Bắc Giang: GRDP cả năm đứng đầu cả nước, tạo đà phát triển bứt phá cho cả nhiệm kỳ

Thứ bảy, 02/01/2021 10:18
(ĐCSVN) - Năm 2020, vượt qua những khó khăn do đại dịch COVID-19, Bắc Giang đã vươn lên phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng kinh tế đứng đầu cả nước, tạo đà cho sự phát triển bứt phá trong những năm tiếp theo. Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Ánh Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang về những giải pháp và kết quả cụ thể.
Đồng chí Lê Ánh Dương gặp gỡ đại diện một số doanh nghiệp nhân Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020”. 

 

Kinh tế tăng trưởng đứng đầu cả nước

Phóng viên: Thưa đồng chí, năm 2020, thế giới và trong nước trải qua nhiều khó khăn và biến cố do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, điều đó có ảnh hưởng và tác động trực tiếp tới việc thực hiện các nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh như thế nào? Tỉnh Bắc Giang đã có những giải pháp như thế nào để vượt qua những khó khăn đó?,

Đồng chí Lê Ánh Dương: Năm 2020 là năm khó khăn nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đối với tỉnh Bắc Giang, 6 tháng đầu năm, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,4%, sản xuất công nghiệp bị đình trệ; nhu cầu sử dụng nông sản giảm, 60-70% hợp tác xã nông nghiệp chịu tác động trực tiếp do dịch bệnh; sản lượng cung ứng giảm từ 30-50%, giá bán cũng giảm từ 10-15%; các hoạt động thu ngân sách nhà nước, triển khai các dự án đầu tư, thu hút đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn; gần 1.000 lao động mất việc làm, 1.400 lao động nghỉ việc không lương, hơn 600 người phải tạm hoãn hợp đồng; giáo dục tạm hoãn nhiều lần, xáo trộn nền nếp, kế hoạch dạy học; các hoạt động du lịch, văn hóa gần như đóng băng...

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với tác động của dịch COVID-19 để xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; Ban hành Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 21/7/2020 khắc phục tác động của dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, chủ động nhiều kịch bản ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh.

Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt: phòng dịch chặt chẽ, lấy an toàn sức khỏe của nhân dân làm đầu. Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang là tỉnh có nguy cơ rất cao do giáp danh với các tỉnh có người nhiễm COVID-19 và gần với tỉnh Lạng Sơn (nơi lao động Việt Nam trở về từ Trung Quốc qua đường mòn lối mở). Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, sâu sát trong kiểm soát nguồn lây nhiễm từ người đến, về từ vùng có dịch theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” áp dụng biện pháp cách ly phù hợp, không để dịch bệnh xâm nhập vào cộng đồng tạo môi trường an toàn để khôi phục, phát triển kinh tế.

Thời điểm tháng 8, khi dịch bệnh xuất hiện trở lại, Bắc Giang phát hiện ca nhiễm COVID-19 tại huyện Sơn Động, UBND tỉnh đã nhanh chóng, quyết liệt chỉ đạo, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, truy vết, dập dịch, không để dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Tỉnh đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành trong thực nhiệm vụ phát triển kinh tế, dự toán ngân sách, phương châm “khó ở đâu gỡ ngay ở đó,” tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế sớm phục hồi sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng. Cuối tháng 4/2020, Bắc Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước mở cửa đón nhà đầu tư, chuyên gia, lao động nước ngoài, thương nhân đến làm việc, sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp gắn với tăng cường thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư.

Cùng với các giải pháp trên, tỉnh đã quyết liệt các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ. 

Năm 2020, Bắc Giang đã thu hút hơn 100 dự án với số vốn hơn 1 tỷ USD 

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp, nhân dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; đảm bảo ổn định đời sống nhân dân và hoạt động doanh nghiệp.

Có thể nói, nhờ thực hiện kiểm soát phòng dịch chặt chẽ, kiên định mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành đã giúp nền kinh tế của tỉnh Bắc Giang phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong những tháng cuối năm; tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm đạt 13,02%, đứng đầu cả nước.

Năm 2020 đã thu hút hơn 100 dự án với số vốn hơn 1 tỷ USD

Phóng viên: Tính đến hết năm 2020, tỉnh đã đạt được những kết quả nổi bật gì đáng chú ý?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Là năm đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song năm 2020 cũng đánh dấu nhiều thành tích nổi bật của tỉnh Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cao cao nhất cả nước, đạt 13,02%. Quy mô GRPD tương đương khoảng 5,3 tỷ USD, tăng 17,1%; GRDP bình quân đầu người đạt 2.900 USD, tăng 14,2% so với năm 2019.

Các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh; cả 3 khu vực kinh tế đều tăng trưởng, trong đó công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh (đạt gần 20%), là động lực chính cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, ổn định, tăng trưởng đạt 6,7% - cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm nông sản được mùa, được giá; năm 2020, tỉnh có thêm huyện 01 huyện, 27 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dẫn đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực; trong năm 2020 đã thu hút hơn 100 dự án với số vốn hơn 1 tỷ USD; duy trì trong 10 tỉnh đứng đầu cả nước về tổng vốn thu hút đầu tư FDI; chất lượng các dự án đầu tư FDI được cải thiện.

Hoạt động xúc tiến thương mại có nhiều đổi mới theo hướng chủ động, sáng tạo, hiệu quả hơn. Đặc biệt, lần đầu tiên Vải thiều của tỉnh xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, bưởi Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Giá trị xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ, đạt 11,2 tỷ USD, tăng 50,5%; nhập khẩu đạt 10,6 tỷ USD, tăng 51,7% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh khó khăn, song thu ngân sách nhà nước vẫn đạt 12.000 tỷ đồng, vượt 18% dự toán. Chi đầu tư phát triển tăng mạnh, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng chi ngân sách, tạo động lực lớn cho phát triển của tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh phát huy hiệu quả đã huy động được nhiều nguồn lực cho nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội cả năm ước đạt 59.610 tỷ đồng, tăng 12,2%. Hạ tầng kinh tế-xã hội được tập trung đầu tư và có cải thiện đáng kể.

Công tác phòng, chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, đặc biệt đã kiểm soát tốt dịch COVID-19; hệ thống y tế được củng cố. Phát triển BHYT, BHXH được tập trung cao đạt kết quả cao, Bắc Giang là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước với 99,5% dân số có thẻ BHYT.

Các lĩnh vực giáo dục đào tạo, hoạt động văn hóa, thể thao được triển khai chủ động, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện. Niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền được củng cố; tinh thần đoàn kết thương thân tương ái được phát huy.

Tỉnh đã tổ chức thành công đại đội Đảng bộ các cấp. Công tác lập Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 được tập trung cao; đến nay, đang trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh của Trung ương; hoàn thành xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025.

Công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền được chỉ đạo, quyết liệt và hiệu quả hơn. Các kết quả, chỉ số đánh giá về cải cách hành chính của tỉnh tiếp tục được cải thiện. Công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, chủ động, linh hoạt hơn; hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được cải thiện. Đã hoàn thành thực hiện sắp xếp giảm 21 đơn vị hành chính cấp xã theo kế hoạch (đến nay toàn tỉnh còn 209 xã, phường, thị trấn).

Quốc phòng - an ninh được tăng cường tạo môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội. Đã hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân năm 2020; hoàn thành bố trí Công an chính quy tại 100% các xã, thị trấn, làm nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng có nhiểu đổi mới. Việc thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm và có sự kết hợp liên ngành, hạn chế ảnh hưởng, cản trở đến hoạt động của doanh nghiệp. Tai nạn giao thông giảm cả ba tiêu chí so với cùng kỳ.

Đồng chí Lê Ánh Dương đi thăm một số mô hình kinh tế nông nghiệp trên địa bàn. 

Chuẩn bị các điều kiện cho sự phát triển bứt phá

Phóng viên: Thưa đồng chí, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới đưa Bắc Giang nằm trong số 15 tỉnh, TP phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước. Vậy, tỉnh đã chuẩn bị những điều kiện gì để tạo đà cho sự tăng trưởng này?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Bắc Giang đang đứng trước thời cơ rất lớn, các ngành kinh tế, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đang phục hồi nhanh và phát triển trở lại; xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trong khu vực đang tạo ra thời cơ tốt. Cùng với đó là sự đoàn kết, quyết tâm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh... Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu trong 5 năm tới đưa Bắc Giang nằm trong số 15 tỉnh, thành phố phát triển có quy mô kinh tế (GRDP) dẫn đầu cả nước.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tạo đà cho tăng trưởng, cụ thể:

Về định hướng tổ chức không gian phát triển: Bắc Giang đã tập trung cao hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, đến nay đang trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh của Trung ương. Việc triển khai quy hoạch sẽ giúp tỉnh khắc phục được các hạn chế trước đó về hạ tầng đô thị, khu công nghiệp, giao thông; tạo không gian khoa học, thông minh, năng động giữa phát triển, tăng trưởng kinh tế và các dịch vụ xã hội.

Về hạ tầng: Bắc Giang đã hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch để bổ sung mới 3 khu công nghiệp, điều chỉnh mở rộng 3 khu công nghiệp và đã trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Việc đảm bảo quỹ đất phát triển công nghiệp là điều kiện quan trọng nhất cho việc đón làn sóng đầu tư mới trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Về nhân lực: Bắc Giang lợi thế với nguồn nhân lực dồi dào (1,8 triệu dân); những năm qua tỉnh đã chủ động đẩy mạnh giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (tỉnh đã có 70% lao động qua đào tạo); giúp chủ động nguồn nhân lực tại chỗ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động đặc biệt là nhân lực kỹ thuật, tay nghề cao.

Về vận hành của bộ máy công vụ: Bắc Giang đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính; siết chặt kỷ cương công vụ; thông thoáng trong giải quyết thủ tục hành chính nhất là các thủ tục về đầu tư; sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhanh nhất, kịp thời nhất.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tuy nhiên, như chúng ta từng chứng kiến trong vòng hơn 1 năm qua, thế giới và trong nước, hay ngay cả dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ toàn quốc cũng đã phải bổ sung, điều chỉnh các chỉ số tăng trưởng khi đại dịch COVID-19 ập tới. Vậy, trong nhiệm kỳ tới tỉnh đã Bắc Giang sẽ có những giải pháp gì để đối phó với những tác động đột xuất đó không, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Năm 2020, đại dịch COVID-19 cho thấy mọi chiến lược, kế hoạch, bài toán cho tăng trưởng, phát triển đều có thể bị đảo lộn bởi yếu tố bất ngờ từ tự nhiên. Từ bối cảnh và thực tiễn kết quả đạt được năm 2020; Bắc Giang rút ra bài học kinh nghiệm rằng bên cạnh sự chỉ đạo điều hành linh hoạt của cấp ủy, chính quyền thì cần phải xây dựng các nhân tố bền vững làm trụ đỡ cho nền kinh tế. Vì vậy, trong nhiệm kỳ tới, Bắc Giang sẽ tập trung bứt phá mạnh mẽ theo hướng toàn diện, vững chắc để nền kinh tế có thể đương đầu đứng vững và vượt qua khó khăn khi có tác động xấu đột xuất. Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh đã chuẩn bị một số điều kiện, giải pháp cụ thể như sau:

Một là, quy hoạch và xây dựng không gian phát triển khoa học; đa dạng hóa nền kinh tế; trong đó lấy công nghiệp làm động lực dẫn dắt; nông nghiệp làm trụ đỡ; dịch vụ làm bước tiến và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Hai là, đối với công nghiệp, tỉnh Bắc Giang sẽ cơ cấu cân bằng các nhà đầu tư. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư truyền thống (Trung Quốc, Hàn Quốc) tiếp tục phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh; trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới, Bắc Giang sẽ chú trọng đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đa dạng các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, Singapore…Qua đó để tranh thủ vốn đầu tư phát triển xã hội; tiếp cận, nâng cao trình độ khoa học công nghệ của tỉnh. Đặc biệt, không để nền kinh tế phụ thuộc vào một đối tác nhất định.

Ba là, đối với nông nghiệp - thế mạnh truyền thống của tỉnh: Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mô hình sản xuất tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đồng thời, tập trung phát triển các chuỗi liên kết giá trị, thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết để bảo đảm ổn định đầu ra cho sản phẩm, mở rộng thị trường ở cả trong nước và xuất khẩu. Khai thác tối đa dư địa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng ngành.

Bốn là, đối với phát triển dịch vụ: Bắc Giang tập trung phát triển dịch vụ đô thị hiện đại, thông minh; dịch vụ khu, cụm công nghiệp đồng bộ và dịch vụ du lịch. Ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông, công nghiệp, hạ tầng thủy lợi, đô thị và du lịch, hạ tầng giáo dục, y tế, công nghệ thông tin - công nghệ số.

Năm là, đối với nguồn nhân lực, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới (thời kỳ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và công nghệ số); nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nhà đầu tư; chủ động nguồn nhân lực tại chỗ; nâng cao năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sáu là, đối với hỗ trợ người dân và doanh nghiệp: Bắc Giang tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành; sự năng động, quyết liệt của người đứng đầu; đội ngũ công chức, viên chức chuyên nghiệp, sáng tạo. Thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật; ban hành các cơ chế, chính sách thực sự là đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong năm 2020, tỉnh Bắc Giang có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch COVID-19.  

Phóng viên:  Năm 2021 cũng là năm đầu tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xin đồng chí cho biết những mục tiêu và giải pháp trọng tâm thực hiện Nghị quyết trong năm tới?

Đồng chí Lê Ánh Dương: Năm 2021 là năm đầu triển khai thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021-2030 của cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm, giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh đặt mục tiêu là “Củng cố, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế trên cơ sở kiểm soát tốt dịch COVID-19. Tạo chuyển biến rõ nét trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn vốn đầu tư chất lượng. Phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng KCN, CCN, giao thông và đô thị theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng quản lý tài nguyên, khoáng sản; giải quyết tốt các vấn đề về môi trường. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất hơn trong cải cách hành chính. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, an toàn cho phát triển. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tạo đà vững chắc cho thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025”.

Để đạt được các mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang tập trung thực hiện hiệu quả 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, trước mắt, tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh; xây dựng các chính sách cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư; tạo điều kiện phát triển các thành phần kinh tế. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh triển khai các dự án kết cấu hạ tầng KTXH trọng điểm. Quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, chú trọng bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.  Phát huy giá trị văn hoá; nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển. Đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn!

H Hòa (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực