Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào nói rõ thắng lợi và sai lầm
của cuộc vận động cải cách ruộng đất. (Ảnh: Quý Đoàn) Không thể không nêu gương tự phê bình và phê bình
Phê bình và tự phê bình là sự văn minh và tiến bộ của xã hội, nó không chỉ là một nhu cầu mà còn là một nguyên tắc, qui luật để xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh. Thực tiễn cho thấy, sự non kém của nhiều tổ chức, sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên của Đảng một phần rất quan trọng là đã xa rời, thậm chí đánh mất “vũ khí” nêu gương trong phê bình và tự phê bình của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định “nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”. Và phê bình và tự phê bình như là một nhu cầu tự nhiên: “…ăn cho khỏi đói, rửa mặt cho khỏi bẩn”, “Người ta luôn luôn cần không khí để sống. Người cách mạng và đoàn thể cách mạng cần phê bình và tự phê bình thiết tha như cần không khí”.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Phê bình là cốt giúp nhau sửa chữa khuyết điểm...; là quyền lợi và nhiệm vụ của mọi người, là thực hành dân chủ”. Do đó, Người yêu cầu: “Cán bộ cao cấp phải xung phong gương mẫu trong tự phê bình và phê bình”, bởi vì: “Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”.
Từ những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về nêu gương phê bình và tự phê bình, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nêu bốn giải pháp cần tiến hành, trong đó nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên được đưa lên hàng đầu. Đến Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tiếp tục khẳng định giải pháp hàng đầu là về nêu gương tự phê bình và phê bình của cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cao cấp. Như vậy, phê bình và tự phê bình được coi là “vũ khí”, “chìa khóa thành công” , là sự đột phá của khâu đột phá, là một trong những bước then chốt của công tác then chốt xây dựng Đảng. Cho nên cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu cần phải gương mẫu nêu gương trong phê và tự phê bình, “tự soi, tự sửa” để cấp dưới và nhân dân học tập, noi theo, đó là phương thức lãnh đạo nhân văn của Đảng ta.
Tự phê bình thẳng thắn, nghiêm túc trước tập thể những ưu, khuyết điểm của bản thân nhằm mục đích phát huy ưu điểm và sửa chữa khuyết điểm là việc làm thường xuyên và nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Thực tiễn cho thấy, nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Trong sinh hoạt Đảng hiện nay, một hiện tượng khá phổ biến là tự phê bình và phê bình thiếu nghiêm túc, qua loa, chiếu lệ, dễ người dễ ta, có biểu hiện thỏa hiệp, không tỏ thái độ đúng, sai, không phê bình ai để không ai phê bình mình. Phê bình người không mang tính xây dựng, có khi mang tính triệt hạ nhau hay phê bình nịnh bợ, tâng bốc nhau, vẫn có tình trạng mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, động viên.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương:“Không phải không có chuyện mượn tự phê bình và phê bình để ca ngợi, để động viên, khen ngợi, thậm chí không phải không có ý kiến có tính chất nịnh nọt trong đó. Tôi cũng từng được nghe những chuyện phê bình lãnh đạo, phê bình người khác nhưng đó lại là sự “phê bình khen ngợi”. Và việc này tôi cũng phải nói thật là ở cấp nào cũng có, từ Trung ương đến các địa phương”.
Có tình trạng trong tổng kết cuối năm bình xét thi đua, đồng chí đứng đầu đơn vị đứng lên kiểm điểm cá nhân, lòng vòng một hồi tự khen mình đã vượt qua khó khăn “nọ kia” rồi nhận thành tích về mình là chiến sỹ thi đua cấp cơ sở..., thế là anh em “chưng hửng mất suất”. Như vậy là thiếu nêu gương, không đúng với tinh thần khen thưởng của Bác Hồ là khen người lao động bình thường trước, anh là lãnh đạo tự nhận về mình thì cấp dưới ai còn ý kiến gì được? Hay việc bổ nhiệm cán bộ “thần tốc”,“người nhà”,“cả họ làm quan”… nhưng vẫn đúng quy trình. Có cán bộ lại cho rằng bổ nhiệm như vậy là “vì dân, vì nước”. Còn có những cán bộ cao cấp có lợi ích nhóm,“sân sau”, chi phối tới công tác cán bộ, tiền, đất đai…mà vẫn “rao giảng” đạo đức liêm chính. Những cán bộ, đảng viên, người đứng đầu không tự phê bình nghiêm túc, sợ mất chức vì tự phê bình khi chức vụ đang gắn chặt với đặc quyền, đặc lợi… Đó là những biểu hiện đáng lo ngại nhất về sự sa sút phẩm chất, tư cách của người cán bộ, đảng viên.
Tự phê bình là vậy, phê bình cũng còn nhiều hạn chế. Đó là đảng viên không dám góp ý cho thủ trưởng, an phận, giữ mình, nếu có phê bình thì cũng chỉ là sự “phê bình khen ngợi”… thế nhưng cuối năm bình xét đảng viên vẫn đủ tư cách…
Đánh giá về vấn đề này, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, cho rằng: một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao. Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là cán bộ lãnh đạo chưa nghiêm túc nêu gương tự phê bình và phê bình.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55, ngày 19/12/2016 về một số vấn đề cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Trong đó tự phê bình và phê bình là nhóm nội dung quan trọng được đưa vào quy định. Theo đó, các đồng chí lãnh đạo phải là tấm gương trong thực hiện tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, chân thành, khách quan; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa.
Chính vì vậy, để thực sự nêu gương tự phê bình và phê bình, đòi hỏi mỗi tổ chức cũng như mỗi cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ cấp cao, chủ chốt đứng đầu cần tự giác, trung thực, tự phê bình thật nghiêm túc, khách quan có lý có tình, mang tính xây dựng. Tập trung kiểm điểm về trách nhiệm đối với công việc và nhiệm vụ của đơn vị; về phẩm chất cá nhân của mình trên tất cả các mặt từ nhận thức, tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đến quan hệ với quần chúng... Thấy rõ ưu điểm để phát huy, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa; đồng thời, coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau; phải thực hiện phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”; khi có bệnh thì phải kiên quyết “trị bệnh cứu người”, không được có tư tưởng dễ dãi, bao che, hoặc tranh công, đổ tội.
Và chỉ có nêu gương tự phê bình và phê bình mới có thể củng cố lòng tin, tinh thần đoàn kết trong tổ chức, tập hợp lực lượng thực hiện nhiệm vụ tốt nhất.
Không để tự phê bình và phê bình mãi là khuyết điểm
Phê bình và tự phê bình là một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của đảng viên, điều này đã được quy định trong Điều 2 Điều lệ Đảng. Đây cũng là một biện pháp quan trọng để làm trong sạch Đảng, cũng như trong nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng.
Nói về phê bình và tự phê bình trong cuộc họp chi bộ, chúng ta thấy rằng chi bộ là nơi mà đảng viên có quyền, trách nhiệm thể hiện thái độ của mình trước cái đúng, cái sai. Vậy trong thực tiễn có bao nhiêu đảng viên họp chi bộ tỏ thái độ, mặc dù họ biết nhưng họ không nói. Có người cho rằng đấu tranh “tránh đâu”, “được vạ má sưng” cho nên im lặng là “thượng sách” và “thủ trưởng luôn đúng”. Hay như mọi người chia sẻ để thì nó “trong”, lắc lên thì “đục”, có nghĩa là không nói ra thì thôi chứa nói ra là có nhiều khuyết điểm, yếu kém. Chính vì vậy, tình trạng kiểm điểm đảng viên cuối năm bản kiểm điểm nào cũng nêu phê bình và tự phê bình còn hạn chế và thường năm nào cũng có khuyết điểm hạn chế này.
Vậy, khuyết điểm ấy năm nào cũng có và tự nhận rất rõ ràng, nhưng tại sao không sửa được đang là câu hỏi lớn “nhiều kỳ”, nguyên nhân do đâu cần phải làm rõ? Có thể nói đây là căn bệnh trầm kha, mãn tính chưa có thuốc chữa.
Về nội dung này đồng chí Nguyễn Đức Hà nhận xét: “Tôi thấy đây là vấn đề phổ quát nhất. Bản kiểm điểm cuối năm của mấy nghìn đảng viên của địa phương hầu như đều có một khuyết điểm giống nhau là đôi khi còn nể nang, né tránh, ngại va chạm. Tôi cho đây là khuyết điểm lớn nhất mà có thể nói tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén nhất về xây dựng Đảng, nhưng chính cái sắc bén nhất thì chúng ta lại đang yếu”.
Chính vì những hạn chế đó mà khi đảng viên trong chi bộ vi phạm khuyết điểm kỷ luật hầu hết không phải do chi bộ phát hiện, đấu tranh phê và tự phê bình tìm ra mà chủ yếu do dư luận và báo chí.
Nói về nguyên nhân của tình trạng phê bình và tự phê bình mãi là khuyết điểm, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Bộ Công an cho rằng, có 3 nguyên nhân cơ bản: Một là, từng đảng viên chưa làm tròn nhiệm vụ được ghi trong Điều lệ Đảng, trong đó có nhiệm vụ phê bình và tự phê bình; hai là, đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cấp ủy Đảng chưa nêu gương, chưa làm tốt vai trò nêu gương; ba là, hệ thống giám sát quyền lực của ta còn lỏng lẻo, hoạt động chưa hiệu quả như nhân dân mong muốn.
Do vậy để khắc phục được những hạn chế này, “thuốc chữa” đầu tiên chính là ý thức, trách nhiệm, dũng khí của người đảng viên và sự gương mẫu, nêu gương của cán bộ lãnh đạo có vai trò hết sức quan trọng. Phê bình và tự phê bình cần phải lấy “liêm sỉ” để sửa chữa, xin lỗi trước dân, phải biết mình không xứng đáng, không đủ tư cách, phải tự giác nêu gương từ chức, xây dựng văn hóa từ chức. Cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, nêu gương trong đạo đức, lối sống. Người có chức vụ càng cao thì yêu cầu về sự gương mẫu càng lớn. Ở bất kỳ nơi nào, thủ trưởng đơn vị, bí thư gương mẫu, tiên phong, trung thực, thẳng thắn thì chắc chắn nơi đó phê bình và tự phê bình trở thành vũ khí hiệu quả nhất để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Ngược lại nơi nào, thủ trưởng đơn vị, bí thư cấp ủy không gương mẫu tự phê bình và phê bình thì tổ chức đảng ở đó mất sức chiến đấu, thậm chí tê liệt.
Một giải pháp mà nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhấn mạnh là tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm. Cấp ủy các cấp nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế. Xây dựng quy định nêu gương tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người tốt, ủng hộ bảo vệ lẽ phải, dám đấu tranh với những biểu hiện sai trái.
Cùng với đó, cán bộ cao cấp, người đứng đầu phải là tấm gương sáng tự phê bình và phê bình để cấp dưới làm theo. Trong tự phê bình và phê bình phải thực sự cầu thị, tự giác, trung thực, chân thành, công tâm, không hữu khuynh, né tránh, chạy theo chủ nghĩa thành tích; khi có khuyết điểm phải nhận khuyết điểm và phải có kế hoạch sửa chữa. Trên tình đồng chí, thương yêu lẫn nhau; thẳng thắn đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người tốt; kiên quyết đấu tranh chống những biểu hiện lợi dụng phê bình với động cơ xấu.
Mặt khác, để tiếp thêm dũng khí đấu tranh phê bình và tự phê bình cần phải không ngừng học tập hành động nêu gương sửa sai của Bác.Trong cải cách ruộng đất năm 1956, Đảng ta có những sai lầm, làm uy tín của Đảng bị giảm sút, Bác Hồ đã thay mặt Đảng, Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Quốc hội. Nước mắt Người đã rơi trước những khuyết điểm, Bác nói: “Chúng ta chủ quan nghe ít, thấy ít, Bác nhận khuyết điểm trong cơn sóng gió này, khuyết điểm của Bác dẫn đến vấn đề này, vấn đề khác trong cải cách ruộng đất”. Trước quốc dân đồng bào, Người đã không ngần ngại công khai khuyết điểm của Đảng, của người lãnh đạo cao nhất.
Hay việc kiểm điểm cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết TW 4 khóa XII với phương châm trên trước, dưới sau, trong trước, ngoài sau có nhiều chuyển biến tích cực. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri quận Ba Đình (Hà Nội), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, chưa bao giờ Đảng có cuộc phê bình và tự phê bình kéo dài như thời gian qua - từ đầu tháng 5 đến tháng 7. Việc kiểm điểm công phu từ khâu chuẩn bị lấy ý kiến, tài liệu (có bộ hơn 2.000 trang), trung ương tiến hành trong 21 ngày; 4 lãnh đạo cấp cao đã được kiểm điểm trong 5 ngày, có một vị tiến hành kiểm điểm trong 2 ngày, sau đó dừng lại bổ sung rồi lại viết kiểm điểm. Ban Chấp hành Trung ương đã dành 5 ngày góp ý, bỏ phiếu. “Lúc đầu thực hiện Nghị quyết TW 4, nhiều người phấn khởi nhưng lo không làm được. Hiện nay kết quả kiểm điểm đã cơ bản đạt yêu cầu, song không phải là kết quả cuối cùng mà việc tự phê bình và phê bình vẫn phải làm đi làm lại, thường xuyên”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư cũng cho biết, tại Hội nghị Trung ương 6, Bộ Chính trị đã xin nhận khuyết điểm trước Ban chấp hành Trung ương, song có ý nghĩa quan trọng hơn là xin lỗi dân và sửa đổi. “Trung ương có khuyết điểm, mong các bác cùng ủng hộ, giúp đỡ”- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Và gần đây nhất là việc Chủ tịch UBND.TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong nói lời xin lỗi người dân vì những sai phạm, khuyết điểm trong thời gian qua: “...Từ tận đáy lòng mình, tôi chân thành xin lỗi người dân Thủ Thiêm ở khu 4,3 ha ngoài ranh. Tôi cũng xin chia sẻ về hy sinh của những gia đình, hộ dân đã phải rời bỏ nơi mình gắn bó từ bé để xây dựng khu đô thị”. Đây chính là văn hóa xin lỗi thể hiện sự nêu gương của người đứng đầu…
Như vậy, chỉ có gương mẫu nêu gương tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, người đứng đầu mới làm cho cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng mạnh lên, dân chủ được phát huy, tinh thần làm việc cởi mở, hiệu quả công việc tốt hơn. Từ đó, cuộc “chiến” giữ vững niềm tin của người dân với Đảng mới thành công. Và như vậy mới khắc phục được tình trạng tự phê bình và phê bình mãi là khuyết điểm của đảng viên./.