảo đảm nguyên tắc, quy định của Đảng và quy chế làm việc; chú trọng xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, định hướng lớn để tranh thủ tối đa thời cơ, vận hội mới; đồng thời tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề cấp bách, khó khăn, vướng mắc; đề cao vai trò, trách nhiệm, sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành.

Những thành tích đã đạt được là đáng tự hào song Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa không dừng lại ở đó mà với điều kiện thuận lợi và sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự quan tâm của các cơ quan bộ, ngành Trung ương, với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống giao thông đồng bộ, đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, nhà máy lọc hóa dầu, cảng nước sâu Nghi Sơn, cùng với tiềm năng lao động tài nguyên phong phú, môi trường trong sạch, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa khát khao vươn lên xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu có thịnh vương, và tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ dạy.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến: Để đạt được ươc vọng đó, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa bước sang giai đoạn phát triển mới, với nhiều thời cơ, thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đề ra định hướng phát triển của tỉnh trong 5 năm tới, sẽ trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử, khát vọng thịnh vượng và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tập trung phát triển bốn trung tâm kinh tế động lực, năm trụ cột tăng trưởng, sáu hành lang kinh tế và sáu vùng liên huyện; tiếp tục coi phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là nền tảng, công nghiệp là then chốt, dịch vụ là quan trọng; tăng cường ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội và đời sống của nhân dân; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

 Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: AM.

Để hiện thực hóa được mục tiêu trên, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu đó là:

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng trong Khu kinh tế Nghi Sơn mở rộng; quy hoạch đô thị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040,... để làm cơ sở vận động thu hút đầu tư và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, rà soát lại toàn bộ hệ thống cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã ban hành để điều chỉnh, bổ sung, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới.

Thứ hai, tập trung cao để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là các lĩnh vực sản xuất có liên quan đến đời sống nhân dân và các lĩnh vực có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11%/năm trở lên.

 Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Tiếp tục giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc; nâng cao hình ảnh, vị thế của người Thanh Hóa trong lòng bạn bè trong và ngoài nước.

Thứ tư, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động nắm chắc tình hình và kịp thời xử lý các tình huống phát sinh, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị của đất nước và của tỉnh. Tăng cường đấu tranh trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo.

Thứ năm, tăng cường công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Chuẩn bị thật tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tổ chức thực hiện đưa nhanh nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 vào cuộc sống.

Có thể khẳng định, lịch sử 90 năm xây dựng và trưởng thành của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa là những trang sử hào hùng, vô cùng vẻ vang. Trong từng giai đoạn lịch sử, phát huy truyền thống quê hương anh hùng, với trí tuệ, bản lĩnh và nghị lực kiên cường; với tinh thần chủ động, sáng tạo, Đảng bộ tỉnh đã khẳng định vai trò lãnh đạo, quyết định sự phát triển đi lên của tỉnh, đưa phong trào cách mạng phát triển. Đây là tài sản vô giá để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh gìn giữ và tiếp tục phát huy.

Phát huy truyền thống 90 năm của Đảng bộ Thanh Hóa, với sức mạnh đoàn kết và tiềm lực của tỉnh, sự cần cù của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Thanh Hóa phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành tỉnh thịnh vượng và kiểu mẫu./.      

Anh Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực