Ngày 17/7, tại Hà Nội, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk tổ chức Hội nghị xin ý kiến các ban, bộ, ngành Trung ương góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu khai mạc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường cho biết, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu giai đoạn chuyển dịch để tỉnh tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, gắn với tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển mọi mặt về kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Vì vậy, việc xây dựng, hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội có ý nghĩa quan trọng để có những định hướng lớn, làm căn cứ, tiền đề phát triển Đắk Lắk trong giai đoạn mới.
|
Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường phát biểu tại Hội nghị |
Thời gian qua, nhằm tập hợp trí tuệ, tranh thủ ý kiến của các cơ quan đơn vị và đảng viên của tỉnh đóng góp vào văn kiện Đại hội, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã gửi văn bản đồng thời tổ chức các hội nghị xin ý kiến vào các dự thảo văn kiện. Là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, diện tích lớn thứ 4 toàn quốc, dân số 1,9 triệu người với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển. Đó là tiềm năng về đất đai, cây công nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo…
"Chúng tôi mong muốn phát huy tiềm năng lợi thế, tháo gỡ các điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về giao thông, cải cách hành chính, hạ tầng thông tin để phát triển. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy nguồn nhân lực, vấn đề liên quan tới quản lý bảo vệ rừng, xây dựng các thiết chế về văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số để thúc đẩy các tiềm năng, lợi thế trong thời gian tới", Bí thư Đắk Lắk nói.
Trình bày tóm tắt dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà cho biết, mục tiêu chung đặt ra đến 2025 là xây dựng tỉnh Đắk Lắk giàu đẹp, văn minh, bản sắc, xứng đáng vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên. Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy dân chủ và tăng cường sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ứng dụng khoa học - công nghệ, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đến năm 2025 đạt mức trung bình của cả nước.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Hà cho biết chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 302 nghìn tỉ đồng, tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6-6,35%/năm. Nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 31,19%; công nghiệp - xây dựng chiếm 15%; dịch vụ chiếm 48,26%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,55%. GRDP bình quân đầu người đạt gần 60 triệu đồng/người/năm.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Về định hướng phát triển, 5 năm tới, Đắk Lắk tập trung vào 3 trụ cột: Đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn nông nghiệp với phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai ứng dụng công nghệ cao trên diện rộng. Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, văn hóa; tập trung du lịch chất lượng cao, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng…gắn với cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng và bản sắc văn hóa các dân tộc. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, năng lượng tái tạo, công nghiệp phần mềm.
4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Đẩy mạnh cải cách hành chính; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hướng trọng tâm đến chấp hành các quy định của Trung ương, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII và Chỉ thị 05, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên…
Góp ý vào dự thảo văn kiện, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho rằng dự thảo cần làm nổi bật những chủ trương, chính sách lớn của Đảng về 3 đột phá chiến lược; những quyết sách lớn của Quốc hội, Chính phủ như: Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020, về tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh; bổ sung, đánh giá rõ hơn thực trạng xây dựng văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nguyên tại đô thị gắn với phát triển du lịch trên địa bàn cũng như chỉ rõ một số vấn đề tồn tại từ các nhiệm kỳ trước và mức độ chuyển biến trong nhiệm kỳ này như vấn đề giải quyết nước cho sản xuất, sinh hoạt, vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân và đồng bào dân tộc thiểu số, vấn đề di dân, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương…
|
Đại biểu dự Hội nghị góp ý vào dự thảo báo cáo chính trị Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII |
Đồng chí Nguyễn Văn Lạng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk tán thành với việc xác định cơ cấu kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm tới, nông nghiệp vẫn chiếm vị trí quan trọng (31,19%) vì Đắk Lắk là vùng nông nghiệp, cây công nghiệp; dịch vụ chiếm 48,26% bởi tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Hà Ban, là đại hội Đảng nên cần có “liều lượng” sâu về công tác xây dựng Đảng. Trong xây dựng Đảng thì đề cập đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức - vì đó là vấn đề mới, đồng thời văn kiện cần có đánh giá xác đáng bởi chưa có nhiệm kỳ nào mà có nhiều nghị quyết về công tác xây dựng Đảng như nhiệm kỳ này.
“Cuối tháng 6 đã đại hội xong cấp cơ sở. Ban Tổ chức Trung ương đã có công văn gửi cho Ban Thường vụ các tỉnh để rút kinh nghiệm. Mới ngày hôm qua khi xem báo cáo chính trị của một số địa phương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương có đề nghị các địa phương cần nâng cao chất lượng văn kiện, phương án nhân sự trình Đại hội”, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương gợi mở./.