Chuyển biến trong luân chuyển cán bộ tại Quảng Nam

Thứ hai, 06/11/2023 10:17
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Trên cơ sở những quy định của Đảng và thực tiễn của địa phương, thời gian qua bên cạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đến nay tại Quảng Nam việc luân chuyển cán bộ luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngày càng hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.
 Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam nói chuyện, động viên các cán bộ luân chuyển về công tác tuyến huyện.

Số liệu thống kê của Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam cho thấy, từ năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ địa phương này đã quyết định luân chuyển 20 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh về cấp huyện; có 03 lượt cán bộ cấp huyện luân chuyển lên cấp tỉnh.

Trong khi đó, cán bộ cấp huyện luân chuyển về xã, phường, thị trấn là 150 lượt; từ xã, phường, thị trấn về huyện là 11 lượt; giữa các xã, phường thì trấn với nhau là 17 lượt.

Về các chức danh bố trí khi luân chuyển, trong 20 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh về cấp huyện có 02 lượt giữ chức danh Bí thư cấp uỷ cấp huyện; 06 lượt giữ chức Phó Bí thư Thường trực cấp uỷ cấp huyện; 04 lượt giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; 05 lượt giữa chức Phó Chủ tịch UBND huyện; có 03 lượt cán bộ cấp huyện luân chuyển lên cấp tỉnh giữa chức danh Phó Giám đốc sở và tương đương.

Với số lượng cán bộ cấp huyện luân chuyển về cấp xã bố trí giữ chức vụ Bí thư cấp uỷ cấp xã có 69 lượt; Phó Bí thư Thường trực cấp uỷ cấp xã là 13 lượt; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã là 48 lượt; Phó Chủ tịch UBND xã là 20 lượt.

Cán bộ luân chuyển từ cấp xã lên cấp huyện giữ chức vụ trưởng phòng, ban và tương đương 02 lượt; phó phòng, ban và tương đương có 09 lượt.

Số cán bộ, công chức giữa các xã, phường, thị trấn luân chuyển với nhau giữ chức danh Bí thư cấp uỷ xã, phường, thị trấn là 10 lượt; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn là 07 lượt.

Theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam, nhiều cán bộ luân chuyển đã trưởng thành, vững vàng hơn về phẩm chất chính trị, chuyên môn, tích luỹ kinh nghiệm thực tiễn, nâng cao nhận thức và có phương pháp lãnh đạo toàn diện, được giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn. Trong đó, đối với cấp tỉnh có 11 đồng chí được giữa chức vụ cao hơn, có 04 đồng chí trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, 01 đồng chí trúng cử vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong khi đó, đối với cấp huyện có 56 lượt cán bộ bố trí giữ chức vụ cao hơn.

Cạnh đó, kết quả luân chuyển cán bộ đã góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp huyện không là người địa phương. Cụ thể, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 08/18 huyện, thị xã, thành phố đã bố trí Bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương gồm: Thành uỷ Tam Kỳ, các Huyện uỷ: Đại Lộc, Nông Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang.

Thông tin thêm các kết quả mà công tác luân chuyển cán bộ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian qua đã đạt được, đồng chí Lê Duy Hiệp (Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam) cho rằng: Công tác này đã góp phần tạo nên bước đột phá về công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác và bồi dưỡng, rèn luyện, chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chức danh; kịp thời tăng cường  cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho các địa phương và các cơ quan, ban, ngành ổn định tổ chức, đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị; tạo điều kiện cho cán bộ, nhất là cán bộ trẻ được rèn luyện, thử thách trong thực tiễn để bản lĩnh chính trị ngày càng vững vàng hơn, phấn khởi, tự tin, an tâm công tác, nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tiếp cận nhanh với môi trường công tác mới, đổi mới phương thức lãnh đạo, phát huy tinh thần trách nhiệm, được cấp uỷ và Nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng kể đó, công tác luân chuyển cán bộ ở tỉnh Quảng Nam thời gian qua vẫn bộ lộ một số hạn chế nhất định, cần tiếp tục được quan tâm chỉ đạo tháo gỡ để tiếp tục thực hiện tốt hơn. Trong đó, theo đại diện Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam thì hạn chế cụ thể nhất là vẫn còn một số cấp uỷ và bản thân cán bộ chưa nhận thức đúng về mục đích, yêu cầu của công tác luân chuyển cán bộ; luân chuyển cán bộ giữa cấp huyện và cấp tỉnh chưa đồng đều, cân đối, hài hoà, chủ yếu luân chuyển cán bộ ở cấp tỉnh về cấp huyện và cấp huyện về cấp xã; số lượng cán bộ luân chuyển giữa khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội với khối Nhà nước các cấp còn ít; cơ chế, chính sách đối với cán bộ được luân chuyển thực hiện chưa kịp thời, nhất là đối với cán bộ luân chuyển đến những địa bàn khó khăn, miền núi cao…

 Thường trực Tỉnh uỷ Quảng Nam tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ luân về cơ sở đầu năm 2023.

Để công tác luân chuyển cán bộ tại Quảng Nam trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn, theo Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Quảng Nam, đến nay Ban Thường vụ Tỉnh uỷ địa phương đã đưa ra một số giải pháp cơ bản tập trung chỉ đạo, triển khai như: Tiếp tục nâng cao nhận thức cho cấp uỷ đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về ý nghĩa, tầm quan trọng của Quy định 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị và Quy định 602-QĐ/TU ngày 16/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam về luân chuyển cán bộ. Tăng cường hơn nữa trách nhiệm, sự phối hợp của cấp uỷ và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác luân chuyển cán bộ.

Quá trình luân chuyển cán bộ phải kết hợp với bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, thường xuyên, liên tục có luân chuyển dọc, luân chuyển ngang, giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; bố trí cân đối, hài hoà giữa luân chuyển cán bộ với việc phát triển nguồn cán bộ tại chỗ, giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định, tránh xáo trộn lớn làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị; luân chuyển phải vừa coi trọng việc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Trong quá trình luân chuyển cán bộ cần phải gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các khâu của công tác cán bộ; gắn với thực hiện chủ trương bố trí chức danh bí thư cấp uỷ không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp.

Cạnh đó, việc lựa chọn địa bàn luân chuyển phải là những địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, có khó khăn và bố trí cán bộ luân chuyển giữ vị trí người đứng đầu cấp uỷ địa phương để đào tạo, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn.

Thực hiện tốt việc quản lý, giám sát, đánh giá, nhận xét cán bộ luân chuyển và xây dựng chính sách, chế độ phù hợp nhằm tạo điều kiện, môi trường cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Các cấp uỷ hằng năm cần tổ chức gặp mặt cán bộ luân chuyển để lắng nghe tâm tư, khó khăn, đề xuất, từ đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời; đồng thời biểu dương, khen thưởng, động viên cán bộ luân chuyển có thành tích, sản phẩm công tác nổi trội và nghiêm khắc phê bình, kiểm điểm những cán bộ thiếu tích cực, có tư tưởng thụ động, ỷ lại, có biểu hiện tiêu cực.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, chú trọng sơ tổng kết để rút kinh nghiệm gắn với biểu dương, khen thưởng cán cá nhân, tập thể điển hình; đồng thời phê bình, chấn chỉnh những cá nhân, tổ chức, địa phương, đơn vị thực hiện chưa tốt chủ trương này./.

Bài, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực