Bổ nhiệm cán bộ có sự ưu ái nâng đỡ - Ảnh minh họa: dantri.com.vn Bỏ qua nguyên tắc Đảng, các bước trong quy trình bổ nhiệm cán bộ
Trường hợp Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định Nguyễn Đức Hoàng là người mà dư luận, báo chí cho rằng có quá trình thăng tiến “siêu tốc”, được bổ nhiệm chức Phó giám đốc Sở Ngoại vụ khi mới 28 tuổi.
Khởi nguồn của quá trình thăng tiến ấy chính là từ khi Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Định ra quyết định tiếp nhận ông Nguyễn Đức Hoàng về công tác và bố trí làm việc tại phòng Tổ chức cán bộ của Viện từ ngày 01/10/2011, xếp ngạch chuyên viên bậc 2, hệ số lương 2,67, toàn bộ quá trình này đều không qua thi tuyển. Ông Nguyễn Đức Hoàng được kết nạp Đảng sai thẩm quyền; thủ tục đề nghị kết nạp khi chưa có đủ thời gian công tác theo quy định; việc chuyển Đảng chính thức đối với ông Hoàng sai quy định của Đảng do ông này không có giấy chứng nhận học lớp đảng viên mới.
Khi còn đang học cao cấp lý luận chính trị tại Đà Nẵng, ông Hoàng được Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định lúc bấy giờ bổ nhiệm chức Phó phòng Thống kê tội phạm - Công nghệ thông tin của Viện. Và kể từ đó, ông Hoàng thăng tiến nhanh chóng từ Viện KSND tỉnh chuyển sang Sở Ngoại vụ. Ở đây, ông Hoàng lên chức Trưởng phòng Hợp tác quốc tế Sở Ngoại vụ. Và chỉ vỏn vẹn 01 tháng 11 ngày sau đó (ngày 28/5/2014), ông Nguyễn Đức Hoàng được bổ nhiệm giữ chức Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ. Lúc này, ông Nguyễn Đức Hoàng mới tròn 28 tuổi.
Trường hợp thứ hai, ngày 04/6/2014, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có quyết định tuyển dụng ông Vũ Minh Hoàng (sinh năm 1990), trình độ Thạc sĩ chuyên ngành Phát triển quốc tế, vào làm việc tại Phòng Nghiên cứu – Tổng hợp của cơ quan này. Ngày 8/9/2014, cơ quan này ra quyết định cử ông Vũ Minh Hoàng đi học Tiến sĩ ở Nhật Bản từ tháng 10/2014 đến tháng 9/2017 (lúc này ông Hoàng vẫn chưa hết thời gian tập sự).
Trong thời gian ông Vũ Minh Hoàng đang học ở Nhật Bản, chưa thể điều hành công việc trực tiếp ở cơ quan, nhưng ngày 15/1/2016, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ lại có quyết định 824/QĐ/BCĐTNB bổ nhiệm ông này giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế của Ban.
Chỉ 32 ngày kể từ ngày ông Hoàng được bổ nhiệm làm Phó Vụ trưởng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, lại ký tiếp quyết định để ông Hoàng chuyển công tác về UBND TP. Cần Thơ. Lúc này ông Hoàng vẫn chưa hoàn thành khóa học ở Nhật Bản.
Ngày 26/2/2016, UBND TP. Cần Thơ có quyết định tiếp nhận và bổ nhiệm ông Hoàng giữ chức Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư – Thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ trong thời hạn 5 năm. Sau đó, ông Vũ Minh Hoàng lại tiếp tục qua Nhật Bản làm nghiên cứu sinh.
Vào cuối tháng 8/2017, Uỷ ban kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ), đã có kết luận việc tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng từ Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đến UBND TP. Cần Thơ trong khi ông này đang đi học ở Nhật Bản, không có hồ sơ đảng viên, không thẩm định hồ sơ cán bộ công chức, vi phạm nguyên tắc, quy trình về công tác cán bộ. UBKTTƯ chỉ đạo UBND TP. Cần Thơ nghiêm túc, kiểm điểm, xem xét, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan; đồng thời chỉ đạo thu hồi và hủy bỏ quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm ông Vũ Minh Hoàng.
Trường hợp tiếp đó là ông Lê Phước Hoài Bảo được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam khi mới 32 tuổi, UBKTTƯ đã kết luận về những sai phạm đối với việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Nam, trong đó nêu rõ việc bổ nhiệm “không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục”. Không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự ứng cử Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng, bỏ sinh hoạt đảng nhiều tháng, không chuyển sinh hoạt đảng theo quy định trong thời gian đi học Thạc sỹ tại nước ngoài.
Thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về bổ nhiệm cán bộ
Qua những trường hợp nêu trên cho thấy cơ quan chức năng đã chỉ ra những thiếu sót trong bổ nhiệm cán bộ là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; không trung thực trong việc kê khai quá trình công tác của bản thân trong hồ sơ, lý lịch và hồ sơ nhân sự; ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng.
Đây là những cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản, nhưng trong công tác cán bộ đã không tuân thủ đúng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng; quy trình, quy định bổ nhiệm cán bộ, đã bỏ qua nhiều bước như thi tuyển công chức, nhận xét đánh giá, tiêu chuẩn, đề bạt bổ nhiệm… cán bộ. Chính vì bỏ qua quy trình của công tác cán bộ nên số cán bộ này được bổ nhiệm mà theo báo chí và dư luận cho rằng nhanh đến mức “siêu tốc” hay “thần tốc”. Và dư luận đặt câu hỏi họ có thực tài không, hay là có sự nâng đỡ và ưu ái nào đó? Và rằng giá như đừng bổ nhiệm bất chấp mọi nguyên tắc, qui trình cán bộ thì có lẽ không có kết cục buồn. Bởi họ được học hành bài bản có thời gian để phấn đấu rèn luyện và thử thách trong thực tiễn, nhưng những người có trách nhiệm đã không làm như vậy. Đây là bài học đắt giá cho những ai lợi dụng ảnh hưởng, chức vụ quyền hạn sắp đặt cán bộ theo ý đồ cá nhân.
Do đó, để khắc phục những hạn chế trong bổ nhiệm cán bộ, các cấp quản lý cán bộ, nhất là người đứng đầu cần chấp hành nghiêm các qui định, qui chế của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Đồng thời, khắc phục tình trạng qui trình thì “thẳng” nhưng cái tâm thì “cong” trong lựa chọn, xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ đòi hỏi chính xác, khách quan, công khai, minh bạch, đúng người, đúng việc. Khắc phục cho được tình trạng nể nang, ưu ái nâng đỡ không trong sáng… gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua.
Thực tiễn cuộc sống cho thấy mọi việc đều phải tuân thủ đúng quy trình. Một trái cây chín ép sẽ không bao giờ cho vị ngọt. Hơn nữa, sự công bằng cho mọi người sẽ không bao giờ có được, nếu có một bộ phận cán bộ có chức, có quyền lợi dụng vị trí của mình, bất chấp quy định để bổ nhiệm người thân vào những vị trí cao hoặc những vị trí không xứng đáng./.