“Chất keo” gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ năm, 15/11/2018 10:47
(ĐCSVN) - Những ngày này, tại khắp các khu phố, xóm, ấp… của cả nước đang diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Ngày hội không chỉ là dịp để mỗi người Việt Nam dù bất cứ ở hoàn cảnh nào, nghề nghiệp gì đều nhận thấy mình là con Lạc, cháu Hồng, mà còn là “chất keo” gắn kết, nhân lên sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra tại các địa phương với nhiều hoạt động
phong phú, đa dạng, kết hợp giữa phần lễ và phần hội. (Ảnh: TH)

Từ rất nhiều năm nay, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam (18/11), Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại được tổ chức sôi nổi, rộng khắp ở khu dân cư trên mọi miền Tổ quốc.

Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để cán bộ, nhân dân trong các khu dân cư ôn lại lịch sử, truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, nay là MTTQ Việt Nam; khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay…

Đáng chú ý, qua Ngày hội đã góp phần tuyên truyền cho nhân dân ở khu dân cư những mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đồng thời, đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát động đăng ký xây dựng các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa và đề ra phương hướng, nhiệm vụ để thực hiện các cuộc vận động, các phong trào và thực hiện các quy định tại địa phương.

Cũng tại Ngày hội, các khu dân cư tiến hành biểu dương, khen thưởng những tập thể, gia đình và cá nhân tiêu biểu trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại khu dân cư được thực hiện trong năm qua. Tùy theo điều kiện, một số khu dân cư còn tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” tạo không khí đoàn kết, ấm cúng. Đây là những công việc tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra bầu không khí vui tươi của Ngày hội.

Từ đó, đã tạo thêm động lực để cổ vũ, động viên cho cá nhân và tập thể trong việc thực hiện các phong trào và quy định tại khu dân cư. Đây là hoạt động thiết thực khơi dậy truyền thống yêu nước, nâng cao vai trò của MTTQ Việt Nam trong thời kỳ mới; tăng cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung sức, đồng lòng đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...

Niềm phấn khởi, tin tưởng, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc càng được nhân lên, khi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về dự, chung vui, tặng quà và phát biểu ý kiến với cán bộ, nhân dân các xã, phường, khu dân cư… ở các địa phương trong ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc. Cụ thể, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã về dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk và khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội; Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng về dự Ngày hội với người dân Đồng Ẻn, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã về dự Ngày hội với nhân dân Khu dân cư ấp Phú Ân, xã Phước Mỹ, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tham dự Ngày hội với nhân dân Khu dân cư 9, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ;…

Phát biểu tại những nơi về dự, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam… đều khẳng định việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Đây là dịp để cho các cấp ủy Đảng, chính quyền thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp Mặt trận và các tổ chức đoàn thể phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tập hợp, thu hút hội viên cũng như tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt hơn các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần xây dựng cộng đồng dân cư ngày càng đoàn kết, vững mạnh, đồng thời chia sẻ với các hộ gia đình còn khó khăn…Thông qua đó, nhiều nét đẹp trong văn hóa, đạo đức, truyền thống tốt đẹp được khơi dậy và giữ gìn, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được thực hiện tốt hơn…

Ngày hội còn là cầu nối để lãnh đạo Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp trực tiếp gặp gỡ lắng nghe, đối thoại, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân; để mọi người hướng về người nghèo, chung tay ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo”, thăm hỏi, động viên, tặng quà, trao nhà đại đoàn kết tặng người nghèo, gia đình có công với cách mạng…tạo động lực giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả nêu trên thì chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở một số nơi, việc tổ chức Ngày hội còn được triển khai hình thức, chủ yếu là phần phát biểu, báo cáo và tuyên dương, khen thưởng mà chưa thật sự tạo được không khí vui tươi, lan tỏa cho người dân. Ngoài phần lễ đơn điệu với các nghi thức như quy định, nhân dân ít tham gia đóng góp ý kiến; phần hội cũng chỉ sơ sài với vài tiết mục văn nghệ đơn giản, chưa tạo được không khí phấn khởi trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, một số hoạt động quan trọng hướng tới Ngày hội được nhân dân quan tâm, mong muốn nhưng chưa được tổ chức hoặc tổ chức nhưng chưa thấu đáo, mang tính hình thức, hiệu quả thấp. Đáng chú ý là việc tổ chức các diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân, đối thoại giữa nhân dân với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc…

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: Đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước là góp phần quan trọng tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc… 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
tại khu dân cư số 6, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội. (Ảnh: TH)

Do đó, để củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết trong nhân dân, yếu tố quan trọng là phải tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, lấy người dân làm trung tâm; là "cầu nối" giữa Đảng với dân, bảo đảm “ý Đảng” luôn hợp với “lòng dân”.

Muốn thế việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng cần được dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội; phát huy dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cùng với phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội trong sạch, vững mạnh… cần nâng cao hiệu quả thực chất hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội, tăng cường tạo sự đồng thuận xã hội.

Trong đó, đáng chú ý là việc huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong thực hiện thành công các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tiêu biểu như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, hoạt động vì người nghèo và công tác cứu trợ, cứu nạn...

Có như vậy, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được nhân lên và phát huy trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

Thu Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực