Công tác dân vận ở Đồng Tháp nhìn từ mô hình Hội quán

Thứ bảy, 10/10/2020 20:50
(ĐCSVN) – Thực hiện lời dạy của Bác, nhiệm vụ quan trọng của dân vận là vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân để thực hiện tốt chủ trương, đường lối, nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Những năm qua, mô hình Hội quán ở tỉnh Đồng Tháp là một minh chứng sinh động trong phong trào học tập và làm theo phong cách đạo đức của Người.

Hội quán tác động đến công tác dân vận

Chăm sóc hoa, cây cảnh tại làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp. (Ảnh: K.V) 

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, hiện nay trên địa bàn tỉnh này đã có 100 mô hình Hội quán được thành lập tại 12 huyện, thành phố, với trên 4300 hội viên tham gia. Từ những Hội quán trên đã có 22 hợp tác xã được thành lập trong đó có các Hội quán chuyên về chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.v.v…

Có thể thấy, mặc dù mới hình thành và hoạt động trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu đã mang lại những điểm sáng tích cực trong công tác dân vận ở cơ sở. Hội quán đã góp phần làm rõ hơn mục tiêu công tác dân vận trong tình hình mới.

Khi Hội quán ra đời và phát triển ở Đồng Tháp, mục tiêu của công tác dân vận đã được làm rõ hơn, đó là vì Hội quán là nơi tập hợp tất cả mọi người dân, mọi thành phần tham gia, hoạt động của Hội quán đã giúp cho người dân từng bước khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự vận động hỗ trợ của Nhà nước, thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác với doanh nghiệp đầu tư và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là sản xuất hàng hóa uy tín, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tại đây, người dân tự bàn, tự quyết định, tự chịu trách nhiệm, tự lo cho chính mình và hợp tác để cùng phát triển,... mở ra một hướng đi mới trong công tác dân vận, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở nông thôn và thật sự đáp ứng nguyện vọng của nông dân, làm thay đổi nhận thức của người dân, theo hướng “Tự lực, liên kết, chăm chỉ, tiết kiệm”, đáp ứng mục tiêu quan trọng của công tác dân vận là cùng nhau làm giàu hợp pháp.

Một điều dễ nhận thấy là Hội quán ở Đồng Tháp đã góp phần khắc phục tình trạng công tác dân vận bám không sát nghị quyết của cấp ủy cùng cấp. Với việc ra đời của Hội quán đã giúp cho việc tuyên truyền các chủ trương, chương trình, đề án trọng tâm của tỉnh như xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển du lịch, vận động đi lao động có thời hạn ở nước ngoài,… được tốt hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan  nhận xét: Từ những mô hình Hội quán, đã xây dựng được ý thức trách nhiệm và tính tự nguyện, tự giác của nhân dân trong việc tham gia thực hiện các công trình, phần việc của cộng đồng dân cư có tính lan tỏa, đẩy mạnh xã hội hóa cầu, đường nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giảm đi sự trông chờ, ỷ lại, tuyên truyền phát triển sản phẩm du lịch, liên kết xây dựng phát triển du lịch cộng đồng, tuyên truyền liên kết sản xuất, khởi sự lập nghiệp; quảng bá thương hiệu, hình ảnh của Đồng Tháp.

Đồng thời, từ các Hội quán, việc tuyên truyền phối hợp giới thiệu nghề, giới thiệu việc làm, trang bị kiến thức về tập quán, tác phong, ngôn ngữ, văn hóa của các nước tiếp nhận xuất khẩu lao động,…thường xuyên, cụ thể, qua đây Hội quán đã hiện thực hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào đời sống nhân dân nhanh hơn, rõ nét hơn, hiệu quả hơn.

Theo ông Lê Thành Công, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Đồng Tháp, Hội quán góp phần đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân, củng cố cơ sở chính trị của Đảng trong dân. Đây là mô hình mở, tập hợp nhiều thành phần thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân, trí thức, doanh nghiệp, người cao tuổi, cán bộ hưu trí, đảng viên,… tính đa dạng của Hội quán đã góp phần khắc phục sự rập khuôn về thành phần, nội dung chỉ đạo máy móc của cấp trên.

Hội quán là không gian chia sẻ riêng của tất cả người dân, không phân biệt thành phần tham gia sinh hoạt, thành viên trước gợi ý cho thành viên sau, cứ thế các Hội quán ngày càng tập hợp được nhiều thành phần tham gia, có Hội quán lúc mới thành lập chỉ có vài hội viên, nhưng giờ đã có tới hàng chục, hàng trăm hội viên, và còn nhiều người vẫn đang muốn gia nhập Hội quán,… hoạt động của Hội quán đã thật sự góp phần đa dạng hóa loại hình tập hợp nông dân.

“Hội quán chỉ ra hướng khắc phục hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là việc đổi mới nội dung hoạt động đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Qua theo dõi sinh hoạt Hội quán ở Đồng Tháp, không thấy ai đòi hỏi thù lao, phụ cấp, hỗ trợ kinh phí gì, họ hiểu rằng mình đang lo cho chính mình, là quyền lợi và nghĩa vụ của mình, chia sẻ kiến thức giúp người khác chính là tự giúp mình, nội dung hoạt động gắn kết giữa các thành viên, hoạt động không theo kiểu "trên bảo, dưới nghe", "thuyết giáo" dài dòng, nặng nề hình thức, “hành chính hóa”, chỉ đạo “chung chung, hình thức, áp đặt”,… chỉ vận động, khuyến khích những “hạt nhân” tích cực làm nòng cốt cho hội quán, người dân dần không còn thụ động, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ đảng, chính quyền, đoàn thể, cả hệ thống chính trị,…” Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm “Tâm quê Hội quán” tâm sự.

Ở Đồng Tháp, Hội quán còn là trung tâm kết nối cộng đồng trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất, chú trọng tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, qua đó, giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống; thay đổi thiết chế dân cư theo mô hình tự quản, tự nguyện, nơi những người dân có cùng ý nguyện ngồi lại với nhau tự tổ chức các buổi hội họp thường kỳ để chia sẻ kinh nghiệm, cung cấp thông tin, kiến thức nông nghiệp, thông tin giá cả thị trường trong nước và thế giới, xây dựng tình làng nghĩa xóm, quy ước nội bộ cộng đồng như: về hòa giải, duy trì trật tự ở xóm, làng, giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nội bộ, tạo sự ổn định chính trị - xã hội, sự yên dân, để cho nhân dân ở cơ sở tin tưởng vào môi trường sống, yên tâm lao động sản xuất, làm giàu trong khuôn khổ pháp luật,…

Trong lần về thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp gần đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: “Đồng Tháp cần tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình Hội quán, làm sao tất cả các xã còn lại đều có Hội quán. Vì Hội quán không chỉ là mô hình tập hợp nông dân sản xuất nông nghiệp đơn thuần, mà còn mang ý nghĩa xã hội rất lớn. Qua tiếp xúc với bà con nông dân, tôi thấy họ có niềm tin, thấy họ hạnh phúc thể hiện qua ánh mắt, nụ cười”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đến thăm mô hình Hội quán ở Cao Lãnh, Đồng Tháp đã tin tưởng: “Hội quán giúp bà con bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, tình cảm, trao đổi thông tin, không chỉ về sản xuất, kỹ thuật, mà cả về vấn đề an sinh xã hội, cả về hạ tầng, an ninh trật tự, qua đó, tình làng nghĩa xóm gắn bó hơn. Tôi kỳ vọng thời gian tới, các Hội quán sẽ đi vào hoạt động tốt hơn, tìm lời giải cho những vấn đề như nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho nông sản và hướng đến chế biến”…

Mô hình Hội quán – điểm sáng cho công tác dân vận trong tình hình mới

Đường giao thông nông thôn ở vùng sâu Đồng Tháp được đầu tư nâng cấp. (Ảnh: K.V) 

Ra mắt từ tháng 7/2016, Canh Tân Hội quán ở xã An Nhơn là Hội quán đầu tiên của huyện Châu Thành nói riêng và tỉnh Đồng Tháp nói chung với sự khởi xướng của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan. Sau hơn 4 năm thành lập bà con nông dân nơi đây đã thay đổi được tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ sang thực hiện mô hình kinh tế tập thể. Từ đó, trái nhãn Châu Thành vươn xa hơn trên thị trường xuất khẩu kể cả những thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU...

Là mô hình đầu tiên do nông dân tự nguyện lập ra, dưới hình thức liên kết nhằm sinh hoạt, trao đổi kinh nghiệm, các kỹ thuật mới trong sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, tiêu thụ nông sản thời hội nhập và chia sẻ những “chuyện làng, chuyện xóm”, đây có thể coi như điểm sáng cho công tác dân vận, nó như làn gió mới làm thay đổi cách nhìn về công tác dân vận trong tình hình mới.

Cách tiếp cận vấn đề và xây dựng ý tưởng cho Hội quán cũng xuất phát từ những trải nghiệm thực tế của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan, qua nhiều lần tiếp xúc với nhân dân và hiểu được rằng, họ đang thiếu một kênh liên kết gần gũi, một nơi để chia sẻ những câu chuyện đời sống. Vì thế, Hội quán được thành lập theo nhu cầu của nhân dân về việc tổ chức một không gian chia sẻ của riêng họ, vận động, khuyến khích những “hạt nhân” tích cực làm nòng cốt. Mặc dù, mới hình thành và hoạt động thời gian không dài, nhưng bước đầu đã mang lại những điểm sáng tích cực trong công tác dân vận ở cơ sở.

Các mô hình Hội quán ở Đồng Tháp đã góp phần thành công trong xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thông qua các mô hình: Bí thư cấp ủy, chính quyền trực tiếp xuống nhà dân, "Nụ cười công sở", "Xuống dân nghe dân nói", “Cán bộ công chức tiếp xúc với nhân dân”;... cánh đồng liên kết sản xuất với tinh thần "Tự lực - Chăm chỉ - Hợp tác" được nhân dân và doanh nghiệp tích cực chia sẻ phần việc cùng với Nhà nước. Mô hình “Cà phê doanh nhân - doanh nghiệp”, "Chính quyền đồng hành cùng nhân dân",... đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

“…Từ khi có Hội quán ra đời đã góp phần khắc phục được một số hạn chế trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở như: một số địa phương trước đây chưa thực hiện đầy đủ các nội dung về dân chủ như nội dung nhân dân bàn về dự án phát triển kinh tế - xã hội, thì Hội quán do chủ nhiệm đã chia nhỏ nội dung ấy ra để phát huy vai trò "Dân biết, dân bàn, dân làm và dân kiểm tra”; một số nơi vai trò của Ủy ban nhân dân cấp cơ sở chưa thể hiện rõ trách nhiệm trong tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thì mô hình Hội quán là nơi thuận lợi để thực hiện rất có hiệu quả. Điều này thấy rõ nhất, tại buổi học tập trao đổi kinh nghiệm mô hình “Tâm Quê Hội quán”, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh của Đoàn công tác Ban Dân vận Tỉnh ủy Sóc Trăng…”, Ông Lê Hoàng Tùng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh cho biết.

Hội quán cũng đã góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bằng chứng là khi chưa có Hội quán, công tác dân vận của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp được sự chung tay của cấp ủy, chính quyền và các hội đoàn thể, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện xây dựng nông thôn mới người dân đồng thuận cao. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hay như mô hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Tổ nhân dân tự quản”, mô hình “3 tự - 1 nhờ”, “Cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới”, “Hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới”, các mô hình khởi nghiệp,... huy động có hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, huy động từ doanh nghiệp, từ cộng đồng dân cư và nguồn vốn khác xây mới, nâng cấp, sửa chữa cầu, đường giao thông nông thôn.

Theo ông Trần Văn Bình, Chủ nhiệm Hội quán làng hoa, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, từ khi thành lập Hội quán, nơi đây nhân dân có dịp sinh hoạt, chia sẻ thông tin, nơi đây nhân dân họp bàn chuyện đời sống, chuyện làng, chuyện xóm, chuyện đổi mới cách sản xuất, kinh doanh, làm ăn; phát huy tốt tinh thần làm chủ của nhân dân trong giải quyết các vấn đề chung của xã hội, bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản nhưng mang tính cấp thiết, có sự đồng lòng, nhất trí cao của cộng đồng,…

Từ đó, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cử cán bộ tham gia để phối hợp thực hiện các công trình dự án phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường được công tác tuyên truyền, tạo điều kiện cùng với nhân dân tổ chức thực hiện. Làm thay đổi dần quan điểm, cách sống người dân nông thôn trong giải quyết vấn đề cộng đồng, từng bước xác định “chuyện chung của xã hội là chuyện chung của từng người, từng gia đình, mọi người đều có trách nhiệm tham gia thực hiện”.

Hội quán còn là nơi để tụ họp và huy động nguồn lực xã hội để xây dựng giao thông nông thôn, nhiều công trình mang đậm dấu ấn với sự đóng góp của Nhân dân như: cầu Mơ Ước, cầu Đoàn Kết, xây mới và sửa chữa nhà cho người nghèo... góp phần cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng trên địa bàn Tỉnh, hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới; thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và giảm nghèo bền vững tại địa phương.

Đồng thời, Hội quán ở đã chỉ ra cách làm mới trong công tác dân vận, đáp ứng yêu cầu của tất cả các tầng lớp nhân dân, trước đây, công tác dân vận của hệ thống chính trị trong cả nước nói chung, trong tỉnh Đồng Tháp nói riêng luôn quan tâm thực hiện và nhân dân tích cực hưởng ứng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang chú luôn trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động. Nhiều mô hình thực hiện có hiệu quả “Tết vì người nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Nâng bước em đến trường” và các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

“Hội quán ra đời đã chỉ ra cách làm mới trong công tác dân vận, công tác dân vận không chỉ vì người nghèo mà công tác dân vận phải vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, đáp ứng được yêu cầu của các tầng lớp nhân dân”, ông Dương Văn Hải, Chủ nhiệm “Xuân Hòa Hội quán” ở xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười khẳng định.

Mô hình Hội quán nông dân tại Đồng Tháp đã phát triển tinh thần cộng đồng, tinh thần tổ chức của người dân, tự vươn lên với khát vọng khởi nghiệp, liên kết, hợp tác làm giàu, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trên cơ sở đổi mới phương thức vận hành Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Giúp Nhà nước chuyển từ vai trò điều hành Chương trình sang vai trò định hướng, hỗ trợ phát triển, phát huy tốt nhất tinh thần làm chủ của người dân trong giải quyết các vấn đề chung xã hội, bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản nhưng mang tính cấp thiết, có sự đồng lòng, nhất trí cao của cộng đồng trong phương thức giải quyết vấn đề... Với tinh thần dám nghĩ, dám làm của cá nhân và tập thể cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, đã giúp Đồng Tháp vươn lên làm giàu chính đáng từ việc xây dựng, phát triển mô hình Hội quán và nâng lên thành các mô hình hợp tác xã kiểu mới theo tinh thần Nghị quyết của Đảng đề ra./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực