|
Theo đồng chí Lê Thị Thu Hồng, với sự chuẩn bị công phu, bài bản và chặt chẽ, ngay bây giờ, chúng ta đã có cơ sở để tin vào thành công của Đại hội. |
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, Thủ đô Hà Nội và cả nước trong những ngày này đang tưng bừng chào đón sự kiện chính trị đặc biệt-Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, là đại biểu chính thức dự Đại hội, đồng chí có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình trong lúc này và đôi nét về Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang tham gia Đại hội?
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là sự kiện có ý nghĩa trọng đại của đất nước, là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Tự hào với những thành công, kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nói chung và cá nhân tôi – một đại biểu chính thức của Đại hội nói riêng đang hướng về Đại hội XIII với khí thế vui tươi, phấn khởi và niềm tin tưởng, sự kỳ vọng lớn lao về những định hướng, quyết sách đúng đắn, vượt qua những khó khăn, thách thức, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới.
Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang gồm 22 đồng chí đại diện cho gần 9 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ dự Đại hội. Trong đó, hai đồng chí là đại biểu đương nhiên và 20 đồng chí được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020- 2025 tín nhiệm bầu. Đoàn gồm 4 đại biểu nữ, 1 đại biểu dân tộc thiểu số, 1 đại biểu dưới 40 tuổi; 21 đồng chí có trình độ thạc sỹ trở lên.
PV: Góp phần vào thành công chung trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đem đến Đại hội những thành tựu gì nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, tác động do suy giảm kinh tế toàn cầu và đại dịch COVID-19, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương, sự phối hợp của các tỉnh, thành phố trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã phát huy những kết quả, thành tựu đạt được của nhiều nhiệm kỳ trước, cùng đoàn kết chung sức, một lòng nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá; 15/15 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm bình quân trên địa bàn đạt 14% năm, thuộc nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước, năm 2020 đạt 13,02% đứng đầu toàn quốc. Quy mô tổng sản phẩm năm 2020 ước đạt gần 123.000 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương có sức hấp dẫn nhất về thu hút đầu tư; tổng số dự án thu hút đầu tư còn hiệu lực tăng 1.756 dự án, gấp 2,1 lần so với năm 2015; thu ngân sách năm 2020 đạt gần 12.400 tỷ đồng, vượt dự toán, tăng gấp hơn 2 lần so với mục tiêu Đại hội đã đề ra.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút được trên 5,8 tỷ USD, gấp 3,5 lần cả giai đoạn 2011-2015 (riêng vốn FDI đạt 3,8 tỷ USD, gấp 4,3 lần); phát triển doanh nghiệp là điểm sáng của cả nước, bình quân mỗi năm thành lập mới trên 1.200 doanh nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có gần 11.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có 447 doanh nghiệp FDI.
Xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh mẽ, đứng đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 69% tổng số xã trong toàn tỉnh, có 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới là Việt Yên, Lạng Giang và Tân Yên. Hiệu quả mang lại từ phong trào xây dựng nông thôn mới tác động tích cực đến đời sống của nhân dân và diện mạo của vùng nông thôn.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, “về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”, được thực hiện nghiêm túc. Hoạt động của mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thiết thực, hiệu quả. Phương thức, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng có nhiều đổi mới theo hướng sâu sát, có trọng tâm, trọng điểm. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ, vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị được đề cao.
Những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang nêu trên đã góp phần không nhỏ vào những kết quả, thành công chung trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
PV: Đại hội lần này cũng là dịp để đánh giá những thành tựu của Đảng ta, đất nước ta sau 35 năm Đổi mới, xin đồng chí cho biết những chuyển biến tích cực, đáng kể trên quê hương Bắc Giang sau 35 năm Đổi mới?
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng: Có thể nói, sau 35 đổi mới, Bắc Giang (trước là Hà Bắc, gồm cả Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay) đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực. Từ một tỉnh nghèo, thuần nông nay đã vươn mình là một tỉnh phát triển toàn diện và năng động với nhiều chỉ tiêu kinh tế tăng trưởng dẫn đầu khu vực Trung du, miền núi phía Bắc và cả nước, tạo lập được các yếu tố cơ bản, đồng bộ để tỉnh tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, vững chắc trong những năm tới.
Diện mạo, hạ tầng giao thông, đô thị, nông thôn khởi sắc. Sản xuất nông sản xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao. Khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, ngành nghề nông thôn cũng thu nhiều kết quả.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang còn gặp nhiều thách thức nhưng với sự cố gắng nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục khởi sắc và đạt kết quả khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) những năm qua luôn nằm trong nhóm các địa phương tăng trưởng cao nhất của cả nước; quy mô nền kinh tế được mở rộng, đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 2.900 USD, lần đầu tiên vượt bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực: công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7%; dịch vụ chiếm 24,7%; nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,6%. Các ngành, lĩnh vực kinh tế từng bước được cơ cấu lại theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu được tập trung đầu tư, nâng cấp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, là một đại biểu nữ tham dự Đại hội, đồng chí gửi gắm niềm tin và kỳ vọng gì tại Đại hội lần này, nhất là trong công tác cán bộ nữ?
Đồng chí Lê Thị Thu Hồng: Đại hội XIII là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và dân tộc, được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, theo dõi, mong chờ và đặt nhiều kỳ vọng. Ngày mai, Đại hội chính thức khai mạc. Với sự chuẩn bị công phu, bài bản và chặt chẽ, ngay bây giờ, chúng ta đã có cơ sở để tin vào thành công của Đại hội.
Tôi mong muốn, tin tưởng và có niềm tin sâu sắc Đại hội sẽ đề ra được nhiều định hướng, quyết sách đúng đắn, tạo đột phá cho sự phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ tới, đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh, bền vững, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đó là công tác nhân sự của Đại hội, tôi tin tưởng Đại hội sẽ sáng suốt lựa chọn, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đủ số lượng, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nhất là cơ cấu cán bộ nữ và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu về phẩm chất và năng lực, có uy tín, trách nhiệm cao, tiêu biểu cho trí tuệ của Đảng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn dân, đủ sức lãnh đạo thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong đợi./.