Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới

Thứ tư, 04/11/2020 14:10
(ĐCSVN) - Đồng chí Hà Đăng nhắc lại yêu cầu: Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”…
GS.TS Phùng Hữu Phú gợi mở các nội dung Tọa đàm. 

Ngày 4/11, Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng. GS.TS Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng; PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng và PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng chủ trì Tọa đàm.

Tại buổi Tọa đàm, góp ý vào nội dung “định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức”, đồng chí Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đánh giá cao sự chuẩn xác của dự thảo Báo cáo chính trị, trong đó có sự đề cập sâu sắc, toàn diện về nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đồng chí cũng ủng hộ mạnh mẽ những góp ý rất tích cực, trên nhiều mặt của dư luận đông đảo nhằm làm phong phú thêm các dự thảo văn kiện, và cũng để sửa đổi hay bổ sung những điều cần thiết.

Cũng theo đồng chí Hà Đăng: Sở dĩ có được những kết quả góp ý như vừa qua, một phần quan trọng là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết tâm của Trung ương. Ba bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 12 và Hội nghị Trung ương 13 thật sự là bộ ba tác phẩm không chỉ định hướng cho Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định những vấn đề cơ bản, hệ trọng của đất nước mà còn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu đi đầu và lãnh đạo tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết của Đảng.

Đồng chí Hà Đăng nhắc lại yêu cầu: Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới. 

Đồng chí Hà Đăng nhắc lại yêu cầu: Cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định mà “đổi mới” một cách vô nguyên tắc thì cũng dễ rơi vào chủ nghĩa xét lại, chệch hướng, “đổi màu”.

Kiến nghị bổ sung sửa đổi về quan điểm chỉ đạo, đồng chí Hà Đăng nêu rõ: Dự thảo Báo cáo chính trị, trong mục Tầm nhìn và định hướng phát triển”, về quan điểm chỉ đạo – quan điểm thứ hai có viết: “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng an ninh là trọng yếu thường xuyên.”

Theo đồng chí Hà Đăng, công thức này tuy được dùng từ lâu, qua không ít kỳ Đại hội của Đảng, nhưng về nhiệm vụ phát triển văn hóa, nói như trên chỉ nêu được tầm quan trọng của nó (là nền tảng tinh thần của xã hội) mà chưa nó được vị trí của nói trong tổng thể các nhiệm vụ đổi mới.

Thứ nữa, nói phát triển văn hóa mà không nói đến con người là không toàn diện. “Xin nhắc lại: Nghị quyết Hội nghị Trung ương khoá XI nêu lên định hướng xây dựng và phát triển văn hoá, con người với mục tiêu chung là: Xây dựng nền văn hoá và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân- thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học... Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.” – đồng chí Hà Đăng nêu rõ.

Xây dựng văn hóa, con người là sự nghiệp lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai hay chỉ trong một giai đoạn nhất định. Vì vậy, đồng chí Hà Đăng đề nghị bổ sung điểm chỉ đạo thứ hai trong dự thảo Báo cáo chính trị như sau: "Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước, gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa, con người là cơ bản, lâu dài; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên.”

Đồng chí Hà Đăng cũng đề nghị đổi mới cách ra Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện nghị quyết. Đưa nghị quyết vào cuộc sống và đưa cuộc sống vào nghị quyết là hai mặt của một vấn đề. Có những nghị quyết viết rất hay nhưng không đưa vào cuộc sống được vì nó không sát với thực tế cuộc sống, nói một cách khác, là cuộc sống không được đưa vào nghị quyết. Nhưng cũng có một thực tế khác, nghị quyết hay, đúng, nhưng không đưa được vào cuộc sống là do tổ chức, chỉ đạo thực hiện kém. Cho nên việc đổi mới, tăng cường tổ chức, chỉ đạo thực hiện cũng là một đòi hỏi cấp bách.

PGS.TS Đào Duy Quát cho rằng, nên thêm cụm từ "công nghiệp hóa, hiện đại hóa" vào Chủ đề của Báo cáo chính trị. 

Góp ý vào phương hướng, nhiệm vụ về nội dung giáo dục và đào tạo, đồng chí Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương cho rằng, mục 3 (trang 48): Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Nên chỉnh sửa tên tiểu mục thành: Tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao”. Tiểu mục này sẽ bao hàm việc phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo.

Về “nghiên cứu để hoàn thiện, ổn định hệ thống sách giáo khoa”, theo đồng chí Nghiêm Đình Vỳ, không nên dùng câu này vì từ năm 2013 sau khi ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương Đảng đã bắt đầu nghiên cứu và đến 2018, Bộ GD-ĐT đã ban hành Chương trình và định hướng và viết sách giáo khoa (SGK). Hơn nữa, SGK là tài liệu tham khảo không nên nói là ổn định. Nhiều nước trên thế giới thời gian làm chương trình và SGK nhanh thay đổi chỉ 5-7 năm. Tại Việt Nam 20 năm mới thay đổi. “Theo tôi, nên sửa là: Chỉ đạo, hoàn thành việc biên soạn SGK phổ thông đạt chất lượng cao, đồng thời thực hiện việc phát triển chương trình nhà trường phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội và thực tiễn phổ thông. Trong phần này, nên nói khâu đột phá của GD-ĐT là gì ?” – đồng chí Nghiêm Đình Vỳ kiến nghị.

Gắn với vấn đề thực hiện Chương trình và SGK, đề nghị đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục sớm các hạn chế về phẩm chất, năng lực, coi đây là khâu đột phá. Việc chuẩn hóa trình độ đào tạo nhà giáo phải đi đôi với nâng cao đạo đức nghề nghiệp (gương mẫu về đạo đức, nhân cách, yêu nghề mến trẻ, thường xuyên học tập để cập nhật tri thức, kỹ năng, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao tay nghề...) và trình độ tay nghề thực tế, khắc phục tình trạng chạy theo bằng cấp, nhưng không tương xứng với tay nghề và đạo đức nghề nghiệp, uy tín đối với người học và cộng đồng.

Trong việc sắp xếp lại hệ thống trường học, đề nghị sắp xếp, kiện toàn lại hệ thống cơ sở dạy nghề và cơ sở giáo dục đại học sao cho thật hợp lý. Dự thảo báo cáo cũng chưa nhấn mạnh đủ mức cần thiết yêu cầu củng cố kỷ cương trong giáo dục, bắt đầu từ việc tổ chức thi cử và đánh giá kết quả học tập của người học một cách khoa học, khách quan, nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch, tạo cơ sở bảo đảm giá trị đích thực của văn bằng, chứng chỉ quốc gia. Cần bổ sung: “Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tôn trọng kỷ cương, đánh giá và thi cử khách quan, công bằng, chính xác, xử lý nghiêm minh mọi hành vi sai phạm”.

Hình ảnh tại Tọa đàm. 

Theo PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, trong dự thảo văn kiện lần này không thấy đưa nội dung “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” vào chủ đề Báo cáo chính trị. Đây là nội dung được kế thừa từ nhiều nhiệm kỳ nay.

Đồng chí Đào Duy Quát phân tích: Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của thời kỳ quá độ lên CNXH là xây dựng được nền công nghiệp theo hướng hiện đại. Dù trong các mục tiêu cụ thể vẫn có, nhưng trong mục tiêu chính và chủ đề mang tính định hướng nên đưa nội dung này vào.

Đồng chí Đào Duy Quát cũng kiến nghị, trong báo cáo kiểm điểm cũng nên phân tích kỹ nội dung công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được thực hiện đến đâu, như thế nào? Vì sao một số khu công nghiệp lại dần mai một đi?

Nhận định toàn bộ văn kiện trong Dự thảo Báo cáo Chính trị về xây dựng Đảng là một sự tổng kết công phu, tiếp thu được kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, các định hướng về xây dựng Đảng được phát triển, đổi mới và mở rộng, xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và về cán bộ, về đạo đức như thế là đầy đủ, toàn diện....Tuy nhiên, theo đồng chí Đào Duy Quát, dự thảo nói định hướng xây dựng thì rất rõ, nhưng còn một số nội dung hạn chế, đó là phương thức lãnh đạo của Đảng, tuy có đổi mới, có hiệu quả trên một số lĩnh vực, nhưng về tổng thể, việc tổ chức lãnh đạo thực hiện các nghị quyết, chiến lược của Đảng, có những lĩnh vực còn nhiều vấn đề phải bàn, phải làm sao để nâng cao thực sự năng lực tổ chức thực hiện Nghị quyết, để Nghị quyết đó thành hiện thực, phát huy hiệu quả.

Dẫn chứng cho nhận định của mình, đồng chí Đào Duy Quát nêu câu chuyện trong lĩnh vực văn hóa. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khi tổng kết 15 năm, mới thể chế hóa được khoảng 15% các chủ trương, định hướng thành luật, thành cơ chế, chính sách để cho Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa thành hiện thực. Hay Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, thể chế hóa cũng rất chậm, rất khó khăn. Nếu không có hệ thống cơ chế chính sách pháp luật thì không thể tạo được các nguồn lực lớn để phát triển lĩnh vực này, mà khi đó chỉ có thể dựa vào ngân sách Nhà nước. Tương tự, việc chống tham nhũng trong nhiệm kỳ nay đã và đang thực hiện rất tốt, tuy nhiên, vẫn còn có những rào cản khiến cho việc thực hiện còn chậm, gây bức xúc trong nhân dân…/.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực