Sáng 27/9, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố (TP) Hà Nội có buổi đối thoại với nông dân Thủ đô năm 2022.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Thành ủy Hà Nội đến 18 điểm cầu tại 18 huyện, thị xã và 406 điểm cầu tại 406 xã, phường, thị trấn.
Cuộc đối thoại nằm trong Chương trình công tác năm 2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, là việc thực hiện Quyết định số 2200 - QĐ/TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố.
|
Quang cảnh buổi đối thoại. |
Dự buổi đối thoại có các đồng chí Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội; các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện, thị xã; đặc biệt là đại biểu Hội Nông dân các cấp thành phố; đại biểu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, giám đốc hợp tác xã và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp; các nhà khoa học; đại diện nông dân là Công dân Thủ đô ưu tú, Nông dân Việt Nam xuất sắc, Nông dân Thủ đô xuất sắc năm 2021 và năm 2022...
Phát biểu khai mạc, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hội nghị đối thoại với nông dân có ý nghĩa rất quan trọng, trong thời điểm Thủ đô đang tập trung tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 16 của Ban Bí thư về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời, đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2022).
Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại trực tiếp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân trên địa bàn thành phố. Trong đó, qua nhiều lần lãnh đạo thành phố đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề cốt lõi hoặc còn khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Nguồn lực đầu tư; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; các nguồn vốn, quỹ phục vụ phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao; chính sách khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ nông dân; quản lý, kiểm tra, giám sát việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp…. đã được Thành ủy, UBND TP và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung giải quyết, tạo sự biến chuyển tích cực, được các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là nông dân Thủ đô ghi nhận, đồng tình, đánh giá cao. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của cấp ủy Đảng, chính quyền.
Để cụ thể hóa Nghị quyết XVII Đảng bộ Thành phố, ngay sau Đại hội; Thành ủy đã xây dựng và ban hành 10 chương trình công tác toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025"; hướng tới mục tiêu phát triển mạnh mẽ hơn nữa "tam nông" - nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với những giải pháp kỳ vọng sẽ phát huy tốt nhất tiềm năng, thế mạnh, mang bản sắc riêng của Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách “tam nông” trên địa bàn thành phố còn có những khó khăn, hạn chế; nhất là vấn đề sản xuất manh mún; thương hiệu sản phẩm chủ lực với năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao còn mờ nhạt; đất nông nghiệp không được canh tác có xu hướng ra tăng; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều. Hệ thống hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn được đầu tư chưa đồng bộ theo hướng tiệm cận đô thị. Đời sống một bộ phận nông dân còn gặp khó khăn, vấn đề giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập của người nông dân, nhất là đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh COVID-19 còn hạn chế. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp và đầu tư vào khu vực nông thôn còn bất cập, chưa khả thi, chưa hiệu quả…
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị đối thoại. |
“Để giải quyết hiệu quả, triệt để những vấn đề này; lãnh đạo thành phố rất cần nghe ý kiến tham vấn của bà con nông dân, cán bộ, hội viên Hội Nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư về nông nghiệp” - Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị đối thoại hôm nay, Thường trực Thành ủy, lãnh đạo thành phố sẽ lắng nghe, tiếp thu, giải đáp những vấn đề mà bà con nông dân Hà Nội quan tâm, đề xuất, mong muốn được trao đổi, nhất là những đề xuất về tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện chính sách tam nông, xây dựng tổ chức Hội Nông dân vững mạnh.
Để cuộc đối thoại hiệu quả, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu nêu ý kiến thẳng thắn, ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể với lãnh đạo thành phố. Kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách của Trung ương, của thành phố đã đúng và trúng, đáp ứng nhu cầu của bà con và phù hợp với tình hình thực tiễn chưa? Quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện có khó khăn, vướng mắc gì? Mạnh dạn đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Đồng thời, tham góp ý kiến với thành phố về việc triển khai tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hiến kế, đóng góp sáng kiến xây dựng Thủ đô; chủ động đề xuất với thành phố giao Hội Nông dân tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng bày tỏ mong muốn tại hội nghị này, lãnh đạo thành phố sẽ nhận được nhiều ý kiến chất lượng của bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp; sau hội nghị, các vướng mắc, kiến nghị đó sẽ cơ bản được giải đáp, giải quyết theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tiễn thành phố.../.