|
Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH khóa XV đã và đang diễn ra tại các địa phương. (Ảnh: N K) |
Để chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ 3, tiếp sau Hội nghị hiệp thương lần thứ 2, Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và cử tri nơi công tác đối với người tự ứng cử ĐBQH được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 21/3 đến ngày 13/4.
Tạo sự thống nhất cao
Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, với tinh thần trách nhiệm cao, sự chuẩn bị chu đáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, các hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử ĐBQH khoá XV ở cả Trung ương và địa phương và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra dân chủ, đúng pháp luật, đúng thời gian theo quy định; thể hiện sự thống nhất cao của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc thảo luận, lựa chọn, thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND.
Việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai bầu cử ĐBQH và HĐND diễn ra trong thời gian rất ngắn, từ ngày 13/3 đến ngày 19/3/2021 nhưng với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, MTTQ các cấp đã tổ chức đúng theo quy định của pháp luật.
Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, tổng số người ứng cử ĐBQH là 1.084 người, trong đó có 205 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương giới thiệu, 803 người do các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương giới thiệu, 76 người tự ứng cử, đạt bình quân 2,17 lần so với tổng số ĐBQH được bầu.
Cơ cấu kết hợp chung của cả nước bao gồm: Người ứng cử là phụ nữ có 481 người, tỉ lệ 44,33%; Người ứng cử là người dân tộc thiểu số có 242 người, tỉ lệ 22,3%; Người ứng cử là người ngoài Đảng có 145 người, tỉ lệ 13,36%; Người ứng cử là ĐBQH khóa XIV tái cử có 208 người, tỉ lệ 19,26% (nếu so với 500 đại biểu được bầu thì tỉ lệ tái cử lần này là 41,6%); Người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) có 305 người, tỉ lệ 28,11%.
Cũng theo báo cáo của Ủy ban MTTQ Việt Nam của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả tổng hợp về danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh là 7.161 người, đạt tỷ lệ 1,93 lần (bằng tỷ lệ nhiệm kỳ 2016-2021). Trong đó có 45 người tự ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ở 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉ lệ 1,2%.
Nhiều tỉnh có tỉ lệ người ứng cử trên số đại biểu được bầu cao như: Quảng Ninh 2,5 lần; Cà Mau 2,31 lần; Hải Dương 2,34 lần, Kiên Giang, 2,32 lần. Bên cạnh đó, một số địa phương có tỉ lệ thấp như các tỉnh Khánh Hòa 1,64 lần; Lai Châu 1,68 lần; Kon Tum 1,67 lần; Đồng Nai 1,68 lần; Hải Phòng 1,69; Bình Phước 1,65 lần; Bình Dương, Bình Thuận 1,66 lần; An Giang 1,66 lần.
Từ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, thành phố đã và đang tổ chức hội nghị hướng dẫn việc lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH cư trú trên địa bàn (cả những người ứng cử do Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh hiệp thương và những người ứng cử do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hiệp thương). Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cư trú trên địa bàn.
Phải đảm bảo số lượng cử tri dự hội nghị
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định: Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú để nhận xét và tín nhiệm đối với người được giới thiệu ứng cử được thực hiện theo quy định tại các điều 21, 22 của Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT/UBTVQH 14 - CP -ĐCTUBTWMTTQVN ngày 15/01/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; được thực hiện trong thời gian từ ngày 21/3/2021 đến ngày 13/4/2021.
Thông qua hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp có cơ sở đánh giá toàn diện, khách quan những người ứng cử để hiệp thương lập danh sách người đủ tiêu chuẩn, tiêu biểu, xứng đáng với tín nhiệm của cử tri tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Chính vì vậy, việc tổ chức hội nghị phải bảo đảm dân chủ, nghiêm túc, đúng các quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND và các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử Quốc gia, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về bầu cử.
Theo quy định tại Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng như Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị cử tri ở xã, phường, thị trấn được tổ chức tại thôn, tổ dân phố do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phối hợp với UBND cùng cấp triệu tập và chủ trì.
Trong khi đó, Hội nghị cử tri ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, tổ chức, đơn vị triệu tập và chủ trì. Hội nghị cử tri ở đơn vị vũ trang nhân dân là hội nghị quân nhân do lãnh đạo, chỉ huy đơn vị triệu tập và chủ trì.
Cũng theo hướng dẫn của Nghị quyết số 1186/2021/UBTVQH14, Hội nghị cử tri nơi công tác để lấy ý kiến với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức ở nơi người ứng cử đang công tác hoặc làm việc (nếu có).
Trường hợp người ứng cử có nhiều nơi công tác hoặc nơi làm việc sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi người đó công tác hoặc làm việc thường xuyên. Đối với nơi có dưới 100 cử tri, tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri dự hội nghị đạt ít nhất là hai phần ba tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên, có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại diện cử tri, nhưng phải bảo đảm có ít nhất 70 cử tri tham dự hội nghị.
Hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức tại thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố nơi người ứng cử thường trú hoặc tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú hoặc tạm trú, sẽ tổ chức tại nơi người ứng cử đang sinh sống. Trường hợp người ứng cử cư trú tại khu chung cư, khu đô thị chưa có tổ dân phố, sẽ tổ chức hội nghị cử tri tại khu chung cư hoặc khu đô thị ấy.
Đối với nơi có dưới 100 cử tri, tổ chức hội nghị toàn thể cử tri và phải bảo đảm số lượng cử tri tham dự đạt ít nhất 50% tổng số cử tri được triệu tập. Đối với nơi có từ 100 cử tri trở lên, có thể tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình và phải bảo đảm có ít nhất 55 cử tri tham dự hội nghị.
Không đưa vào danh sách Hiệp thương lần 3 nếu đạt tín nhiệm dưới 50%
Theo khoản 1 điều 26 và khoản 1 điều 28 Nghị quyết liên tịch số 09/2021/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14, Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, những trường hợp người ứng cử không đạt sự tín nhiệm của trên 50% tổng số cử tri tham dự tại Hội nghị cử tri nơi cư trú không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ để Hội nghị hiệp thương xem xét quyết định.
Khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ 3, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đối với Hội nghị hiệp thương ở Trung ương), Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh (đối với Hội nghị hiệp thương ở cấp tỉnh) phải báo cáo về tình hình, kết quả tổ chức lấy ý kiến nhận xét và sự tín nhiệm của cử tri nơi công tác, nơi cư trú đối với những người ứng cử.
|
Các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử của Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã và đang làm việc với các địa phương nhằm nắm bắt quá trình triển khai công tác bầu cử. (Ảnh:NK) |
Như vậy, quy định về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND lần này xác định, việc tổ chức lấy ý kiến của cử tri là khâu rất quan trọng để sàng lọc ra các đại biểu đủ tiêu chuẩn, những người thực sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của người dân.
Trong quá trình lấy ý kiến cử tri nơi cư trú (đối với tất các những người được giới thiệu ứng cử) và lấy ý kiến cử tri nơi công tác (nếu có), nếu phát sinh các vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu ra cần phải được kiểm tra, xác minh. Việc xác minh và trả lời về các vụ việc do cử tri nêu được thực hiện theo các cấp độ cụ thể. Đối với vụ việc ở nơi công tác, cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người ứng cử có trách nhiệm xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử ĐBQH); Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu HĐND).
Trường hợp người ứng cử là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xác minh và trả lời. Nếu cơ quan, tổ chức, đơn vị không có cấp trên trực tiếp quản lý, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định, thành lập cơ quan, tổ chức, đơn vị đó có trách nhiệm xác minh và trả lời.
Đối với vụ việc ở khu dân cư, cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người ứng cử có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh (đối với người ứng cử ĐBQH); Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức Hội nghị hiệp thương (đối với người ứng cử đại biểu HĐND).
Đối với người tự ứng cử ĐBQH, Ủy ban bầu cử ở tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh. Đối với người tự ứng cử đại biểu HĐND, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý người đó hoặc UBND cấp xã nơi người đó cư trú xác minh và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tổ chức Hội nghị hiệp thương.
Chậm nhất là ngày 13/4/2021 (40 ngày trước ngày bầu cử và trước khi tiến hành Hội nghị hiệp thương lần thứ ba), việc xác minh và trả lời về các vụ việc mà cử tri nêu đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải được tiến hành xong./.