Tận dụng tiềm năng sẵn có để phát triển
Là tỉnh miền núi nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bộ, Bắc Kạn có tổng diện tích tự nhiên là 485.996,0 ha trong đó, diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.538,67 ha (chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên).
Để tận dụng lợi thế này, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của nhân dân, những năm gần đây, ngành lâm nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đã có những bước khởi sắc và đang chuyển dần từ lâm nghiệp truyền thống sang lâm nghiệp xã hội. Lâm nghiệp được xác định là một trong những ngành mũi nhọn trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
|
Công nghiệp chế biến lâm sản được Bắc Kạn chú trọng trong nhiệm kỳ qua. |
Theo đó, năng suất, chất lượng rừng ngày càng tăng, từng bước hình thành được vùng sản xuất nguyên liệu tập trung. Công tác bảo vệ và phát triển rừng trong những năm qua ở Bắc Kạn cũng đạt kết quả tích cực khi diện tích đất lâm nghiệp có rừng là 371.949,9 ha. Năm 2019, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh là 72,9%.
Các sản phẩm từ rừng được khai thác chủ yếu là gỗ rừng trồng, một phần lâm sản ngoài gỗ. Với diện tích rừng trồng là 97.863,7 ha, từ năm 2016 đến năm 2020 (năm 2020 ước thực hiện khai thác gỗ các loại là 260.000 m3), tỉnh đã thực hiện khai thác với tổng khối lượng là 724.204,00 m3 gỗ các loại, giúp tăng thu nhập của người trồng rừng đồng thời góp phần quan trọng trong thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế của tỉnh.
Cùng với đó, với hơn 274.086,1 ha rừng tự nhiên, việc sử dụng lâm sản ngoài gỗ chủ yếu là vầu, nứa, nhựa thông, vỏ quế, quả hồi và một số loài lâm sản khác đã gắn liền với sự sinh tồn của các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng trong sản xuất lâm nghiệp, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn miền núi. Khi tài nguyên gỗ càng ngày càng cạn kiệt và bị hạn chế khai thác, thì tài nguyên lâm sản ngoài gỗ chiếm một vị trí quan trọng trong ngành lâm nghiệp. Lâm sản ngoài gỗ trở thành nguyên liệu cung cấp cho sản xuất hàng hoá nội địa cũng như xuất khẩu rất đa dạng, bao gồm: thực phẩm, dược phẩm, tinh dầu, sợi, hàng thủ công mỹ nghệ...
Theo đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, ngành lâm nghiệp đã có đóng góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, chống biến đổi khí hậu, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp, từng bước nâng cao đời sống kinh tế cho người dân miền núi.
|
Quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn Đỗ Thị Minh Hoa chia sẻ về chủ trương của lãnh đạo tỉnh trong việc tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp. |
Cùng với sự phát triển của ngành lâm nghiệp, bước đầu Bắc Kạn đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chế biến nông sản và tổ chức sản xuất có liên kết trong khu vực nông thôn. Đến nay, tỉnh đã hình thành một số vùng trồng rau chuyên canh; các loại cây đặc sản có thế mạnh của tỉnh như cam, quýt, chè, hồng không hạt từng bước được thâm canh, tăng dần năng suất, chất lượng, một số diện tích đã được cấp chứng nhận VietGAP, được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm và chứng nhận sản xuất hữu cơ. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP) được tỉnh triển khai khá hiệu quả, đến hết năm 2020 đã công nhận 140 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Một số sản phẩm thông qua chương trình đã trở thành hàng hóa có giá trị kinh tế được thị trường đón nhận như gạo nếp Khẩu Nua Lếch, miến dong Bắc Kạn, tinh bột nghệ Curcumin...
Để sản phẩm được nhiều người biết đến, Bắc Kạn đã chú trọng xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Tỉnh đã hỗ trợ thành lập 01 Liên hiệp hợp tác xã (Liên hiệp các Hợp tác xã Nông dược và du lịch cộng đồng gồm 05 HTX) và các hợp tác xã vệ tinh tham gia mở gian hàng và giới thiệu sản phẩm tại các điểm bán hàng trong và ngoài tỉnh như: Trạm dừng nghỉ tại Thị trấn Tam Đảo tỉnh Vĩnh phúc; Trạm dừng nghỉ Hải Đăng, thành phố Thái nguyên; Trạm dừng nghỉ tỉnh Hà Nam… hỗ trợ xây dựng 01 điểm bán hàng tại thành phố Bắc Kạn. Cùng với 06 chủ thể kinh tế mở điểm bán hàng các sản phẩm OCOP tại các huyện: Bạch Thông, Na Rì, Chợ Đồn, Ba Bể, Pác Nặm, tỉnh đặc biệt quan tâm giới thiệu và tổ chức các hoạt động hỗ trợ sản phẩm OCOP tham gia các chương trình: Hoạt động văn hóa, ẩm thực quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản OCOP tỉnh Bắc Kạn nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 01/5 năm 2019; giới thiệu các sản phẩm nông sản OCOP tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, hội chợ tại các tỉnh: Bến Tre, Thái Nguyên, Hòa Bình, Nam Định, Cần Thơ; Tuần lễ giới thiệu hồng không hạt do tỉnh Bắc Kạn tổ chức tại Siêu thị Big C thành phố Hà Nội…
Một trong những kết quả rõ rệt khi ưu tiên phát triển nông - lâm nghiệp ở Bắc Kạn là đời sống vật chất của người dân nông thôn từng bước được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,46%/năm, đạt kế hoạch đề ra, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.
|
Trà hoa vàng ở xã Nghĩa Tá, huyện Chợ Đồn đang giúp cải thiện đời sống cho nhiều người dân |
Nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp
Với mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: Khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, huy động có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tập trung phát triển, nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp, từng bước phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hoá. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông lâm sản và dược liệu... cùng các mục tiêu cụ thể như: đến năm 2025 có 200 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao; trong đó có 2 sản phẩm đạt 5 sao..., đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Một trong những chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XII dự kiến sẽ triển khai trong nhiệm kỳ là "Phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tăng cường liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị để tăng thu nhập cho dân cư khu vực nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới".
Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, chuyển dịch mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với sản lượng lớn; từng bước ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất một số cây trồng có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Cơ cấu lại để phát triển nông nghiệp dựa trên phát triển chuỗi giá trị của các ngành hàng có lợi thế, các sản phẩm bản địa phù hợp với thị trường và điều kiện của từng địa phương. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao giá trị gia tăng, giảm giá thành và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, ngô kém hiệu quả, đất canh tác một vụ sang các cây trồng có thế mạnh. Tiếp tục phát triển một số cây ăn quả có múi, hồng không hạt, cây mơ theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc quy trình VietGAP tiêu chuẩn hữu cơ. Tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng. Thực hiện tốt công tác quy hoạch để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất theo chuỗi, được chứng nhận an toàn thực phẩm hoặc VietGAP theo lợi thế của từng vùng. Tăng cường công tác quản lý để giữ được chất lượng và thương hiệu các sản phẩm đã được công nhận và các sản phẩm OCOP. Hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn gắn với xây dựng làng nghề.
|
Giống trồng rừng chất lượng được cung cấp cho người dân |
Tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện chương trình OCOP, triển khai xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau, hoa tại thành phố Bắc Kạn, các huyện Bạch Thông, Chợ Mới để tạo động lực và thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đẩy mạnh công tác trồng rừng đảm bảo về chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng công tác trồng lại rừng sau khai thác. Tập trung trồng rừng gỗ lớn, cây đa mục đích có giá trị kinh tế cao và trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Khuyến khích các mô hình liên doanh, liên kết giữa các chủ rừng với các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trồng rừng phải gắn với công nghiệp chế biến lâm sản.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Có chính sách để thu hút, hỗ trợ các tổ chức và cá nhân (hợp tác xã, doanh nghiệp) đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung với số lượng lớn và sản xuất theo chuỗi giá trị. Có cơ chế, chính sách cụ thể cho người trồng rừng gỗ lớn, người bảo vệ rừng là rừng tự nhiên (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất).
Tập trung chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tăng cường lồng ghép các nguồn vốn đầu tư thực hiện chương trình. Tiếp tục chỉ đạo các ngành giúp đỡ các địa phương, tập trung chỉ đạo phát triển các mô hình sản xuất, mô hình giảm nghèo, mô hình tạo việc làm tại nông thôn có hiệu quả.
Với chủ đề “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; Phát huy truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và đại đoàn kết các dân tộc; huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực; quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững”, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XII diễn ra từ ngày 26 - 28/10 sẽ tiến hành đánh giá toàn diện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, đồng thời xác định và quyết nghị thông qua mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025; đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội XIII của Đảng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
|