Về một số xã, thị trấn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường những ngày cuối tháng 10, điều dễ nhận thấy là các làng quê nơi đây đã có nhiều khởi sắc, đổi thay. Từ trong xóm ngõ, đường liên thôn, liên xã đều được bê tông hoá, nhiều nơi còn trải nhựa phẳng lỳ, có đèn điện chiếu sáng về ban đêm, được bài trí chậu hoa ven đường, nhiều bức tường được vẽ tranh, đến những trạm y tế, trường học, nhà văn hóa… đều được xây dựng kiên cố, khang trang, sạch đẹp. Bên cạnh đó có nhiều nhà cao tầng, biệt thự, nhà mái bằng hiện đại mọc lên với những hàng cây xanh tỏa bóng mát, cây ăn quả sai trĩu khoe mình trước nắng thu vàng tạo lên khung cảnh làng quê no ấm, yên bình.
|
Thanh niên “Làng văn hóa kiểu mẫu” Bàn Mạch vui chơi trong khu thiết chế văn hóa, thể thao. |
Đến thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường, chúng tôi thực sự ấn tượng bởi đường làng phong quang sạch đẹp, đường giao thông hình bàn cờ, kết nối với các trục đường lớn. Thôn Bàn Mạch có nghề rèn truyền thống từ lâu đời, hiện thu hút 70% người dân làm nghề. Nhiều người giàu lên từ nghề này. Gặp từ cán bộ cho đến người dân ai nấy đều vui mừng phấn khởi, vui vẻ trò chuyện.
Ông Trần Văn Tàu, chủ cơ sở sản xuất cạm chuột bán nguyệt hồ hởi: "Kế thừa nghề rèn truyền thống của cha ông để lại, chúng tôi nghiên cứu, sáng chế, đưa ra thị trường một số mặt hàng, đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng. Hiện cơ sở có gần 50 công nhân, chủ yếu là phụ nữ, làm việc nhẹ nhàng trong nhà, thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Cạm bẫy chuột của cơ sở không chỉ bán ra thị trường cả nước mà xuất đi một số nước như: Thái Lan, Lào, Cam pu chia... Hết giờ lao động, sản xuất ra, người dân trong thôn đều tập trung đến Khu thiết chế văn hóa, thể thao của thôn vừa khánh thành để vui chơi, giải trí, xả stress giúp cải thiện tâm trạng và sức khỏe mỗi ngày. Nơi đây có đủ dụng cụ, bãi tập, người dân rất hưng phấn, yêu thích".
Ông Trần Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân chia sẻ, từ khi thôn Bàn Mạch được huyện và tỉnh lựa chọn xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”, từ cán bộ, đảng viên đến người dân đều rất vui mừng phấn khởi. Với sự nỗ lực cố gắng, tinh thần trách nhiệm cao của cán bộ, đảng viên và người dân, sau một thời gian triển khai thực hiện đến nay, “Làng văn hóa kiểu mẫu” Bàn Mạch đã đạt 9/14 tiêu chí. Cũng từ đó tạo sự lan tỏa, khí thế thi đua sôi nổi, đời sống văn hóa, tinh thần, môi trường của người dân được nâng lên một bước. Xã đã lắp 32 mắt camera giám sát an ninh trật tự, kiện toàn, cùng cố lực lượng dân quân tự vệ bảo đảm “Vững mạnh, rộng khắp”, người dân được sống, làm việc trong môi trường yên bình, chan hòa tình làng nghĩa xóm.
Bà Nguyễn Thị Ghi, Bí thư Chi bộ thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường tuy đã hơn 60 tuổi nhưng vẫn khá nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Từ ngày triển khai xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” thôn Đông, bà như con thoi, làm việc thâu trưa và hầu như không có ngày nghỉ, vừa tổ chức chỉ đạo các hội, đoàn thể vừa hướng dẫn bà con thực hiện các nội dung, tiêu chí. Thôn Đông có 246 hộ với 911 khẩu. Khi triển khai xây dựng Khu thiết chế văn hóa, thể thao có 27 hộ thuộc diện có đất được đền bù, giải phóng mặt bằng. Với sự tận tâm, trách nhiệm của bà Ghi và cán bộ trong thôn, cả 27 hộ dù chưa nhận đồng nào đền bù nhưng đã sớm giao đất cho chính quyền địa phương xây dựng, có hộ diện tích đất rộng hơn 300 mét vuông.
Huyện Vĩnh Tường triển khai chủ trương xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” đã tạo ra luồng sinh khí mới, từ cán bộ cho đến người dân đều hăng hái, toàn tâm, toàn ý hưởng ứng tham gia. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nghị quyết, 14 tiêu chí và 16 cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh; tổ chức sinh hoạt các hội đoàn thể, khu dân cư để tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Cán bộ chủ trì các xã và trưởng các phòng chuyên môn chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Huyện ủy về kết quả xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” của địa phương và lĩnh vực ngành phụ trách. Đến nay huyện đã hoàn thành 4 khu thiết chế văn hóa, thể thao của 4 “Làng văn hóa kiểu mẫu” đó là: Bàn Mạch (xã Lý Nhân), thôn Hệ (xã Vĩnh Thịnh), Duy Bình (xã Vĩnh Ninh), thôn Đông (xã Phú Đa). Thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, tỉnh hỗ trợ cho 85 hộ dân của 4 “Làng văn hóa kiểu mẫu” vay số tiền 14,5 tỷ đồng để phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
|
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc tham quan gian trưng bày sản phẩm của làng nghề truyền thống huyện Yên Lạc. |
Cũng trong ngày cuối tháng 10, Khu thiết chế văn hóa, thể thao của “Làng văn hóa kiểu mẫu” Chi Chỉ, xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc tổ chức khánh thành. Rất đông cán bộ, đảng viên và người dân ở các khu, làng khác đến chung vui, chúc mừng người dân thôn Chi Chỉ. Vậy là từ nay, bà con trong thôn được thụ hưởng, sử dụng Khu thiết chế văn hóa, thể thao với tổng diện tích 15.416m2. Công trình được khởi công từ tháng 5/2023, nhà văn hóa dành để hội họp, sinh hoạt của bà con trong thôn rộng 760 m2, với thiết bị, nội thất đồng bộ, có sân bóng chuyền, sân bóng đá mini cùng hệ thống sân bãi, đường dạo nội bộ; hệ thống cây xanh, thảm cỏ được quy hoạch hợp lý. Các hạng mục được thiết kế đồng bộ gắn với công trình phụ trợ, tạo nên khuôn viên khang trang, hài hòa sáng, xanh, sạch đẹp. Nơi đây sẽ phục vụ nhu cầu vui chơi, thể thao, giải trí của người dân thôn Chi Chỉ về lâu dài.
Ông Lại Văn Thành, người dân thôn Chi Chỉ đến dự lễ khánh thành không giấu nổi niềm vui thổ lộ: "Tôi là người sống từ nhỏ đến lớn ở làng, chứng kiến bao thăng trầm, với bao khó khăn vất vả, nay nhờ sự quan tâm của tỉnh, huyện và các sở ngành, quê tôi được xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Từ trong nhà ra ngoài ngõ như “thay áo mới”, bà con trong làng rất vui mừng phấn khởi. Đúng là ý Đảng hợp với lòng dân. Từ nay bà con trong làng cần phải sống, lao động có ý thức, có trách nhiệm và có văn hóa hơn trước"./.