|
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh phát biểu tại hội nghị. |
Ngày 13/11, Ban Dân vận Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị chuyên đề “Công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm” trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh dự và phát biểu chỉ đạo.
Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy; Bùi Xuân Cường, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP chủ trì hội nghị.
Sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố có 538 dự án được ghi vốn bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện. Cụ thể, năm 2022 có 87 dự án được triển khai thực hiện; năm 2023 có 174 dự án được triển khai thực hiện; năm 2024 có 177 dự án được triển khai thực hiện. Trong đó có các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia được quan tâm triển khai thực hiện; Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh ban hành các chỉ thị, chỉ đạo thực hiện các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn; các tổ chức đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể đã có những chuyển biến trong nhận thức, thấy được trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác triển khai thực hiện dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị. |
UBND TP triển khai đồng bộ các giải pháp, kịp thời, nghiêm túc, triển khai thực hiện dự án một cách khoa học, bài bản, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể cùng vào cuộc, nhất là tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân trong khu vực dự án hiểu, đồng thuận, chấp hành tốt công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng cho dự án và không thể lấn chiếm, tái chiếm mặt bằng dự án.
HĐND thành phố đã quan tâm bảo đảm cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách Thành phố ưu tiên trên hết, trước hết cho việc triển khai dự án; quan tâm thực hiện công tác giám sát trong quá trình triển khai dự án theo quy định, từ đó nắm bắt tình hình, kịp thời đề nghị giải quyết các khó khăn, vướng mắc. TP kịp thời khen thưởng cho các tập thể, cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội được triển khai đồng bộ, hình thức đa dạng thích ứng trong từng lĩnh vực, từng đối tượng.
|
Đồng chí Võ Trung Trực, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh thông tin tại hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng đối với các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm là yếu tốt then chốt, truyền tải ý nghĩa, lợi ích của dự án đem lại, giúp người dân hiểu, đồng thuận việc thực hiện dự án và nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công dự án.
Thời gian tới, trên địa bàn thành phố thực hiện nhiều công trình, dự án quan trọng, trọng điểm để phát triển kinh tế-xã hội, chỉnh trang đô thị như: Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi trên địa bàn quận 8; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghe đến sông Vàm Thuật) quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp… Để có thêm những kinh nghiệm về công tác dân vận trong giải phóng mặt bằng, các đại biểu trao đổi, thảo luận về công tác tham mưu và phối hợp thực hiện công tác dân vận; công tác chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan phối hợp với hệ thống dân vận. MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị; công tác kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội; công tác hướng dẫn tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên; công tác tham mưu cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác dân vận tham gia giải phóng mặt bằng các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm trên địa bàn.
|
Đại biểu tham luận tại hội nghị. |
Đồng chí Lê Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố thông tin, đến nay công tác mặt bằng của dự án Vành đai 3 đoạn qua TP Hồ Chí Minh đã đạt 99,8%, với 1.689/1.692 trường hợp đã đồng ý bàn giao mặt bằng. Có được kết quả đó là do sự quyết liệt của UBND TP, các đơn vị, địa phương liên quan, trong đó công tác tuyên truyền của cả hệ thống chính trị được thực hiện tốt, với sự quyết tâm kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt trong quá trình thực hiện.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cho rằng, một trong những yếu tố quan trọng đó là công tác tuyên truyền vận động nhân dân, phản biện xã hội, lấy ý kiến cộng đồng dân cư, thực hiện giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với các công trình, dự án trên địa bàn thành phố, Ban Thường trực MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn thành lập Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cho từng công trình, dự án. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã xây dựng kế hoạch giám sát, phân công các thành viên phụ trách theo từng khu dân cư, thực hiện công tác giám sát, lắng nghe những ý kiến phản ánh của nhân dân để đưa đến các cấp chính quyền, sớm khắc phục các tồn đọng của dự án.
Đồng chí Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho biết: Huyện có trên 115 dự án, có dự án trên 1.100 hộ cần giải tỏa… huyện vận động người dân đồng ý bàn giao mặt bằng, không tổ chức cưỡng chế đạt 96,98%. Một trong những yếu tố quan trọng đạt được kết quả đó là UBND huyện đã ban hành kế hoạch tập trung thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng năm 2023-2024; xác định 5 nhóm việc lớn cần thực hiện với từng dự án cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng phòng, ban, đơn vị chuyên môn, nhờ vậy đã rút ngắn được 50% tiến độ thi công các dự án trọng điểm.
|
Đồng chí Bùi Xuân Cường, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác dân vận chính quyền. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh, một trong những yếu tố quan trọng trong thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, đó là việc giải quyết khiếu nại của người dân qua đối thoại sẽ giúp người dân hiểu rõ các nội dung quy định của công tác bồi thường, đa phần tỷ lệ giải quyết khiếu nại lần một cao. Từ đó tỷ lệ khiếu kiện lần 2 không quá 20%.
“Sự đồng thuận của người dân rất quan trọng, ngoài việc phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với các phòng, ban, đơn vị, MTTQ và các tổ chức chính trị, thì việc công khai quy hoạch, phương án triển khai dự án, tiến độ dự án của chủ đầu tư… cũng giúp người dân thấy rõ và yên tâm tham gia”, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho hay.
Từ tham luận của các đại biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Bùi Xuân Cường nhấn mạnh, có thể thấy vai trò của công tác dân vận trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng có ý nghĩa chiến lược trong việc thu hồi đất, giải phòng mặt bằng. Từ các công việc đã triển khai, UBND TP xem công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ chính trị quan trọng nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, nâng cao đạo đức công vụ, UBND thành phố tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội với các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc giải phóng mặt bằng quan trọng của Thành phố.
Xây dựng đội ngũ làm công tác dân vận cấp cơ sở
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc giải quyết tốt bài toán giải phóng mặt bằng sẽ là tiền đề để Thành phố chung sức, đồng lòng, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả các công trình, dự án quan trọng để phát triển kinh tế- xã hội, chỉnh trang đô thị TP Hồ Chí Minh.
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải phát biểu kết luận hội nghị. |
Đồng chí Nguyễn Hồ Hải đề nghị, hệ thống chính trị Thành phố, nhất là hệ thống Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội thực hiện thật tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, trong đó tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của các công trình, dự án; về mức đầu tư, tiến độ thực hiện các công trình, dự án; việc di dời, bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các hộ dân có nhà đất bị ảnh hưởng,…đặc biệt là chính sách ưu tiên cho hộ nghèo, hộ khó khăn, gia đình chính sách, các hộ dân bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Thực hiện công tác vận động theo phương thức: dễ làm trước - khó làm sau, phân loại theo từng nhóm để có cách làm, biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Hệ thống cấp ủy, chính quyền cơ sở cần gần dân, lắng nghe dân để nắm tâm tư, nguyện vọng, đời sống, sinh hoạt, việc làm, thu nhập của nhân dân, nhất là những dự án tái định cư để đề xuất cấp ủy, chính quyền quan tâm giải quyết những vấn đề tồn tại, phát sinh, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân phù hợp với các quy định của pháp luật; trực tiếp tham gia vận động các cơ sở tôn giáo, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trú đóng trên địa bàn tiên phong thực hiện; thường xuyên thăm hỏi, động viên các hộ dân để lắng nghe, chia sẻ và bàn giải pháp tháo gỡ những khó khăn; tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho các hộ dân bị ảnh hưởng có hoàn cảnh khó khăn.
Cấp ủy các cấp cần quan tâm xây dựng lực lượng làm công tác dân vận cấp cơ sở phải có chuyên môn, có “tình cảm” trong thực hiện công tác vận động nhân dân bàn giao mặt bằng thực hiện các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm; giữ mối liên hệ thường xuyên với nhân dân trước, trong và sau thời gian thực hiện công tác bồi thường, bàn giao, giải phóng mặt bằng…
Báo cáo từ Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Công tác dân vận trong tham gia thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, chỉnh trang đô thị, phát triển hạ tầng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, có thể nói đến kết quả từ phong trào tuyên truyền vận động nhân dân “Hiến đất làm đường, mở hẻm”, được triển khai hơn 20 năm qua theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VII.
Toàn Thành phố đã thực hiện được 5.230 công trình, trong đó có 3.874 công trình mở rộng hẻm; gần 168.140 hộ dân đã hiến 5,4 triệu m2 đất, tương đương 10.050 tỷ đồng và nhân dân còn đóng góp thêm 458 tỷ đồng để xây dựng các công trình. Công tác Dân vận của Đảng, của chính quyền, của Mặt trận, đoàn thể được triển khai theo tinh thần “Dân vận khéo”; các đảng viên, đoàn viên, hội viên trong khu dân cư đi đầu, gương mẫu thực hiện; cơ quan quản lý nhà nước phải tận tình giúp dân về các thủ tục sửa chữa nhà, cấp giấy phép, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất ở một cách nhanh chóng.
|