"Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích quần chúng"
Theo bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, học tập và làm theo Bác trước tiên là làm tốt chức năng, nhiệm vụ. Mỗi cán bộ công đoàn phải vì đối tượng đoàn viên, công nhân lao động mà tận tâm phục vụ, thấu hiểu, trăn trở, suy nghĩ về thực tế đời sống của người lao động.
Với khoảng 1,2 triệu công nhân lao động, chiếm trên 50% dân số toàn tỉnh trong đó có đông lao động xa quê, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, “Quỹ hỗ trợ công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tỉnh Bình Dương” đã ra đời với mong muốn hỗ trợ, chia sẻ một phần khó khăn của người lao động.
|
Chăm lo cho người lao động là trách nhiệm của mỗi cán bộ công đoàn. (Ảnh: Minh Châu)
|
“Học theo lời dạy của Bác: "Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc đều vì lợi ích quần chúng", Quỹ được xem như là một trong các giải pháp thiết thực chăm lo người lao động qua đó, thu hút, tập hợp công nhân lao động gia nhập và gắn bó với tổ chức công đoàn.
Bên cạnh nguồn hỗ trợ đầu tư tài chính công đoàn, Quỹ còn nhận được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương 2 triệu đồng/trường hợp và sự đóng góp ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Nhiều trường hợp công nhân khi được nhận hỗ trợ từ Quỹ đã rơi nước mắt bởi việc làm thiết thực của tổ chức công đoàn đã chạm đến trái tim họ lúc họ cần sự hỗ trợ, sẻ chia nhất.
Không ngừng chăm lo, nâng cao đời sống nhân dân
Thực hiện Di chúc của Bác: “Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội phải không ngừng chăm lo nâng cao đời sống nhân dân”, Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế luôn lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, “hơi thở” của cuộc sống công nhân để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động.
“Lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, cán bộ Công đoàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã chấm dứt hành chính hóa hoạt động công đoàn. Chúng tôi áp dụng công nghệ thông tin, thay đổi phương thức chỉ đạo hoạt động công đoàn các cấp qua các nhóm được lập trên zalo, facebook nhằm hạn chế văn bản giấy. Chính vì sử dụng mạng xã hội trong hoạt động nên thông tin từ cơ sở, từ đoàn viên và công nhân lao động cũng nhanh chóng tới với cán bộ công đoàn", Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương chia sẻ.
Bà Hoài Hương cho biết thêm, một trong những “sản phẩm” của cuộc thi cán bộ Công đoàn giỏi tỉnh Thừa Thiên Huế là “Điều ước đoàn viên”. Đến nay, 18 “điều ước” đã được thực hiện trong muôn vàn điều ước của đoàn viên, người lao động, hiện thực hóa mong ước của đoàn viên bằng những việc thiết thực nhất qua đó, xóa đi suy nghĩ của nhiều người Công đoàn chỉ biết thăm hỏi hiếu, hỉ… hướng đến lợi ích thiết thực của người lao động.
“Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bảo vệ người lao động
Công đoàn TP Đà Nẵng luôn thấm nhuần câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, áp dụng linh hoạt, chủ động trong công tác bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Dấu ấn trong năm 2019 là việc cử 2 cán bộ hỗ trợ 196 người lao động Cty TNHH MTV TBO Vina hoàn thiện hồ sơ khởi kiện và nhận ủy quyền của người lao động để tham gia tố tụng tại Tòa án, buộc Cty phải chi trả số tiền hơn 5 tỷ đồng cho người lao động. Dù quá trình khởi kiện gặp nhiều khó khăn chưa từng có trong tiền lệ và số người khởi kiện đông, tình huống phức tạp trong khi lực lượng cán bộ Công đoàn lại ít nhưng nhớ đến câu nói của Bác, chúng tôi đã vượt qua khó khăn, nỗ lực nghiên cứu và xây dựng quy trình hỗ trợ, hướng dẫn, chuẩn bị các công tác cần thiết để đi đến kết quả cuối cùng, ông Trần Vũ Duy Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn Lao động TP Đà Nẵng cho biết.
|
Tọa đàm “Cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” - Ảnh: Minh Châu
|
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Công đoàn là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Hơn 90 năm qua, Đảng và Bác Hồ đã đặt nền móng, cơ sở lý luận, lãnh đạo, rèn luyện giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Theo Bác, Công đoàn phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng cho công nhân, chú trọng quan điểm lợi ích, lợi ích riêng đi đôi với lợi ích chung; sức mạnh của tổ chức Công đoàn chính là xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Bác đặc biệt lưu ý: “Vấn đề cán bộ là vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” và “vấn đề cán bộ quyết định mọi việc”, cán bộ công đoàn phải xác định trách nhiệm của mình với công nhân, với Đảng và đất nước. Một cán bộ công đoàn giỏi phải có trí tuệ, bản lĩnh, nhiệt huyết và cái tâm trong sáng. “Cán bộ công đoàn chẳng những phải giỏi về chính trị, mà còn phải thạo về kinh tế, không thể lãnh đạo chung chung. Phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sáng tạo của quần chúng, học tập kinh nghiệm của quần chúng…”.