Để Nghị quyết số 43-NQ/TW về "Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc" đi vào cuộc sống, 3 khách mời sẽ làm rõ thêm về nội dung này:
- TS Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương.
- TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội.
- TS Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
|
Các khách mời tham dự Chương trình |
PV: Thưa đồng chí Phạm Tất Thắng, việc phát huy vai trò của đội ngũ làm công tác dân vận đóng vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Đồng chí có thể phân tích như thế nào về điều này?
TS Phạm Tất Thắng: Như chúng ta biết, Đảng luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng, là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Một trong những bài học quan trọng, góp phần làm nên những thành tựu to lớn xuyên suốt chiều dài lịch sử là bài học “Lấy dân làm gốc”, phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và nguồn lực của Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là tư tưởng xuyên suốt góp phần cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều thắng lợi.
Công tác dân vận của Đảng trong từng thời kỳ cách mạng có những nội dung, phương thức khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu quan trọng đó là tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân với Đảng; vận động, thu hút rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho quá trình phát triển đất nước.
Thời gian qua, Nhà nước tăng cường thể chế hóa, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến công tác dân vận, đến phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ" và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" thành các văn bản pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị đã quan tâm đổi mới công tác dân vận, hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, hướng mạnh về cơ sở; nêu cao vai trò giám sát, phản biện, phát huy vai trò, quyền làm chủ của Nhân dân trong tham gia, quyết định chính sách liên quan đến cuộc sống, những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ, cải cách hành chính, xây dựng “chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”; tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe, kịp thời giải quyết những kiến nghị, bức xúc của Nhân dân.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và phong trào thi đua “Dân vận khéo” có sức lan tỏa sâu, rộng, thu hút đông đảo Nhân dân tham gia; tạo đồng thuận xã hội, động viên Nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
|
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội |
PV: Theo đồng chí Nguyễn Viết Chức, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được cụ thể hóa kịp thời trong đời sống xã hội hay chưa, thưa đồng chí?
TS Nguyễn Viết Chức: Tôi cho rằng, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã được triển khai ngày càng sâu rộng, từng bước vững chắc và thực sự đi vào cuộc sống, nhất là phát huy dân chủ ở cơ sở, đạt kết quả tích cực. Chính nhờ tư duy đổi mới, cách làm mới nên đời sống của Nhân dân ngày càng khấm khá. Tuy nhiên, theo yêu cầu của sự phát triển mới, chúng ta phải làm tốt hơn nữa. Dân chủ là việc để cho Nhân dân được tham gia tất cả các khâu từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Không có việc gì mà người dân không được tham gia. Một khi người dân tham gia càng nhiều, càng tích cực hiệu quả sẽ càng cao. Đấy là một kinh nghiệm đúc rút từ những thành quả cách mạng, từ bao nhiêu năm nay. Cho nên khi có Nghị quyết 43, chúng ta phải phát huy quyền làm chủ của Nhân dân ngày càng tốt hơn trong việc quyết định những vấn đề lớn và hệ trọng của đất nước. Đã có câu “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thế nên có dân giúp sức, ủng hộ và tin tưởng thì khó đến mấy cũng có thể giải quyết được.
|
Mục tiêu của Nghị quyết 43 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII là tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc. Ảnh: TL |
PV: Chúng ta đang đặt ra yêu cầu về dân chủ, về đoàn kết, về giám sát, về phản biện xã hội. Vậy xin được hỏi đồng chí Vũ Văn Tiến, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã có sự đổi mới như thế nào để thực hiện được những mục tiêu đó, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?
TS Vũ Văn Tiến: Trong những năm qua, công tác giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày càng được đổi mới về phương thức, và được sự quan tâm của Đảng về nội dung này. Cụ thể, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 18-CT/TW ngày 26/10/2022 về việc tăng cường công tác giám sát phản biện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên. Do vậy, hiện nay, qua các việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đều được lấy ý kiến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay có đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học tại các Hội đồng tư vấn đã được phát huy trí tuệ trong việc đóng góp vào các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với việc giám sát các chương trình, các nội dung quan trọng từ cấp cơ sở thì ở cơ sở có Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng gồm đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn và đại diện người dân trên địa bàn thôn, tổ dân phố nơi có các chương trình, dự án như xây dựng điện, đường, trường, trạm… đều có các đoàn giám sát được thành lập cho thấy vai trò ngày càng cao của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Có thể nói, trong những năm gần đây, vấn đề giám sát, phản biện xã hội được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai rất bài bản. Qua việc tập hợp lấy ý kiến của Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa qua cho thấy, việc tham gia của Nhân dân rất tích cực, đóng góp nhiều trí tuệ, để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tập hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, đưa các vấn đề soạn thảo thành văn bản pháp luật phù hợp với thực tiễn cuộc sống, từ đó để phục vụ chính người dân; chứ không phải soạn thảo những văn bản “trên trời” khó thực hiện, không sát với mong muốn, nguyện vọng, khó áp dụng với thực tế.
PV: Một điều có thể nhận thấy là trong Nghị quyết số 43 đó là Đảng, Nhà nước đã thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của mình trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Theo ý kiến của đồng chí làm thế nào để có thể phát huy tốt hơn nữa nguồn lực kiều bào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay?
TS Nguyễn Viết Chức: Có thể nói quan điểm xuyên suốt của Đảng ta, cũng như tình cảm của Nhân dân ta thì đã là người Việt Nam dẫu có ở đâu, nước ngoài hay ở trong nước thì cũng là người Việt Nam. Cho nên tình đoàn kết này sâu sắc lắm, chứ không phải chỉ có trên giấy tờ. Và kết quả rất rõ, biết bao nhiêu người nước ngoài, thậm chí kể cả những người đã từng chống cộng, đã từng phản đối chúng ta nhưng bây giờ cũng nhận thức rất khác, rất yêu Việt Nam. Suy cho cùng, dù làm bất cứ nghề gì, đi đâu thì cũng là người Việt Nam. Đó là thành công rất lớn của chúng ta, biết bao năm kiên trì chính sách đúng đắn, chính sách đại đoàn kết dân tộc, biết khai thác nguồn lực rất lớn từ những người Việt ở nước ngoài. Do vậy, nếu biết phát huy ý chí, nguồn lực này thì khối đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa rất thực tiễn, làm cho đất nước chúng ta phát triển bền vững.
|
TS Vũ Văn Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. |
PV: Đứng ở góc độ là cơ quan Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì sẽ có những hoạt động như thế nào để kêu gọi, cũng như phát huy tốt hơn nữa nguồn lực của kiều bào trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thưa đồng chí Vũ Văn Tiến?
TS Vũ Văn Tiến: Hiện nay, gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại nước ngoài, đang từng ngày, từng giờ đóng góp cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điều đó được chứng minh qua nhiều hoạt động cụ thể của những người Việt Nam yêu nước ở nước ngoài. Tôi xin được nhắc lại, toàn Đảng, toàn dân ta ngày đêm chống dịch COVID-19. Tình cảm của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài gửi về quê hương không chỉ bằng sự chia sẻ khó khăn mà có sự đóng góp về vật chất rất cụ thể. Ở đâu có người Việt Nam ở nước ngoài thì đều một lòng hướng về quê hương đất Mẹ, cùng nhau vận động lập thành nhóm, thành quỹ, tuy ít tuy nhiều nhưng đều gửi về để chung tay cùng đất nước chống dịch COVID-19. Với đầu mối là cơ quan tiếp nhận - Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đón nhận rất nhiều tình cảm, vật chất, tinh thần của người Việt Nam ở nước ngoài gửi về. Và chính đó là một trong những nguyên nhân giúp chúng ta chiến thắng dịch COVID-19.
Và những năm gần đây, mỗi khi Tết đến xuân về, các chương trình gặp gỡ giao lưu với bà con Việt kiều về quê ăn Tết đều được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các Bộ, ban, ngành, tổ chức chu đáo, tiếp đón tận tình như những người con xa quê hương được trở về với gia đình, với dòng họ, qua đó, làm tăng cường tình cảm giữa Đảng và Nhân dân, giữa người Việt Nam ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Đó chính là những hoạt động cụ thể để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, để làm sao gần 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục tự hào với bạn bè quốc tế về đất nước mình. Và hằng ngày đóng góp vật chất, tinh thần để làm cho hình ảnh đất nước ta, nội lực đất nước ta ngày càng mạnh và phồn vinh hơn nữa.
PV: Đồng chí Nguyễn Viết Chức có bổ sung gì thêm không?
TS Nguyễn Viết Chức: Theo tôi được biết có một số người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là một chính sách rất đúng đắn. Qua đây, nó thể hiện rất rõ chính sách của Đảng ta, bất kỳ người dân Việt Nam dù sinh sống ở đâu đều có thể tham gia vào các tổ chức chính trị - xã hội của Việt Nam để cùng nhau xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn các khách mời!