Búa liềm vàng - Giải báo chí có uy tín, thương hiệu lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao

Thứ năm, 01/02/2024 11:27
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - 2.216 tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống chính trị, kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2023 với những gam màu rất tươi sáng, đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
 Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Giải phát biểu ý kiến kết luận tại cuộc họp Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023.

Kể từ mùa giải đầu tiên được trao vào ngày 3/2/2017, đến nay, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Tạp chí Cộng sản và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã trở thành một giải báo chí có uy tín, thương hiệu lớn và được giới chuyên môn đánh giá cao.

Trước thềm Lễ công bố và trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023, đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng - Cơ quan thường trực Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Giải Búa liềm vàng có cuộc trao đổi với phóng viên.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Ngô Minh Tuấn, năm 2023 là năm thứ tám của Giải Búa liềm vàng. Qua mỗi mùa tổ chức, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng ngày càng thể hiện sự uy tín, thu hút được đông đảo các tác giả, nhóm tác giả tham gia. Theo đồng chí đâu là những điều làm nên thành công của Giải?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Một giải báo chí muốn có uy tín và được báo giới thừa nhận là một giải thưởng ai cũng khát khao vươn tới trong sự nghiệp làm báo thì trước hết là khâu tổ chức. Với Giải Búa liềm vàng, công tác tổ chức rất chặt chẽ, bài bản. Ngay từ năm đầu phát động Giải, Ban Tổ chức Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Giải gồm các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng, quản lý nhà nước về lĩnh vực báo chí - xuất bản và có cơ quan có chức năng tập hợp những người làm báo trong cả nước. Tất cả đã tạo nên một “binh chủng hợp thành” phối hợp rất chặt chẽ và tạo thành sức mạnh tổng hợp, từ công tác tổ chức, đến việc định hướng nội dung trọng tâm thông tin, tuyên truyền và vận động những người làm báo tích cực hưởng ứng tham gia Giải. Tiếp đó là việc Ban Chỉ đạo Giải phân công 1 cơ quan thường trực - cơ quan giúp việc có chuyên môn, có tính chuyên nghiệp cao, đó là Tạp chí Xây dựng Đảng thuộc Ban Tổ chức Trung ương.

Thứ hai là, Giải Búa liềm vàng đã huy động được tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị tham gia, gồm các cấp ủy, tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương; ở mỗi cấp có sự chung tay của các cơ quan tham mưu của cấp ủy gồm các ban tuyên giáo, ban tổ chức cấp ủy và tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của người làm báo là Hội Nhà báo. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia. Có thể nói, Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) đã nhận được sự hưởng ứng và vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Thứ ba là, công tác chấm giải được bảo đảm tính độc lập, khách quan, công tâm, minh bạch. Cơ quan thường trực Giải đã tham mưu với Ban Chỉ đạo thành lập 2 Hội đồng chấm giải, gồm Hội đồng sơ khảo và Hội đồng chung khảo. Tham gia các Hội đồng là những nhà báo có uy tín, kinh nghiệm; những người am hiểu sâu về công tác tuyên truyền về xây dựng Đảng.

Ngoài ra, công tác tổ chức Lễ trao Giải cũng phải bảo đảm hết sức trang trọng. Nơi tổ chức Lễ công bố và trao giải 7 mùa giải trước là Nhà hát Lớn Hà Nội, năm nay chuyển nơi tổ chức sang Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô để có điều kiện tổ chức quy mô hơn, trở thành một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2; ngoài tiền thưởng của Giải, tác giả đoạt Giải còn nhận được phần thưởng là những chiếc cúp Búa liềm vàng có ý nghĩa và giá trị, để tác giả đoạt giải thực sự cảm thấy vinh dự, tự hào khi đứng trên sân khấu nhận giải.

Tất cả những yếu tố này đã góp phần làm nên thành công, khẳng định uy tín, thương hiệu của Giải Búa liềm vàng trong những năm qua.

PV: Vâng, năm 2023, Ban Tổ chức nhận được 2.216 tác phẩm tham dự Giải. Đồng chí có đánh giá gì về chất lượng các tác phẩm vào chung khảo của Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Năm 2023 là năm có nhiều nhất số tác phẩm tham dự Giải (2.216 tác phẩm, tăng 184 tác phẩm so với năm 2022), nhưng chất lượng nói chung đồng đều hơn và tốt hơn so với các mùa giải trước. Riêng các tác phẩm vào chung khảo có một bước tiến rất đáng mừng, bảo đảm chất lượng về nội dung, hài hòa các thể loại, các loại hình, vùng miền và phủ khắp tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Để có được kết quả đó, ngay sau Lễ phát động Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 (tối 3/2/2023), với vai trò là cơ quan Thường trực Giải, Tạp chí Xây dựng Đảng đã tham mưu với Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải ban hành Kế hoạch số 106-KH/BTCTW, ngày 20/3/2023 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tổ chức Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ VIII - năm 2023 (kèm theo Thể lệ Giải).

Kế hoạch số 106-KH/BTCTW đặt ra yêu cầu thông qua các tác phẩm báo chí tham gia Giải Búa liềm vàng giúp cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc thêm về Đảng và công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Giải Búa liềm vàng để trở thành một hoạt động có ý nghĩa chính trị sâu sắc, có tác dụng thiết thực đối với công tác xây dựng Đảng. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao, tích cực phục vụ công tác xây dựng Đảng; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có hiệu ứng lan tỏa và tác động xã hội mạnh mẽ.

Nhằm tạo sự đồng bộ trong tổ chức tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, Cơ quan thường trực Giải đã tham mưu với lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023 (Kế hoạch số 114-KH/BTCTW ngày 21/4/2023). Do vậy, các tác phẩm đã bám sát các vấn đề nóng, sự kiện nổi bật, nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị và đất nước, nhiều tác phẩm đã đi sâu phản ánh vấn đề thời sự của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Một số tác phẩm đề cập tới những vấn đề bức xúc hiện nay, có tính phản biện xã hội, chiến đấu cao.

Để giúp lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí và người làm báo trong cả nước hiểu sâu thêm kiến thức về xây dựng Đảng, thêm kỹ năng, kinh nghiệm sáng tạo tác phẩm báo chí góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm tham dự giải, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 115-KH/BTCTW ngày 21/4/2023 về việc “Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2023”, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác xây dựng Đảng năm 2023 bằng hình thức trực tuyến, kết nối từ điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương đến 67 điểm cầu ban tổ chức các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương. Kết quả đã có 1.867 người tham dự.

Trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có gần 40 tỉnh, thành phố tổ chức Giải Búa liềm vàng cấp tỉnh, tạo không khí sôi nổi hưởng ứng Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 và đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị. Các cơ quan báo chí ở Trung ương vẫn luôn tham gia tích cực với nhiều tác phẩm có chất lượng cao [1]. Khối báo chí địa phương ngoài những gương mặt quen thuộc [2], năm nay có thêm nhiều địa phương đã đầu tư công phu, có nhiều tác phẩm có chất lượng [3]. Đáng chú ý là, các loại hình báo chí khối địa phương năm nay có chất lượng đồng đều và có sự tiến bộ rõ rệt hơn so với năm 2022.

 Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng – Cơ quan thường trực Giải, Phó Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, Trưởng Ban Thư ký Giải Búa liềm vàng.

PV: So với các mùa giải trước, Giải Búa liềm vàng năm nay có nét gì mới trong nội dung các tác phẩm báo chí, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Một nét mới trong nội dung các tác phẩm báo chí tham dự Giải Búa liềm vàng năm nay là đã phản ánh sinh động, kịp thời những sự kiện, sinh hoạt chính trị của Đảng như sự ra mắt các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Hội nghị Trung ương lần thứ bảy) và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khóa XIII) tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn hóa - đạo đức trong Đảng, quy hoạch đội ngũ cán bộ cấp chiến lược; chống “căn bệnh sợ trách nhiệm” và xây dựng cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung; công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đấu tranh với các quan điểm sai trái, xuyên tạc nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào công tác Đảng; phát triển 6 vùng kinh tế - xã hội chiến lược, trọng yếu…

Bên cạnh đó, có những loạt bài đi sâu tìm ra những nguyên nhân của hiện tượng nhiều cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; hoặc là đi sâu về các lĩnh vực của công tác tổ chức xây dựng Đảng, như công tác cán bộ, công tác tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Riêng vấn đề đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc về tôn giáo, dân tộc và nhân quyền ở Việt Nam, năm nay có nhiều bài viết thể hiện một cách phong phú, sinh động, sâu sắc, lập luận rất chặt chẽ, có tính thuyết phục cao. Ngoài ra, một số tác phẩm báo chí đã phản ánh được những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm sáng tạo của nhiều địa phương.

Đáng chú ý là Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 có số cơ quan báo chí cấp tỉnh gửi tác phẩm truyền hình tham gia nhiều nhất từ trước đến nay, thậm chí có cả các trung tâm văn hóa cấp huyện, chương trình truyền hình của Công an, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh và công ty truyền thông tư nhân gửi tác phẩm tham dự giải. Một số tác phẩm có chiều sâu và chất lượng rất tốt, hiệu quả tuyên truyền cao, phản bác sắc bén luận điệu xuyên tạc của kẻ xấu như khi xảy ra vụ tấn công 2 trụ sở xã ở Đắk Lắk. Các đơn vị báo chí ở Trung ương có thế mạnh là có nhiều tác phẩm chính luận, nêu vấn đề mang tầm bao quát cả nước, trong khi khối báo chí địa phương mạnh về các bài phản ánh cách làm mới từ cơ sở và gương sáng, điển hình tập thể, cá nhân. Nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm của các cơ quan báo chí ở Trung ương mà còn có nhiều ở các báo, đài phát thanh - truyền hình (PTTH) địa phương. Nhiều tác phẩm sau khi đăng, phát đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, bạn đọc. Điều này cho thấy Giải Búa liềm vàng ngày càng có sự lan tỏa mạnh mẽ.

Qua 2.216 tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng lần này đã cho thấy một bức tranh toàn cảnh về đời sống chính trị, kinh tế xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước trong năm 2023 với những gam màu rất tươi sáng, đúng như lời đồng chí Tổng Bí thư nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

PV: Xin đồng chí cho biết tiêu chí chấm giải năm nay có gì mới so với các năm trước đây?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Tiêu chí chấm giải năm 2023 cũng cơ bản giống nhiều năm trước như rõ ràng về thể loại; thời lượng cũng như số kỳ theo quy định; phản ánh trung thực sự việc, hiện tượng; cách diễn đạt trong sáng, dễ hiểu và gây cảm xúc.

Cùng với đó, như tôi đã nói ở trên, năm nay Ban Tổ chức Giải có lưu ý nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề mới trong công tác xây dựng Đảng và đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao, tích cực phục vụ công tác xây dựng Đảng; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có hiệu ứng lan tỏa và tác động xã hội mạnh mẽ. Do vậy, Hội đồng chấm giải khuyến khích và đánh giá cao những tác phẩm mà người viết có sự dấn thân, xông pha vào nơi gian khó để phát hiện ra những tấm gương tiêu biểu, những tập thể, những địa phương có cách làm tốt; hoặc các tác phẩm mang tính phát hiện vấn đề để qua đấy phản ánh được sự quyết tâm cao độ cũng như nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, nhất là trong năm 2023 là năm bản lề để phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

PV: Tính báo chí và “chất” xây dựng Đảng được thể hiện như thế nào ở các tác phẩm dự Giải Búa liềm vàng, thưa đồng chí?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Tính báo chí và “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm tham dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 rõ hơn rất nhiều các mùa giải trước. Nếu như những năm đầu tiên của giải, “chất” xây dựng Đảng trong các tác phẩm báo chí dự giải có khoảng cách giữa cơ quan báo chí Trung ương và địa phương hoặc chưa đồng đều giữa báo in với các thể loại phát thanh, truyền hình, báo điện tử, thì đến nay trong tất cả các thể loại, “chất” xây dựng Đảng đã rất sâu đậm, rõ nét.

Nhiều tác phẩm có những công phu trong tìm tòi chủ đề, cách thức thể hiện, thu thập thông tin, tư liệu, phản ánh đậm hơi thở cuộc sống, bám sát những trọng tâm trong công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong năm 2023.

Để có được bước tiến này, ngay từ đầu năm Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2023, với 5 trọng tâm: Những kết quả bước đầu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị; nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương tới cơ sở.

Phản ánh những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025; đánh giá tình hình, triển vọng triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo định hướng khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát hiện những “điểm nghẽn” hoặc dự báo những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; từ đó đề xuất các giải pháp hiến kế cho Đảng, Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp với tình hình thực tế.

Về tình hình, kết quả nổi bật và những giải pháp đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, “lợi ích nhóm”. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng. Những thành tựu căn bản trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Tích cực đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”; phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII).

Xây dựng Đảng về đạo đức và thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên, gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, thực sự dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng.

Trên cơ sở những định hướng trọng tâm tuyên truyền trên, tất cả các cơ quan báo chí từ Trung ương, địa phương tổ chức những nội dung để tuyên truyền và xây dựng các tuyến bài, từ đấy lựa chọn những tác phẩm có chất lượng tốt tham dự Giải Búa liềm vàng. Cho nên, các tác phẩm tham dự giải rõ tính báo chí hơn, chất xây dựng Đảng rất sâu đậm. Những điều đó tạo nên chất lượng tác phẩm báo chí dự Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 tốt hơn rất nhiều.

PV: Theo đồng chí, thời gian tới cần những cải tiến nào để Giải Búa liềm vàng tiếp tục phát triển, củng cố uy tín, vị thế là một trong những giải báo chí hàng đầu của đất nước?

Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Với góc độ là Cơ quan thường trực Giải, chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý để rút kinh nghiệm, tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Giải tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn trong việc lựa chọn tác phẩm. Công tác tổ chức Giải cũng sẽ hoàn thiện thêm, trong đó chú ý công tác quảng bá về Giải và về tác phẩm đoạt giải tốt hơn nữa, tạo sự lan tỏa sâu rộng thêm.

Về nội dung, sẽ phải có những bổ sung cho phù hợp với thực tiễn hơn nữa, để làm sao có thêm nhiều người công tác ở nhiều lĩnh vực tham dự Giải Búa liềm vàng và nội dung những tác phẩm phủ kín hết mọi góc cạnh, mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại của đất nước.

Hiện nay, Giải Búa liềm vàng không chỉ mở rộng ở trong nước mà còn vươn ra ngoài nước. Đã có rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài viết tác phẩm, gửi bài cho Giải. Và hằng năm Ban Tổ chức đều dành riêng một giải để vinh danh tác giả là người Việt Nam ở nước ngoài có tác phẩm xuất sắc.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Ngô Minh Tuấn!

 ___________________________

[1] Ngoài các đơn vị như Tạp chí Cộng sản, Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Xây dựng Đảng và các báo: Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Điện tử Chính phủ, Đầu tư, Thanh Niên, Lao động,… năm nay có thêm các báo như: Bảo vệ pháp luật, Công thương, Đại biểu nhân dân, Giao thông, Nông thôn ngày nay, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và các Tạp chí: Lý luận chính trị, Nội chính, Kiểm tra, Văn hóa Nghệ thuật… đã tích cực tham gia, có nhiều tác phẩm có chất lượng.

[2] Như: Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, Báo và Đài PTTH tỉnh Thanh Hóa, Báo và Đài PTTH tỉnh Tuyên Quang, Báo và Đài PTTH tỉnh Lào Cai, Báo và Đài PTTH tỉnh Bắc Giang, Báo và Đài PTTH tỉnh Nghệ An, Báo và Đài PTTH tỉnh Hà Tĩnh, Báo và Đài PTTH Đà Nẵng, Báo và Đài PTTH tỉnh Quảng Nam, Báo và Đài PTTH tỉnh Quảng Ngãi, Báo và Đài PTTH tỉnh Tây Ninh, Báo và Đài PTTH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Báo và Đài Bình Phước, Báo và Đài PTTH Vĩnh Long, Báo và Đài PTTH Bạc Liêu, Báo và Đài PTTH Cần Thơ, Báo và Đài PTTH An Giang, Báo Quân khu Bốn, Báo Cà Mau…

[3] Như: Báo và Đài PTTH tỉnh Hậu Giang, Báo và Đài PTTH tỉnh Hà Giang, Báo và Đài PTTH tỉnh Lai Châu, Báo và Đài PTTH tỉnh Vĩnh Phúc, Báo và Đài PTTH tỉnh Hưng Yên, Báo và Đài PTTH tỉnh Thừa Thiên Huế và các Báo: Hà Nội Mới, Kinh tế đô thị, Yên Bái, Bắc Cạn, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Bình, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp,….

Lễ công bố và trao Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII - năm 2023 được VTV và VOV truyền hình và phát thanh trực tiếp 20h10 tối thứ năm, ngày 1-2-2024 trên kênh VTV1 và VOV1, từ Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực