Bình thường hay không bình thường?!

Thứ bảy, 08/05/2021 15:03
(ĐCSVN) - Theo báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của một số địa phương, đơn vị cho thấy, công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện tham nhũng nhưng các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện tham nhũng, sai phạm hàng nghìn tỷ đồng, xử lý hàng trăm tập thể, cá nhân. Từ thực tế này đặt ra câu hỏi công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện tham nhũng là điều bình thường hay không bình thường?

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. (Nguồn: congluan.vn) 

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về tổng kết Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng trên địa bàn Hà Nội, 11 năm qua (từ 1/6/2009 đến 1/6/2020), qua công tác tự kiểm tra nội bộ chưa phát hiện và xử lý tham nhũng trường hợp nào. Nhưng theo báo cáo kết quả thanh tra thì phát hiện sai phạm trên 3.597 tỉ đồng.

Cụ thể, các đơn vị thanh tra trên toàn TP Hà Nội đã tổ chức triển khai 3.136 cuộc thanh tra, đã kết luận 3.078 cuộc thanh tra. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm trên 3.597 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.380 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi trên 2.000 ha đất, xử lý hành chính 523 tập thể và 579 cá nhân.

Không chỉ thanh tra, Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân TP Hà Nội trong giai đoạn này cũng đã thụ lý điều tra 256 vụ với 627 bị can, trong đó khởi tố giải quyết 221 vụ với 610 bị can; xét xử sơ thẩm 352 vụ với 1.059 bị cáo liên quan đến các vụ án tham nhũng. Trong đó, số tài sản thất thoát trong các vụ án tham nhũng đã xét xử là 15.687 tỷ đồng, 52.221 m2 đất...

Nhìn vào những số liệu này, có thể thấy trong 11 năm vừa qua, những vụ tham nhũng xảy ra tại địa bàn Hà Nội là tương đối nhiều. Nhưng nếu mang ra so với kết quả của công tác tự kiểm tra nội bộ là điều rất không bình thường. Bởi, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan chức năng là rất lớn, phát hiện tham nhũng, sai phạm hàng nghìn tỷ đồng, xử lý hàng trăm tập thể, cá nhân; còn đối với công tác tự kiểm tra nội bộ thì chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào.

Cụ thể hơn về vấn đề này còn được thể hiện ở báo cáo về kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, công tác tự kiểm tra nội bộ của các đơn vị chưa phát hiện và xử lý vụ việc nào có liên quan đến tham nhũng; tuy nhiên đơn cử qua công tác thanh tra và giải quyết khiếu nại tố cáo đã phát hiện, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 5 vụ. Trong số đó, có những vụ án tham nhũng được xã hội và dư luận đặc biệt quan tâm, như: Vụ án “Buôn lậu” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (viết tắt là Công ty Nhật Cường) đang được Tòa án nhân dân TP Hà Nội xét xử và vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội. Vụ án này, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng…

Công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện tham nhũng không chỉ riêng với TP Hà Nội mà đây là tình trạng diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, ban, ngành. Thông tin đưa ra tại buổi làm việc của Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng với Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam năm 2019 cho thấy, trong năm 2019, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở tỉnh Quảng Nam chưa phát hiện vụ việc nào sai phạm về kinh tế, tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ. Nhưng kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác kiểm tra, giám sát thì cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp và chi bộ xử lý kỷ luật 2 tổ chức Đảng và 251 đảng viên vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đã triển khai 75 cuộc thanh tra hành chính, 39 cuộc thanh tra đột xuất, phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 62 tỉ đồng, kiểm điểm trách nhiệm và xử lý hành chính 152 tập thể, 86 cá nhân sai phạm.

Còn theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng, từ đầu năm 2019 đến nay, UBND TP đã ban hành và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019 cùng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2019. Kết quả, qua tự kiểm tra, các cơ quan, đơn vị chưa phát hiện vụ việc có dấu hiệu, hành vi tham nhũng. Nhưng, trong năm 2019, toàn ngành Thanh tra TP đã triển khai 1.009 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 9.176 tổ chức, cơ sở, cá nhân. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi hơn 1 tỉ đồng nộp ngân sách nhà nước; ban hành 3.954 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền gần 11 tỉ đồng; thu hồi 7,6 tỉ đồng...

Theo số liệu của một vài địa phương chưa thấy rõ hết kết quả của công tác tự kiểm tra nội bộ. Nhìn vào báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 do Thanh tra Chính phủ công bố cho thấy, công tác tự kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện sớm các hành vi tham nhũng, góp phần ngăn chặn và hạn chế hậu quả của các hành vi tham nhũng nội bộ thì kết quả vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng đặt ra; vẫn có tới 37 địa phương đạt điểm 0 tức là không phát hiện được tham nhũng trong việc kiểm tra nội bộ.

leftcenterrightdel
Kết quả thực hiện công tác phát hiện tham nhũng (theo nhóm chỉ tiêu), trong đó có kết quả công tác tự kiểm tra. (Ảnh: TTCP ) 

Từ những thực tế trên đặt ra câu hỏi, công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện tham nhũng là điều bình thường hay không bình thường? Còn hạn chế, yếu kém gì cần khắc phục hay là những vấn đề đặt ra chưa được giải quyết.

Có thể nhận định rằng, công tác tự kiểm tra nội bộ không phát hiện tham nhũng đã bộc lộ những hạn chế và cần phải được xem xét lại. Đây là do cơ chế trong quá trình triển khai thực hiện hay do tình trạng nể nang, né tránh, không dám đấu tranh, ngại đấu tranh phòng, chống tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị? Phải chăng công tác tự kiểm tra nội bộ nhiều khi mang tính hình thức, làm qua loa, chiếu lệ; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa làm tròn trách nhiệm?

Điều 56 của Luật Phòng, chống tham nhũng quy định về công tác tự kiểm tra của cơ quan, tổ chức, đơn vị: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của người có chức vụ, quyền hạn do mình quản lý mà thường xuyên, trực tiếp giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tham nhũng. Điều 58 quy định hình thức kiểm tra là kiểm tra thường xuyên được tiến hành theo chương trình, kế hoạch và tập trung vào lĩnh vực, hoạt động dễ phát sinh tham nhũng. Kiểm tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng.

Như vậy, quy định về công tác tự kiểm tra nội bộ đã rất rõ ràng cả ở cách thức, phương pháp, hình thức kiểm tra. Trong đó, nhấn mạnh rõ đến hình thức kiểm tra theo chương trình, kế hoạch…, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng.

Trong Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng đã nêu rõ, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, Nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Coi kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu...

Như vậy, để chống tham nhũng hiệu quả, ngoài việc vào cuộc tích cực của các cơ quan chức năng thì đối với công tác công tác tự kiểm tra nội bộ để phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong đó, trách nhiệm gương mẫu thực hiện và trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng của người đứng đầu cơ quan, đơn vị là rất lớn.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận công tác phòng, chống tham nhũng là công việc khó khăn, phức tạp, lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, "không ngừng", "không nghỉ" ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực. 

Không thể phủ nhận hành vi tham nhũng hiện nay ngày càng ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, tiềm ẩn trong nhiều lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng đất đai, tín dụng, ngân hàng; tham nhũng trong công tác cán bộ, trong quản lý tài sản công, trong lĩnh vực thuế, tư pháp... 

Song cũng phải thấy rằng, thực tế hiện nay có nhiều người, nhất là những cán bộ trong cơ quan, đơn vị tỏ ra e ngại việc tố cáo tham nhũng, bởi họ sợ gánh chịu hậu quả hay có thể họ ngại va chạm, vì nể nang, né tránh hoặc cũng có tâm lý cho rằng phòng, chống tham nhũng là công việc của cơ quan phòng, chống tham nhũng…

Thiết nghĩ, nếu như công tác tự kiểm tra nội bộ được thực hiện tốt sẽ là phương thức, công cụ hữu hiệu cho công tác phòng, chống tham nhũng. Bởi, qua công tác tự kiểm tra nội bộ sẽ góp phần phát hiện nhanh, phát hiện sớm, phát hiện ngay từ cơ sở để từ đó ngăn ngừa và có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, không để tham nhũng nhỏ trở thành tham nhũng lớn, gây ra hậu quả đáng tiếc. Để công tác tự kiểm tra nội bộ phát huy được hiệu quả thì cần phải có quy định, chế tài cụ thể quy định trách người đứng đầu khi để “lọt” hành vi tham nhũng hay có hành vi lơ là, che giấu cho tham nhũng...

Bên cạnh việc xây dựng các quy định về phòng ngừa để “không thể tham nhũng", “không dám tham nhũng’’, “không muốn tham nhũng", công tác tự kiểm tra nội bộ trước hết cần phải thay đổi và tiến hành thực chất hơn, tránh tình trạng có cũng như không, như nhiều trường hợp 5 năm, 10 năm mà vẫn chưa phát hiện trường hợp tham nhũng nào./.

Minh Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực