|
Qua 25 năm xây dựng, phát triển, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước tăng lên 62 lần, từ 1.254 tỷ đồng năm 1997 tăng lên 77.838 tỷ đồng năm 2021. (Trong ảnh: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội thảo) |
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI thực hiện trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, khó lường; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh khó khăn đó, Đảng bộ tỉnh Bình Phước luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương; kế thừa và phát huy truyền thống của quê hương Bình Phước anh hùng và thành tựu của 25 năm tái lập tỉnh, cùng với sự đoàn kết, nhất trí, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nhiệp trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng, tích cực đổi mới sáng tạo, kiên trì vượt qua khó khăn, nỗ lực thực hiện, hoàn thành các nhiệm vụ trên các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển nhanh và bền vững
Từ một nền kinh tế với quy mô nhỏ, thấp nhất trong khu vực, qua 25 năm xây dựng, phát triển, quy mô nền kinh tế của tỉnh Bình Phước tăng lên 62 lần, từ 1.254 tỷ đồng năm 1997 tăng lên 77.838 tỷ đồng năm 2021. Tốc độ tăng trưởng GRDP trong 25 năm qua luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8.5%/năm.
Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 207 doanh nghiệp hoạt động với số vốn đăng ký 62 tỷ 474 triệu đồng, đến năm 2021 có 9.787 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký đạt 174. 282 tỷ đồng, tăng 47 lần về số doanh nghiệp so với năm 1997.
Bằng ý chí, quyết tâm phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế - xã hội của tỉnh đã có nhiều điểm sáng: kinh tế phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng khá. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng đầu năm đạt 9,01%. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, 9 tháng đầu năm đạt 3.140,75 triệu USD, tăng 9,53% so cùng kỳ năm 2021 và đạt 81,6% so với kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu đạt 1.986,5 triệu USD, tăng 4,08% so cùng kỳ năm 2021 đạt 81,75% so với kế hoạch năm.
Thu hút đầu tư trong nước và phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cao gấp 2 lần số doanh nghiệp giải thể, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 11,56% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, có 905 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với số vốn đăng ký là 10.678 tỷ đồng, đạt 82,3% kế hoạch năm.
Trong 9 tháng đầu năm, tỉnh thu hút 30 dự án (FDI)với tổng số vốn 107,653 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI lên 364, với tổng số vốn đầu tư 3.429,9 triệu USD. Các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, liên huyện, liên xã đã nhựa hóa gần 100%. Hạ tầng công nghệ thông tin phát triển nhanh.
Đồng bộ và quyết liệt trong xây dựng nông thôn mới
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm", đến nay toàn tỉnh có 05/11 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành nông thôn mới 70/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả tích cực, đến cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34% (giảm 16,48% so với năm 1997); đã hình thành các vùng chuyên canh có diện tích cây công nghiệp lâu năm lớn như: điều 141.595 ha, cao su 246.659 ha, hồ tiêu 15.720 ha, cà phê 14.616 ha, cây ăn quả 12.062 ha. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng, từng bước hình thành các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô hợp lý; triển khai quy hoạch vùng an toàn sinh học theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng đề án cơ cấu lại nền nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển nền nông nghiệp toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực phát kinh kế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hình thành các khu đô thị gắn với phát triển du lịch…
Cùng với đó, văn hóa, giáo dục được quan tâm, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Từ việc kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh đã phát triển những sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật đa dạng; công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, cơ quan văn hóa ngày càng thiết thực và hiệu quả. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển. Công tác báo chí, phát thanh, truyền hình được nâng cao chất lượng.
Chương trình phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh thực hiện có hiệu quả; chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, hệ thống trường, lớp phát triển cân đối về quy mô, loại hình theo hướng chuẩn hóa. Chất lượng phổ cập giáo dục được nâng cao. Hiện, Bình Phước đã triển khai xây dựng trường học thông minh với 50 trường trong giai đoạn 2021-2025, có tổng kinh phí khoảng 740 tỷ đồng. Đến nay, có 15 trường được đầu tư trang thiết bị phòng học tiên tiến, được đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, bảng tương tác, hệ thống camera với kinh phí khoảng 105 tỷ đồng…
Công tác xã hội và an sinh xã hội gắn với cơ chế, chính sách cụ thể. Các chế độ, chính sách đối với người có công được thực hiện đồng bộ, đầy đủ, kịp thời. Các chính sách giảm nghèo được triển khai hiệu quả, thực hiện chương trình giảm 1000 hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,34%. Công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được triển khai hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu xã hội.
Chú trọng công tác xây dựng Đảng
Công tác xây dựng Đảng luôn được quan tâm xây dựng trên tất cả các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng từng bước được đổi mới và hiệu quả. Chính quyền các cấp có nhiều đổi mới trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Công tác vận động quần chúng có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Công tác tư tưởng và giáo dục lý luận chính trị được thực hiện tích cực, gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Người đứng đầu các cấp, các ngành đều đăng ký ít nhất một việc làm thiết thực, có tính khả thi và hiệu quả. Hằng năm, cấp ủy đều đánh giá, kiểm tra, giám sát, tự kiểm tra, đánh giá sơ kết việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các loại hình tuyên truyền cũng được triển khai đa dạng, thông qua thi tìm hiểu, nêu gương, biểu dương, khen thưởng, khơi dậy niềm tự hào của quê hương cách mạng, từ đó tạo sức lan tỏa tới từng cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Từ chỗ chỉ có 356 số đơn vị cơ sở có tổ chức cơ sở đảng, với gần 8.500 đảng viên, đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã có 21 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, 734 tổ chức cơ sở đảng, gần 37.600 đảng viên. Kết quả đánh giá, xếp loại tổ chức đảng, đảng viên hàng năm ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 95%. Công tác phát triển đảng viên được cấp ủy các cấp đặc biệt quan tâm, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 8.400 đảng viên mới. Chất lượng đảng viên mới kết nạp được nâng lên, nhất là trình độ học vấn cao ngày càng tăng, đã góp phần làm tăng thêm nguồn sinh lực cho Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng.
Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực theo tiêu chí đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để xây dựng, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm việc luân chuyển, điều động cán bộ, đặc biệt cán bộ trẻ có trình độ, có triển vọng để rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Trong giai đoạn từ 01/2016 đến tháng 9/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã luân chuyển, điều động gần 80 lượt cán bộ các sở, ngành về địa phương. Đa số các đồng chí được luân chuyển, điều động đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân, nhiều đồng chí giữ vai trò cán bộ đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương.
|
Bình Phước đã và đang từng ngày đổi mới và vươn lên phát triển. |
Đột phá trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử
Thời gian qua, tỉnh đã cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Bình Phước xếp hạng thứ 8/63 tỉnh, thành phố về chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến mức 3, mức 4; đến nay có 1.474 dịch vụ công kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia (xếp thứ 02/63 tỉnh, thành phố).
Bình Phước đã rất nỗ lực và được xếp hạng khá cao về chuyển đổi số (đứng thứ 9/63 tỉnh thành cả nước). Hạ tầng số tại tỉnh đã được cải tạo, nâng cấp mạng 4G phủ sóng 100% diện tích của tỉnh; Chính quyền số được phát triển với việc hiện đại hóa hoạt động hành chính, ứng dụng ký số, sử dụng văn bản điện tử, họp không giấy, cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Công tác xây dựng chính quyền, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời công bố, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực khi có sự điều chỉnh của các bộ, ngành Trung ương. Thường xuyên cập nhật, tích hợp đồng bộ hoá bộ thủ tục hành chính đủ điều kiện của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Qua đó, Bình Phước duy trì trong nhóm 03 tỉnh, thành phố dẫn đầu về số lượng dịch vụ công trực tuyến tích hợp, đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia, với 1.474 dịch vụ công trực tuyến đã tích hợp.
Trên cơ sở các bài học kinh nghiệm quý báu của 25 năm xây dựng và phát triển, xuất phát từ bối cảnh tình hình thực tế của đất nước và của tỉnh, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/09/2021 về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đưa Bình Phước chuyển từ vị trí "dự trữ phát triển" thành một “động lực phát triển” thực sự trong vùng Đông Nam bộ, với 6 nhóm giải pháp lớn, gồm: Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; Tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược về kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính; Nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp, tác động tích cực vào phát triển; Phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế; xây dựng quốc phòng, an ninh, đối ngoại vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng và đạo đức.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành hệ thống chính sách một cách toàn diện, đồng bộ các nhóm giải pháp này, bao gồm 60 kết luận, nghị quyết, chỉ thị, đề án trên tất cả các lĩnh vực trọng điểm như: phát triển kết cấu hạ tầng; phát triển công nghiệp; thương mại, dịch vụ; nông nghiệp; khoa học, công nghệ; đô thị; chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực; cải cách thủ tục hành chính; huy động nguồn lực đầu tư; phát triển văn hóa, xã hội, du lịch; bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Bình Phước được cả nước biết đến với “Tiếng chày trên sóc Bom Bo”, là vùng đất miền Đông gian lao mà anh dũng, nay đang từng ngày đổi mới, vươn lên. Bằng ý chí và khát vọng vươn xa, bằng tư duy và cách làm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đang quyết tâm xây dựng Bình Phước trở thành một tỉnh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng- an ninh, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, là điểm đến hấp dẫn trong tương lai gần./.