Bài 2: Nghị quyết đúng, trúng lòng dân

Thứ hai, 26/09/2022 14:43
(ĐCSVN) - Các nghị quyết chuyên đề là sự cụ thể hóa các nhiệm vụ, chỉ tiêu trọng tâm, đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025. Chính vì vậy, ngay sau Đại hội, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở đã xây dựng, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân.

Phú Thọ đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

Các nghị quyết đã thực sự trở thành nền tảng để cấp ủy các cấp triển khai các nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các mục tiêu, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình “cánh đồng chất lượng cao” tại khu 8, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của khu 

“Cú huých” tạo động lực

Khu 8, xã Xuân Viên, huyện Yên Lập có 186 hộ với 783 khẩu, 96,6% là đồng bào dân tộc Mường. Từ bao đời nay, người dân gắn bó với nghề nông kết hợp với chăn nuôi, dịch vụ nhỏ lẻ, đời sống còn nhiều khó khăn. Ngay khi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu 8, ông Đinh Ngọc Tý đã cùng với cấp ủy đề xuất, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về quy hoạch sản xuất vùng tập trung cây trồng giá trị cao năm 2020.

Là người đứng đầu chi bộ, ông biết để khơi dậy sức mạnh trong nhân dân thì các nghị quyết của chi bộ cần sát với thực tiễn. Đồng thời, mỗi đảng viên phải như một ngọn cờ đi đầu trong thực hiện nghị quyết và công việc chung. Ông cùng với Trưởng khu dân cư huy động các nguồn lực, trích quỹ của khu hỗ trợ 50% cho bà con nhân dân mua giống lúa Lai thơm 6 để làm mô hình thí điểm “cánh đồng chất lượng cao”; “xắn tay” từ khâu chọn, lấy giống đến việc hướng dẫn bà con ủ mạ, gieo mạ, che phủ nilon, cấy lúa... Hình ảnh người Bí thư gầy gò hằng tuần lội xuống cánh đồng để theo dõi sát sao sự sinh trưởng của cây lúa đã trở nên quen thuộc với người dân khu 8.

Bí thư Chi bộ khu 8, xã Xuân Viên Đinh Ngọc Tý chia sẻ: Để khơi dậy sức mạnh trong nhân dân thì các nghị quyết của chi bộ cần sát với thực tiễn 

Với việc sản xuất tập trung, sử dụng giống lúa Lai thơm 6 và cùng áp dụng một biện pháp canh tác, sau 2 năm triển khai, mô hình “cánh đồng chất lượng cao” đã đem lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi tập quán canh tác của người dân, từ đó tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp của khu. Từ chỗ mạnh ai người nấy làm, một cánh đồng hàng chục giống lúa khác nhau, chất lượng không đồng đều, năng suất đạt trên 53 tạ/ha, giống lúa chất lượng cao chỉ chiếm 8 - 10%. Đến nay, diện tích lúa chất lượng cao của khu đã chiếm tới 61,5%, năng suất đạt 61,5 tạ/ha. Người dân vui mừng, phấn khởi khi giá lúa tăng, thu hoạch đến đâu được thu mua hết đến đó.

Sau thành công đó, Chi bộ khu 8 tiếp tục xây dựng và chỉ đạo triển khai thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề về: Phát triển hạ tầng cơ sở giai đoạn 2020 - 2023; cải tạo nâng cấp nghĩa trang nhân dân giai đoạn 2021 - 2022. Các nghị quyết này vừa đúng, vừa trúng lại sát với thực tiễn đã trở thành “cú huých” góp thêm vào sự thay đổi đời sống người dân khu 8 cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng nơi đây; đồng thời đã khơi dậy được niềm tin và ý thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên cũng như người dân trong việc tham gia các phong trào ủng hộ xây dựng nông thôn mới, xây dựng đường giao thông, thắp sáng đường quê… Người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự quản lý điều hành của Chi bộ và khu dân cư, yên tâm lao động sản xuất, đoàn kết thôn, xóm. Hai năm liên tiếp 2020, 2021, Chi bộ khu 8 đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

Trước đây, Chi bộ, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của khu 9, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập hoạt động rời rạc, chưa phát huy vai trò lãnh đạo... nên đời sống người dân khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề nông, lớp thanh niên không tu chí làm ăn mà thường tụ tập, rủ rê nhau đánh bạc nên gây mất an ninh trật tự. Trước thực trạng đó, năm 2020, Đảng ủy xã đã đưa cán bộ, đảng viên bán chuyên trách cấp xã về tham gia cấp ủy cơ sở nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ cũng như hiệu quả hoạt động của các tổ chức đoàn thể chính trị của khu.

Bám sát vào nghị quyết, kế hoạch của Đảng ủy, UBND xã về phát triển kinh tế - xã hội, anh Đinh Nguyên Giáp - Bí thư Chi bộ khu 9 (nhiệm kỳ 2020 - 2022) đã nghiên cứu, tìm hiểu, giới thiệu địa chỉ các công ty xuất khẩu lao động uy tín cũng như các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp lân cận địa bàn để giúp lớp thanh niên định hướng, tìm việc. Bên cạnh đó, khu dân cư phối với với công an xã, khu vực đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và xử phạt các đối tượng vi phạm; đồng thời chia sẻ, giúp đỡ, cảm hóa các đối tượng mãn hạn tù hòa nhập cộng đồng, từ đó từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm.

Nhân dân khu 9, xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập ký cam kết thi đua toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2022 

“Đến nay, tình hình an ninh khu 9 luôn được giữ vững, ổn định. Hằng năm khu dân cư đều đạt tiêu chuẩn “an toàn về an ninh trật tự”. Hệ thống chính trị của khu đi vào nền nếp, người dân có ý thức làm ăn, tu chí, phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Để có được kết quả trên là do xã Mỹ Lung đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo một cách toàn diện của tổ chức cơ sở Đảng, nhất là ở các chi bộ nông thôn. Với việc thường xuyên, chú trọng nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, các chi bộ cơ sở đã đổi mới phương thức lãnh đạo, tập trung xây dựng các nghị quyết, chuyên đề lãnh đạo nhân dân một cách đúng, trúng, sát với thực tế địa phương. Qua đó đã, đang và sẽ củng cố thêm vững chắc niềm tin trong dân; cổ vũ, động viên và là tiền đề quan trọng để đạt được những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ xã đã đề ra” - đồng chí Khúc Văn Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã  Mỹ Lung cho biết.

Bám sát mục tiêu - Có giải pháp kịp thời

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để xây dựng Khu tái định cư Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba đã hoàn thành 

Thanh Ba là “vùng đất giữa” không có tuyến đường huyết mạch Quốc lộ 2 chạy qua cũng như không có nút giao cắt với tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ huyện Thanh Ba tiếp tục xác định “Tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, dịch vụ” và “Phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao” là hai khâu đột phá để triển khai thực hiện.

Đồng chí Đỗ Hoàng Hải - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện Thanh Ba cho biết: Bám sát vào mục tiêu đề ra, ngay trong năm đầu nhiệm kỳ (2021), BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng 6 Nghị quyết chuyên đề quan trọng với rất nhiều chủ trương được ban hành. Huyện ủy Thanh Ba cũng đã ban hành Kế hoạch về tăng cường công tác lãnh chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn 2020 - 2025. Trong đó, phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu để khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu “trên trước, dưới sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Ngay sau khi được ban hành, từng cấp ủy viên được phân công đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện.

Một trong những điểm mới của Thanh Ba là Đảng ủy các xã, thị trấn đã ký cam kết với BTV Huyện ủy; các phòng, ban, ngành chuyên môn ký cam kết, chịu trách nhiệm với lãnh đạo UBND huyện trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, trong đó, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm của trung ương, của tỉnh, của huyện đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, các đơn vị, địa phương phối hợp với chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, chủ động cập nhật thường xuyên tiến độ triển khai thực hiện báo cáo định kỳ về những khó khăn, vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ.

Với phương châm “vướng đến đâu, gỡ đến đó”, huyện Thanh Ba nỗ lực triển khai các dự án đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân. Trong quá trình thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện phân công công rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm. Đặc biệt, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong việc triển khai GPMB các dự án; phân loại rõ nhóm đối tượng để có hướng chỉ đạo và biện pháp tuyên truyền vận động động phù hợp, hiệu quả.

Đảng ủy các xã, trị trấn trên địa bàn huyện Thanh Ba ký cam kết với Ban thường vụ Huyện ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương 

Đến thời điểm này, tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện có sự chuyển biến rõ nét, cơ bản tiến độ bám sát kế hoạch. Trong đó, Dự án xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đi qua địa phận huyện Thanh Ba có chiều dài 5.363km chạy qua các xã: Đại An, Quảng Yên, Khải Xuân đã chi trả tiền bồi thường - GPMB cho 274/282 hộ, đạt 97,1%. Công tác GPMB để xây dựng các khu tái định cư tại xã Khải Xuân, Quảng Yên, Đại An cơ bản đã hoàn thành.

Huyện cũng đã huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng thu gom, xử lý nước thải và làm tốt công tác đền bù GPMB của 3 cụm công nghiệp: Làng nghề phía Nam; Bãi Ba - Đông Thành; Bãi Ba 2. Hiện, đã thu hút 18 doanh nghiệp với tổng diện túc cho thuê sản xuất là 51,37ha/79,83ha đất công nghiệp; tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3.200 tỉ đồng; tỉ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp đạt 68,0%.

Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thanh Ba đang khẩn trương tập trung triển khai thực hiện các phần việc để phấn đấu đến năm 2023 Thanh Ba trở thành huyện nông thôn mới. Bám sát mục tiêu đó, huyện đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021 - 2025 và đề ra các giải pháp đồng bộ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, huyện Thanh Ba đã lồng ghép chuyển giao, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2021, huyện bố trí nguồn vốn hỗ trợ hợp tác xã (HTX) Đỗ Xuyên, HTX Hoàng Cương xây dựng mô hình liên kết sản xuất rau, củ quả; dự án liên kết sản xuất và chế biến chè búp tím tại xã Hanh Cù; dự án liên kết sản xuất tiêu thụ gà thương phẩm… Hầu hết các mô hình đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng trên địa bàn.

Các chính sách hỗ trợ đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Đến nay tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện bình quân năm từ 3,2% (chỉ tiêu Nghị quyết 3,0%); các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa đạt bình quân 180 - 250 triệu đồng/ha (chỉ tiêu Nghị quyết 150 - 250 triệu đồng/ha); 100% xã, thị trấn có mô hình sản xuất được chuyển giao, ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ; có 10 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP hạng 4 sao, 1 sản phẩm hạng 3 sao… Qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện, diện mạo nông thôn được cải thiện, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới.

“Với quyết tâm chính trị cao cùng sự đồng thuận của nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể chính trị trên địa bàn huyện đã và đang nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Những kết quả đạt được sau hơn 1 năm triển khai cho thấy các nghị quyết đã mang lại những hiệu quả thiết thực, làm thay đổi diện mạo của nhiều xã trong huyện, phát huy được vai trò của những cán bộ, đảng viên đầu tàu và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây sẽ là tiền đề để Thanh Ba sớm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ 2020 - 2025” - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đỗ Hoàng Hải nhấn mạnh./.

Bài 3: Đổi mới phương thức lãnh đạo: Tạo lợi thế để phát triển

Hương Giang - Lệ Thủy - Ngọc Kiên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực