Em họ tôi là con liệt sỹ hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị. Tốt nghiệp Đại học Kiến trúc loại ưu, em được giữ lại làm giảng viên chuyên ngành Kiến trúc sư công trình - một trong những ngành hot những năm chín mươi của thế kỷ trước. Ngoài giảng dạy chính thức tại Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, em thường xuyên được mời tham gia tư vấn xây dựng các tòa cao ốc của các nhà thầu lớn. Bởi thế, không chỉ có thu nhập cao mà tên tuổi em khá nổi trong làng kiến trúc sư Thành phố Hồ Chí Minh thời ấy.
|
Kiến trúc sư (ảnh minh họa) |
Một đứa con tài năng và hiếu thảo, nhẽ ra phải là niềm tự hào của gia đình, dòng họ. Thế mà thím tôi và nhiều người trong họ lại buồn, giận và bức xúc khi em không muốn phấn đấu vào Đảng. Ở trường đại học, em luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và tích cực tham gia các hoạt động chung. Cấp ủy đảng nơi công tác cũng quan tâm bồi dưỡng, đưa em vào danh sách học đối tượng đảng vài lần, nhưng lần nào em cũng lấy cớ để không đi học. Lý do em đưa ra là tự thấy mình chưa đủ năng lực, trình độ, tâm huyết nên chưa xứng đáng được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đề nghị cấp ủy cho thêm thời gian để tu dưỡng, rèn luyện và tiếp tục phấn đấu. Khất lần như thế ba, bốn đợt nên cấp ủy nhà trường không động viên nữa, và em “thở phào” vì điều đó. Thím tôi thuyết phục con mãi không được thì khóc lóc rồi tuyệt thực. Gặp tôi, thím nỗi niềm:
- Một người con liệt sỹ, một “hạt giống đỏ”, lại được ăn học đàng hoàng mà không có đảng, thím còn mặt mũi nào trước vong linh chú và bà con xóm giềng, dòng họ hở cháu!
Ngày ấy chưa xảy ra những chuyện Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy bị khai trừ đảng hay chuyện người đứng đầu đất nước phải từ bỏ hết các chức vụ do vi phạm những điều đảng viên không được làm, nhưng sự lý tưởng hóa quá mức những người Cộng sản đã khiến em tôi “vỡ mộng” khi bắt gặp những “tấm gương” xấu ngay tại môi trường giáo dục đại học. Đó là nạn vòi vĩnh sinh viên, cả nạn gạ tình lấy điểm đối với nữ sinh, cũng như những thói tật trong đội ngũ công bộc của dân. Em tự thấy cuộc sống của bản thân, gia đình đã đủ đầy bằng chính năng lực và sự chăm chỉ của mình chứ không phải lợi dụng chức vụ, quyền hạn để có như một số quan tham bị bêu danh trên báo chí. Và em lùi xa, không muốn “chung mâm” với họ.
Một ngày, không biết bằng cách nào, những đồng đội của chú tôi trong Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị tại thành phố Hồ Chí Minh đã tìm đến nhà em. Một người sững sờ ôm chặt em và kêu lên: “Trời ơi thằng Đức. Đúng bản sao của thằng Đức rồi!"
Thắp hương cho chú tôi xong, ai nấy thăm hỏi cuộc sống của mẹ con em và kể về những kỷ niệm với người đã khuất. Sự khốc liệt của cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, em đã học trong sách giáo khoa, qua phim ảnh, báo chí, nhưng qua lời kể của những đồng đội cùng chiến hào với cha mình, em thấy nó sống động đến thế! Họ nhắc tên thằng Thoan, lính thông tin của Đại đội đã dùng răng cắn chặt dây cáp truyền tín hiệu để giữ liên lạc cho tiền tuyến; Thằng Bính ở Thái Bình, đồng đội phải chôn tới ba lần vì vừa vùi xác xuống thì đạn pháo lại cày lên... Rồi họ nhắc tới con số hơn 4.000 liệt sĩ đã nằm lại Thành Cổ trong 81 ngày đêm oanh liệt, góp phần tác động tích cực đến sự thành công của đoàn ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Paris lịch sử năm 1973. Và em chợt nhận ra rằng, những đồng đội của cha mình với ý chí, lòng dũng cảm tuyệt vời chính là biểu tượng sinh động nhất cho khát vọng độc lập, tự do, thống nhất đất nước của cả dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước. Rồi ai nấy vô cùng ngạc nhiên khi biết em - một người con liệt sỹ với tấm bằng tốt nghiệp đại học loại ưu từ những năm đầu thập niên chín mươi lại chỉ là một giảng viên bình thường và chưa là đảng viên. Họ càng sửng sốt khi biết em đã từ chối bao cơ hội để được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Một cựu binh bị cụt nửa cánh tay phải nghiêm nghị nhìn em và hỏi:
- Chẳng nhẽ ba cháu và bao đồng đội ngã xuống để cháu chọn cuộc sống này sao?
Không biết câu chuyện của những người đồng đội của chú tôi đã tác động thế nào đến tâm tư, tình cảm của em tôi mà từ sau buổi gặp mặt ấy, em không còn viết những lời bình bất mãn về những vụ bắt giữ cán bộ tham nhũng, lũng đoạn tổ chức nữa. Em lao vào công việc nhiều hơn. Ngoài công tác giảng dạy, em còn tham gia nghiên cứu khoa học và các hoạt động thiện nguyện của trường. Ở tuổi 45, em hãnh diện đứng trước cờ Đảng để tuyên thệ “Tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam...” như thề với chính người cha thân yêu đã khuất của mình. Trong những đợt giao lưu cùng sinh viên, em không ngần ngại chia sẻ câu chuyện vào đảng của bản thân và mong các bạn coi đó như bài học kinh nghiệm cho mình.
|
Lễ kết nạp Đảng viên (ảnh minh họa) |
Chuyện vào Đảng của em tôi là câu chuyện của một thế hệ may mắn không phải chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng lại rất dễ “tổn thương” và đôi khi còn cho mình quyền phán xét thái quá. Không phủ nhận một bộ phận không nhỏ tìm mọi cách vào Ðảng vì động cơ được tuyển dụng, đề bạt vào một vị trí lãnh đạo nào đó. Ở một số cơ sở đảng, có những trường hợp chọn người để kết nạp Đảng nếu không cùng ekip thì cũng là sự ban ơn. Với thế hệ từng tham gia chiến trận, không ít người được kết nạp đảng ngay tại chiến hào, và việc được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng đã giúp họ có thêm dũng khí vượt qua những thử thách khốc liệt thời chiến. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong số họ lại dễ dàng quỵ ngã trước những “viên đạn bọc đường” thời bình, đến mức thân bại danh liệt, phải vào vòng lao lý... Dù thế, đó vẫn chỉ là những cá thể, không thể quy thành bản chất của Đảng như các thế lực thù địch, phần tử cơ hội đang rêu rao trên các phương tiện truyền thông chống cộng. Và sự rêu rao ấy, cùng với những thông tin tiêu cực trên mạng xã hội đã tác động xấu đến nhiều người, trong đó có em tôi, khiến họ có cái nhìn lệch lạc về Đảng, về chế độ.
Thật may là cuộc thăm viếng của những đồng đội của chú tôi đã kịp “cứu rỗi” em. Bằng lòng yêu kính, ngưỡng vọng người cha liệt sỹ và đồng đội của cha mình, em đã kịp nhìn lại bản thân, biết thận trọng, khách quan khi tiếp nhận những thông tin trái chiều để sàng lọc, để tự mình đánh giá chứ không lệ thuộc vào luận điệu của những kẻ chống phá, cơ hội chính trị, để không trượt dài trong cái nhìn phiến diện, lệch lạc. Nhờ đó, em đã nhìn thấy bao tấm gương đảng viên nhiều thế hệ, không chỉ suốt đời tin Đảng, theo Đảng mà họ còn truyền cảm hứng đến bao thế hệ trẻ về niềm tin vĩnh cửu ấy. Bất luận cuộc sống đổi thay, bất luận sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên, họ vẫn đêm ngày cống hiến sức mình cho sự lớn mạnh của Đảng, sự hưng thịnh của quê hương, đất nước, cũng là cho sự trưởng thành của bản thân mình./.