Lần đầu tiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho 20 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (khóa XII) - ảnh: HM
Không chỉ bàn bạc về công tác cán bộ nói chung, Hội nghị Trung ương 7 lần này sẽ thảo luận và quyết định ban hành nghị quyết mới về công tác cán bộ, xây dựng và quản lý cán bộ đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ðây cũng là lần đầu tiên, Trung ương xác định tầm quan trọng của việc phải tập trung xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp, mà nòng cốt là cán bộ cấp chiến lược, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp thật sự vững mạnh, trưởng thành, là nhân tố “then chốt” quyết định sự thành công trong tổng thể công tác cán bộ và sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Quan tâm tới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thời gian qua, Trung ương đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định, hướng dẫn về lĩnh vực này như: Quy định 164-QĐ/TW năm 2013 của Bộ Chính trị về chế độ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Kết luận số 57-KL/TW ngày 8/3/2013 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Nghị quyết số 32-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày 26/2/2014; Kết luận số 117-KL/TW của Ban Bí thư về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 20/11.2015... Công tác đào tạo, bồi dưỡng được coi trọng và thực hiện hiệu quả hơn theo các quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước; bước đầu gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng cán bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng, tình trạng đảng viên vi phạm còn khá phổ biến, biểu hiện ở con số xử lý kỷ luật đảng hằng năm, chưa kể vi phạm chưa phát hiện hoặc những nguy cơ tiềm ẩn vi phạm chưa được nắm bắt kịp thời để ngăn chặn. Những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ là một trong những nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này được xác định là do công tác đào tạo, bồi dưỡng bộ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển. Nội dung chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn lãnh đạo, quản lý, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Một số chương trình đào tạo, bồi dưỡng nặng về lý luận, dàn trải, thiếu sự liên thông, kế thừa, trùng lặp về nội dung, thiếu tính thiết thực, chưa đi sâu vào rèn luyện kỹ năng, nghiệp vụ công tác cho cán bộ, công chức.
Thậm chí trong một số trường hợp cán bộ cao cấp có lý lịch đẹp, du học ở nước ngoài nhưng lại mắc khuyết điểm và bị kỷ luật. Đồng chí Phạm Quang Hưng, Vụ trưởng Vụ 4, Ban Tổ Chức Trung ương cho rằng, cần nhìn nhận thẳng thắn trong một số trường hợp cán bộ có lý lịch đẹp nhưng vẫn mắc khuyết điểm, bị kỷ luật là do bản thân cán bộ chưa đạt yêu cầu; khi được giao trọng trách đã vi phạm nguyên tắc công tác, vi phạm kỷ luật Đảng. Điều đó cho thấy, cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ trẻ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, không giữ mình thì dễ sa vào chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm dẫn đến vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy huấn luyện cán bộ là cái gốc của Đảng.
Trong điều kiện đất nước hội nhập sâu rộng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác đào tạo cán bộ lại càng đòi hỏi bức thiết hơn, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của đất nước. Mới đây, lần đầu tiên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho 20 Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (khóa XII). Điều này càng thể hiện sự quan tâm, chú trọng của Đảng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược trong bối cảnh hiện nay.
Một trong những giải pháp được Đảng xác định tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là: Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hằng năm đối với cán bộ, đảng viên gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhật kiến thức mới phù hợp từng đối tượng, từng cấp, từng ngành, từng địa phương.
Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án về công tác cán bộ cấp chiến lược - ảnh minh họa: HM
Phát biểu tại Lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dành cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng (khóa XII), đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh: Cùng với việc trải nghiệm qua thực tiễn công tác ở địa phương, đơn vị, cán bộ, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược là bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cấp cần phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng, trang bị cập nhật những kiến thức mới về lý luận. Đồng thời lực lượng kế cận này cũng cần được củng cố nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, lập trường cách mạng, xây dựng tầm nhìn và tư duy chiến lược; rèn luyện đạo đức cách mạng, tác phong công tác, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, xử lý tình huống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong giai đoạn 2013- 2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương tổ chức bồi dưỡng nguồn cán bộ cao cấp chuẩn bị nhân sự cho Đại hội lần thứ XII của Đảng. Từ ngày 27/3/2013- 02/7/2015, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức được 6 lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp, với tổng số 511 đồng chí tham gia học tập. Kết quả thống kê cho thấy 100% số học viên lớp dự nguồn công tác tại các địa phương được bầu vào Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh, thành ủy và 45 trong số 61 đồng chí đắc cử bí thư tỉnh, thành ủy là học viên của lớp dự nguồn. 114/511 học viên các lớp dự nguồn đã trở thành Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, trong đó 94 đồng chí là Ủy viên chính thức và 20 đồng chí là Ủy viên dự khuyết.
Từ những kết quả nêu trên, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp thực sự là một hoạt động quan trọng, vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị trong thời gian tới.
Nói về vai trò của việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh khu vực 4 khẳng định: “Công tác cán bộ là công tác lâu dài, do đó cần đầu tư thực sự vào lĩnh vực giáo dục để có một nền giáo dục hiện đại, tạo ra con người thích ứng được với đời sống hiện nay, có nhân cách đạo đức tốt, từ đó sẽ có được những cán bộ tốt”.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng: Việc thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ chiến lược là cần thiết; từ đó các cán bộ cấp chiến lược luôn được tiếp cận những kiến thức mới, những vấn đề lớn nhất của thế giới hiện nay, những mâu thuẫn của thời đại, những vấn đề lớn về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, Chương trình bồi dưỡng luôn phải được cập nhật phù hợp từng thời điểm cụ thể.
Là người trực tiếp tham gia Lớp bồi dưỡng, nâng cao kiến thức dành cho Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XII vừa qua, Bí thư thứ Nhất Trung ương Đoàn Lê Quốc Phong đánh giá cao cách thức tổ chức và nội dung các lớp bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ cấp cao, các lớp dự nguồn cán bộ cấp cao đã tổ chức trong thời gian vừa qua. Đồng chí Lê Quốc Phong khẳng định, việc dành thời gian hợp lý để đội ngũ cán bộ cấp cao nghiên cứu có hệ thống cả về lý luận và thực tiễn, cập nhật những vấn đề mới trong và ngoài nước là hết sức cần thiết. Chương trình cập nhật kiến thức với cách tổ chức giúp tăng thời lượng cho cán bộ theo học tự nghiên cứu, thảo luận, trao đổi, tìm hiểu mô hình thực tế bổ trợ khá tốt cho các chuyên đề lý luận, từ đó gợi mở nhiều hướng tiếp cận, cách giải quyết tình huống.
“Từ cách làm của Trung ương, hầu hết các địa phương, bộ, ngành cũng đã thay đổi cách tiếp cận và đổi mới trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của địa phương, đơn vị. Tôi nghĩ cần tiếp tục duy trì các hình thức đào tạo, bồi dưỡng như thế này” - đồng chí Lê Quốc Phong chia sẻ.
Sự trưởng thành, phát triển của đội ngũ cán bộ là nhân tố then chốt, quyết định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước, trong đó, công tác đào, bồi dưỡng, trang bị và cập nhật kiến thức cho cán bộ là việc đặc biệt quan trọng. Công tác này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, trang bị kiến thức toàn diện cho cán bộ để có năng lực đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn./.