|
Trải qua 95 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã có những đóng góp to lớn vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. |
Điều 10, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nêu rõ: Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến định, thời gian qua, các cấp Công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến đoàn viên và người lao động (ĐV&NLĐ) và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng pháp luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của ĐV&NLĐ như quyền lựa chọn việc làm, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, tiền lương, vấn đề nhà ở, điều kiện làm việc của ĐV&NLĐ, các chính sách hỗ trợ ĐV&NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19... Trong đó, tổ chức Công đoàn ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và hiệu quả trong các hội đồng, ủy ban, ban chỉ đạo, các cơ chế dân cử để bảo vệ quyền lợi của ĐV&NLĐ.
Trong 5 năm qua (2018 - 2023), Công đoàn đã đề xuất nâng mức lương tối thiểu tăng 25,34%, góp phần cải thiện đời sống ĐV&NLĐ, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu.
Hoạt động thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể trong các doanh nghiệp, đơn vị, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được chú trọng, có nhiều đổi mới, đạt kết quả quan trọng với 15.832 bản thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được ký mới, nâng tổng số thỏa ước lao động tập thể đã ký kết lên 42.550 bản, đạt tỉ lệ 72,12% tổng số doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở (tăng 6,47% so với đầu nhiệm kỳ), trong đó thỏa ước đạt loại B trở lên đạt tỉ lệ 48,2%, tăng 19,6% so với đầu nhiệm kỳ.
Các mô hình chăm lo cho ĐV&NLĐ tiếp tục được phát triển, hoàn thiện, mang đậm dấu ấn của tổ chức Công đoàn như “Tết Sum vầy”, “Tháng Công nhân” lan tỏa mạnh mẽ, thấm sâu đến cơ sở. Riêng “Tết Sum vầy” trong, sau 10 năm triển khai, đã có 168.243 chương trình được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút trên trên 29 triệu lượt ĐV&NLĐ tham gia. Tương tự, chương trình “Mái ấm Công đoàn” giúp gần 14.000 ĐV&NLĐ được xây dựng, sửa chữa nhà ở với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng...
|
Sau 10 năm triển khai, đã có 168.243 chương trình “Tết Sum vầy” được tổ chức ở các cấp công đoàn, thu hút trên trên 29 triệu lượt ĐV, NLĐ tham gia. |
Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (tháng 12/2023), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: "Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, tuyệt đối trung thành với Đảng và giai cấp, có những đóng góp xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại của cách mạng, góp phần quan trọng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Trong giai đoạn đất nước đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng hiện nay, vai trò, vị thế của tổ chức Công đoàn càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ hơn bao giờ hết".
Nhắc lại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định mục tiêu phát triển đất nước: Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam): Trở thành nước phát triển, thu nhập cao, Tổng Bí thư cho rằng, để thực hiện được mục tiêu cao cả đó, hơn lúc nào hết, công nhân, lao động và tổ chức công đoàn nước ta cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về vị trí, vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, chung tay xây dựng Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh toàn diện, xứng đáng là tổ chức đại diện lớn nhất, trung tâm tập hợp, đoàn kết giai cấp công nhân và người lao động cả nước; là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước.
"Công đoàn phải giúp cho mỗi đoàn viên, người lao động nhận thức sâu sắc hơn về Đảng, về chế độ, về giai cấp, về tổ chức công đoàn, trách nhiệm công dân, không ngừng nỗ lực trong học tập, lao động, công tác, tích cực tham gia các phong trào thi đua,... để đóng góp cho sự phát triển của từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đất nước; từ đó nâng cao thu nhập, đời sống của mình và gia đình", Tổng Bí thư nói.
|
Đội ngũ cán bộ Công đoàn Việt Nam. |
Phát biểu tại lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ IV; biểu dương Chủ tịch công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất diễn ra vào đúng ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu rõ, tiếp nối truyền thống của các thế hệ tiền bối đi trước, thế hệ cán bộ công đoàn hôm nay đang không ngừng trăn trở, tìm tòi, chủ động đổi mới, cống hiến hết sức mình cho mục tiêu thiêng liêng, cao cả là đảm bảo việc làm, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của đoàn viên, người lao động.
Thời gian tới, các cấp công đoàn cần không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đầu tư nguồn lực cho nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động; cải cách mạnh mẽ, giảm thủ tục hành chính, giấy tờ, hội họp trong hoạt động công đoàn.
Cùng với đó, lắng nghe cơ sở, các chương trình, kế hoạch hoạt động, các quy định quản lý hệ thống phải xuất phát từ cơ sở, cùng phân cấp, phân quyền hướng mạnh về cơ sở.
Chặng đường phía trước của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn sẽ đối mặt với không ít những khó khăn. Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn, với tinh thần đoàn kết, đồng lòng của toàn hệ thống, sự cố gắng, bản lĩnh, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động cả nước, chúng ta tin tưởng rằng tổ chức Công đoàn Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển, đạt được những thành tựu mới, to lớn hơn, là tổ chức đi tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng với trọng trách, niềm tin mà Đảng giao phó, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024) là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng nhân dân cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Trải qua 13 kỳ đại hội, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tính đến tháng 12/2023 cả nước đã có hơn 11.224.830 đoàn viên và 124.325 CĐCS; trong đó, doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có trên 7.433.980 đoàn viên (đạt tỉ lệ 66,23%) và 52.181 CĐCS (đạt tỉ lệ 41,97%).
|