Cô Tô – Viên ngọc giữa biển trời Đông Bắc

Thứ bảy, 23/03/2024 11:07
(ĐCSVN) - Từ một huyện đảo khó khăn nhất nước, đến nay Cô Tô (Quảng Ninh) đã có sự thay đổi ngoạn mục với bóng dáng của một đô thị biển hiện đại. Hành trình 30 năm xây dựng, đổi mới và phát triển, Cô Tô đã “vượt sóng” bước đi vững chắc trên vùng biển, đảo Đông Bắc đầy gió, sóng. Cô Tô đã trưởng thành và hiên ngang tỏa sáng như viên ngọc giữa biển trời Đông Bắc.
Những cán bộ đầu tiên ra Cô Tô tham gia xây dựng huyện đảo vào những ngày đầu thành lập huyện Cô Tô (1994) - Ảnh:Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô.

Khao khát đưa Cô Tô trỗi dậy

Cô Tô là huyện đảo tiền tiêu, biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh; có đường biên giới biển gần 200km, trải dài từ thành phố Móng Cái đến tiếp giáp với huyện đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng; sở hữu vùng biển, ngư trường rộng khoảng 300km2. Trong suốt chiều dài lịch sử, với vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng, Cô Tô đã trở thành “phên giậu” của Tổ quốc, đóng vai trò chiến lược quan trọng trong thế trận phòng thủ, là tiền đồn, là cứ địa bảo vệ cửa ngõ phía Bắc.

Cô Tô có tên cổ là Chàng Sơn (Núi Chàng), từ xa xưa nơi đây là điểm trú ngụ của thuyền bè và ngư dân vùng biển Đông Bắc, song chưa thành nơi định cư vì luôn bị những toán cướp biển quấy phá. Năm 1832, Tổng đốc Hải An là Nguyễn Công Trứ đã xin triều đình cho thành lập làng, xã và cắt cử người cai quản, canh phòng giặc từ hướng biển. Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc (1954), Đảng và Nhà nước ta chủ trương thành lập đơn vị hành chính cấp huyện trên đảo Cô Tô.

Ngày 09/5/1961, quân và dân đảo Cô Tô vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Cô Tô là nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng khi Người còn sống. Sự kiện Bác Hồ ra thăm đảo và tượng đài của Người hiện diện trên vùng biển đảo Cô Tô thể hiện tầm nhìn xa rộng, tư duy chiến lược, sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, vị thế của biển, đảo trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Tượng đài của Người là hồn thiêng sông núi, dấu mốc lịch sử, khẳng định chủ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông.

Huyện Cô Tô là một huyện đảo xa bờ trong số 12 huyện đảo của cả nước và nằm ở phía Đông Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh được thành lập ngày 23/3/1994.

Quay trở lại thời gian cách đây 30 năm, Cô Tô khi đó còn rất nghèo và hoang sơ, với dân số vỏn vẹn khoảng 2.000 người, nhà cửa lụp xụp thưa thớt, cả huyện không có một ngôi nhà tầng. Đặc biệt khi màn đêm đổ xuống, Cô Tô như một ốc đảo chỉ le lói ánh đèn, tiếng sóng vỗ bờ dồn dập và tiếng gió rít mạnh từng cơn, mang đến nỗi buồn, cảm giác lo âu, làm nản lòng bất cứ ai ở xa ra đảo.

30 năm trước, hầu hết người dân đến với Cô Tô từ nhiều tỉnh thành trên cả nước như Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An... vào những năm 1979, 1991 theo chính sách xây dựng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước. Họ đều là những người lam lũ, vất vả, đời sống ở quê nhà khó khăn lên đường với khát vọng sống, cống hiến và sẵn sàng khai phá mảnh đất mới. Thời điểm đó, thời tiết Cô Tô vô cùng khắc nghiệt “ruồi vàng, bọ chó, gió Cô Tô” cùng điều kiện khó khăn, không điện, không đường, thiếu nước ngọt, thiếu trường học, thiếu trạm y tế, giao thông cách trở. Với xuất phát điểm thiếu thốn như vậy, nỗi trăn trở làm thế nào để Cô Tô có thể trở mình và vươn lên luôn canh cánh trong lòng của các thế hệ lãnh đạo Cô Tô.

Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và hình ảnh về đảo Cô Tô năm 1994 - Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô.

Theo hồi tưởng của thế hệ trước, ngày 19/7/1994, những cán bộ huyện đầu tiên gồm 17 đồng chí được tỉnh Quảng Ninh điều động ra đảo Cô Tô công tác trên một con tàu gỗ, sau hơn 5 giờ lênh đênh di chuyển từ đất liền. Việc đi lại giữa đảo và đất liền gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi thời tiết xấu. Mỗi tuần chỉ có 2 chuyến tàu gỗ ra và về, tàu chở khách kèm theo hàng hóa, lương thực, thực phẩm, thư báo, có nhiều hôm chở thêm cả gia súc, gia cầm sống. Những lúc sóng to nước tràn cả vào khoang tàu, mọi người đều ướt hết, hàng hóa, thư báo cũng dính đầy nước mặn. Khi đó huyện Cô Tô còn chưa có cảng cập tàu, các chuyến tàu ra đảo đều đỗ ở bãi biển trước Tượng đài Bác. Tàu ra đến nơi là cả bộ đội và nhân dân cùng xắn quần lội ra biển để nhanh chóng bốc dỡ hàng hóa lên bờ cho an toàn, bãi biển và đường mòn toàn cát nóng, làm chân ai cũng bỏng rộp.

Và rồi, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị; bằng nghị lực của những con người khao khát có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn; với tinh thần đoàn kết, năng động, vượt khó của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân huyện đảo, cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, huyện Cô Tô đổi thay nhanh chóng, các dự án, công trình phát triển kinh tế được đầu tư đã phát huy hiệu quả đưa Cô Tô trỗi dậy.

Tháng 4 năm 1997, huyện khởi công cầu cảng Cô Tô và hoàn thành gần 3 năm sau đó. Các bến cảng Thanh Lân, bến cập tàu Bưu điện cũ cũng đã được triển khai sớm, các tuyến đường xuyên đảo, liên thôn, liên xóm cũng đã được đầu tư mở rộng và đổ bê tông. Vận động nhân dân tự nguyện hiến, trả đất mở rộng các tuyến đường ngõ xóm để xóa dần những con ngõ tối tăm, chật hẹp, lầy lội.

Trong chặng đường xây dựng, đổi mới và phát triển Cô Tô, năm 2012, ghi dấu ấn của nhiệm kỳ đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IV (2010 - 2015). Cấp ủy, chính quyền huyện Cô Tô đã bàn bạc, mạnh dạn đề xuất báo cáo và được tỉnh Quảng Ninh quan tâm ủng hộ: phải đưa bằng được điện lưới từ đất liền ra huyện đảo để tháo gỡ nút thắt về điện. Sau 350 ngày thi công, ngày 16/10/2013, dự án kéo điện lưới bằng cáp ngầm ra huyện đảo xa bờ đầu tiên trong cả nước với kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng, trong đó có sự chung sức đóng góp nguồn xã hội hóa từ hầu hết các hộ dân, cán bộ, cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh đã chính thức đóng điện trong niềm vui vỡ òa của người dân Cô Tô và cả tỉnh Quảng Ninh.

Trở thành một phần “vùng động lực” không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh

Sự kiện đóng điện lưới quốc gia ra đảo Cô Tô (16/10/2013), đảo Thanh Lân (31/12/2013), Đảo Trần (02/9/2020); cùng việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình lưỡng dụng như: các hồ chứa nước ngọt trên các đảo, hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục; các phương tiện đường thủy được đầu tư, nâng cấp, rút ngắn khoảng cách di chuyển từ đất liền ra đảo, từ một đảo cách xa đất liền, đến nay, Cô Tô đã có trên 30 con tàu cao tốc các loại kết nối các bến cảng Ao Tiên, Cái Rồng (Vân Đồn), Tuần Châu (Hạ Long), Vũng Đục (Cẩm Phả) đến Cô Tô. Tháng 7/2023, tuyến bay thương mại bằng thủy phi cơ kết nối từ đảo Tuần Châu, thành phố Hạ Long ra Cô Tô đã chính thức khai thác chở khách du lịch với thời gian chưa đến 20 phút bay, đã tạo tiền đề để Cô Tô trở thành một phần “vùng động lực” theo định hướng tổ chức không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với việc đưa nguồn điện lưới quốc gia đến với đảo, việc đầu tư xây dựng đồng bộ các công trình lưỡng dụng, đặc biệt là các hồ chứa nước ngọt trên các đảo đã làm thay đổi toàn diện Cô Tô… Nhờ đó, đến nay, kinh tế - xã hội của huyện có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Cô Tô là huyện đảo nông thôn mới đầu tiên trong cả nước (năm 2015) và cơ bản đạt huyện Nông thôn mới nâng cao theo bộ tiêu chí mới năm 2022. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ước đạt trên 5.300 USD (130 triệu đồng/người). Du lịch, dịch vụ có sự phát triển vượt bậc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm gần 70% cơ cấu kinh tế; những năm gần đây, Cô Tô luôn đón trên 300.000 khách mỗi năm.

Toàn cảnh Cô Tô hôm nay - Ảnh: Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô.

Cuộc sống của người dân đảo ngày một tốt hơn, Cô Tô đã có trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, thị trấn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Có 100% các trường học (10/10 trường) từ mầm non đến trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 2 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 2. Hạ tầng công nghệ thông tin tương đương với đất liền; tất cả các đảo và vùng biển được phủ sóng di động 3G, 4G, 5G. Văn hóa truyền thống biển đảo luôn được giữ gìn, kiến tạo và phát huy tốt đẹp. An ninh chính trị ổn định, chủ quyền, quyền chủ quyền biên giới quốc gia được bảo đảm. Cô Tô tiếp tục giữ vững hình ảnh địa phương 5 không “không còn hộ nghèo, không người ăn xin, không ma túy, không trộm cắp, không tệ nạn xã hội” và phấn đấu hướng tới mục tiêu Cô Tô không tội phạm, không rác thải nhựa”.

Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Các sự kiện văn hóa được tổ chức thường niên như Hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan tiếng hát khu dân cư, khai mạc năm du lịch, trại sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật... trở thành những món ăn tinh thần không thể thiếu của cư dân trên đảo.

Đặc trưng riêng có của Cô Tô là sự giao thoa giữa những nét đẹp văn hóa của đồng bằng và bản sắc riêng của văn hóa biển đảo. Đó là những giá trị văn hóa được "chưng cất" từ các vùng quê Thanh Nghệ Tĩnh đến đồng bằng Bắc Bộ; từ những điệu hò, làn quan họ cho đến những câu hát chèo, hát giao duyên; từ “vị mặn” của nghề mắm truyền thống đến tục thờ cá Ông của ngư dân. Đặc biệt, ngày 24/2/2024, với mong muốn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người miền biển, cầu mong cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, Cô Tô đã tổ chức Lễ hội mở cửa biển lần thứ Nhất, sự kiện này đã đáp ứng được mong cầu của Nhân dân bao đời trên đảo và thu hút được sự quan tâm, tham gia của đông đảo nhân dân và du khách.

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, huyện luôn bám sát các chủ trương của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh Quảng Ninh để chủ động, sáng tạo, có quyết sách phù hợp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Huyện đã luôn tập trung củng cố, phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ huyện vững mạnh. Hoàn thành tốt nhiệm vụ là vành đai, lá chắn, là tiền đồn bảo vệ tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ vững chủ quyền biên giới, biển đảo. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phòng chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt; hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội có nhiểu đổi mới, sức mạnh khối đại đoàn kết được phát huy; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

Từng bước xây dựng Cô Tô thành huyện đảo du lịch sinh thái, thông minh, hiện đại

Có thể khẳng định 30 năm qua, huyện Cô Tô đã có sự thay đổi ngoạn mục với những kết quả nổi bật về kinh tế - văn hóa – xã hội – đảm bảo về quốc phòng, an ninh. Những thành tựu đó không chỉ có ý nghĩa riêng với huyện đảo mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ninh, và khát vọng hùng cường của đất nước.

Đoàn đại biểu huyện đảo Cô Tô báo công dâng Bác, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập huyện Cô Tô (23/3/1994 - 23/3/2024) - Ảnh: Trung tâmTruyền thông và Văn hóa huyện Cô Tô.

Với sự quyết tâm, nỗ lực cố gắng không ngừng, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Cô Tô vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 02 lần được Chính phủ tặng Cờ thi đua, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen và nhiều danh hiệu khen thưởng khác. Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) cho huyện Cô Tô.

Ở nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng Cô Tô luôn Bác được che chở bằng hơi ấm dưới Tượng đài thiêng liêng; được nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước các thời kỳ đến thăm, động viên, căn dặn. Đó là nguồn cổ cũ, khích lệ to lớn để Nhân dân, cán bộ, chiến sỹ trên đảo tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa những năm tiếp theo.

Vui mừng và tự hào với những kết quả, những công lao, tâm huyết, trí tuệ để có được một Cô Tô vững chãi, kiêng cường và tươi đẹp như hôm nay. Trong chặng đường mới, bằng quyết tâm của cả hệ thống chính trị; bằng nghị lực phi thường và tinh thần đoàn kết của những con người khao khát có một cuộc sống mới tốt đẹp hơn nơi biển đảo; cùng với sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân huyện đảo Cô Tô quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, xây dựng và phát triển Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước xây dựng Cô Tô thành huyện đảo du lịch sinh thái, thông minh, hiện đại.

Hành trình 30 năm không phải quá dài, nhưng là một hành trình nhiều gian nan, vất vả và rất đỗi vẻ vang của các thế hệ cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo, chúng ta có thể tự hào về công sức đắp xây, cống hiến; tự hào về một huyện đảo kiên cường, vững chắc giữa biển Đông. Ngày 23/3/2024 là một ngày không thể nào quên của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, đó là sự kiện Huyện đảo tròn 30 năm xây dựng và phát triển. 30 năm đó huyện Cô Tô đã có những bước đi vững chắc trên vùng biển, đảo Đông Bắc đầy gió, sóng và đã trưởng thành hơn cả mong đợi./.

NGUYỄN VIỆT DŨNG
(Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực