Sức mạnh niềm tin của Nhân dân
Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là những chủ trương lớn, có tầm quan trọng đặc biệt. Để thực hiện thắng lợi, tỉnh Phú Yên xác định cần phải phát huy tối đa mọi nguồn lực, trong đó nguồn lực từ Nhân dân có ý nghĩa vô cùng to lớn; để phát huy được sức mạnh ấy thì phải xây dựng niềm tin của người dân vào chủ trương của Đảng, từ đó khơi dậy sức dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Tính đến tháng 8/2023, tỉnh Phú Yên đã có 63/83 xã (tỷ lệ 76%) đạt chuẩn nông thôn mới, so với tỷ lệ chung của cả nước là 73%, hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra. Trong đó, có 15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 02 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều vùng quê Phú Yên đã “thay da đổi thịt”, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, vùng nông thôn đã trở nên trù phú và đáng sống hơn.
|
Một góc tuyến đường bê tông nông thôn mới tại tỉnh Phú Yên. |
Đồng chí Lê Tấn Hổ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên, khẳng định: “Điều đặc biệt trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên là niềm tin của Nhân dân vào chủ trương của Đảng, tạo được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ người dân. Bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn, nền tảng kinh tế - xã hội chưa cao, xã thuần nông chiếm xấp xỉ 70%. Tuy nhiên, nhờ vào việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân nông thôn về chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng là “vì cuộc sống của Nhân dân” và người dân là người được thụ hưởng chính những thành quả mang lại, đã tạo được niềm tin trong Nhân dân và huy động được tối đa mọi nguồn lực trong dân”.
Điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Yên là việc thực hiện xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu nông thôn mới; hiện toàn tỉnh có 16 khu được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 18 vườn được công nhận vườn mẫu nông thôn mới. Huyện Tây Hòa là địa phương tiêu biểu của tỉnh Phú Yên trong xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu nông thôn mới. Tính đến cuối tháng 8/2023, huyện Tây Hòa có 7 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; có 01 vườn mẫu và 23 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao (cả tỉnh có 118 sản phẩm OCOP 3-4 sao).
|
Thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây đón nhận Quyết định
Công nhận đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. |
Đồng chí Trần Minh Trí – Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện chủ trương xây dựng các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, huyện Tây Hòa đã thực hiện hiệu quả phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Việc đưa ra bàn bạc, thống nhất trước Nhân dân từ chủ trương, cách thức triển khai thực hiện, thể hiện ý chí và nguyện vọng của người dân đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong Nhân dân vào chủ trương của Đảng, nâng cao trách nhiệm của người dân, từ đó họ tự nguyện đóng góp ngày công, hiến đất cho Nhà nước triển khai các công trình, đẩy mạnh các phong trào thi đua sản xuất, góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện là phấn đấu đến năm 2025 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025”.
Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Hoàng Cung - Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Xuân Thạnh 2, xã Hòa Tân Tây, khẳng định: “Chi bộ có 73 đảng viên, quá trình sinh hoạt, công tác các đảng viên luôn gần gũi, chia sẻ khó khăn, gắn bó chặt chẽ với người dân “như cá với nước”, nhờ đó khi triển khai xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, bà con hoàn toàn tin tưởng, ủng hộ, tự nguyện tháo dỡ công trình liên quan, tự giác bảo nhau xây dựng đường bê tông. Hiện nay 100% các tuyến đường thôn, ngõ xóm đã được bê tông hóa, đặc biệt trong thôn không còn hộ nghèo. Đồng chí Hoàng Cung khẳng định "nếu không có niềm tin, sự chung sức, chung lòng của người dân thì thôn Xuân Thạnh 2 không thể hoàn thành mục tiêu xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trước thời gian 6 tháng mà Nghị quyết Đại hội Chi bộ thôn nhiệm kỳ 2020 – 2023 đã đề ra”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định, phấn đấu đến năm 2025, có 80% xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15% xã nông thôn mới nâng cao, 5% xã nông thôn mới kiểu mẫu. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương của tỉnh Phú Yên phải đưa ra các giải pháp phù hợp, xây dựng niềm tin của Nhân dân để phát huy tối đa mọi nguồn lực trong dân vào quá trình xây dựng nông thôn mới, từng bước tháo gỡ khó khăn, bảo đảm về đích đúng hẹn. Tại xã Xuân Lộc, thị xã Sông Cầu, một trong 20 xã được tỉnh Phú Yên chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, đến năm 2016 xã được công nhận nông thôn mới, hiện nay địa phương đang phấn đấu giữ vững, nâng cao các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí về thu nhập.
|
Ông Nguyễn Chí Tâm (bên trái), cán bộ khuyến nông xã Xuân Lộc vui mừng về sự phát triển nhanh của đàn cua, tôm trong thực hiện mô hình nuôi xen kẽ giữa tôm sú và cua |
Đồng chí Nguyễn Chung Thịnh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Xuân Lộc, cho biết: “Việc đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới đã khó, giữ vững và nâng cao còn khó hơn. Xác định lợi thế của địa phương là nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, Đảng ủy xã đưa ra những biện pháp phù hợp, trong đó xác định đẩy mạnh thực hiện tốt Phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, khơi dậy mạnh mẽ niềm tin của Nhân dân, để nhân dân ra sức thi đua tích cực tham gia những mô hình mới, như: mô hình nuôi tôm sú kết hợp cua, nuôi bò, nuôi heo đạt hiệu quả cao. Trên địa bàn xã hiện có 130 ha nuôi trồng thủy sản, tổng sản lượng thủy sản bình quân đạt 397 tấn/năm, đàn bò có 2.085 con/493 hộ, đàn heo có 8.043 con/1.064 hộ (heo hướng nạc 7.981 con), thu nhập bình quân đầu người là 63,2 triệu đồng/người/năm, giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nói chung và tiêu chí thu nhập nói riêng, tiến tới hoàn thiện các tiêu chí lên phường vào trước năm 2025, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ xã Xuân Lộc lần thứ 13”.
Ông Nguyễn Chí Tâm, thôn Thạch Khê, xã Xuân Lộc, bộc bạch: “Trước đây gia đình tôi có diện tích ao nuôi tôm sú là 0,8 ha, nhưng do nhiều dịch bệnh nên thua lỗ, bỏ hoang. Từ khi được tuyên truyền thực hiện chủ trương trong phát triển sản xuất với mô hình nuôi xen kẽ giữa tôm sú và cua, nhờ được các cán bộ nông nghiệp của xã và các đồng chí đảng viên trong thôn luôn quan tâm động viên, hướng dẫn tận tình, tôi đặt niềm tin và quyết định vay vốn thực hiện. Nhờ thả thưa nên tiết kiệm được chi phí giống, thức ăn và đặc biệt là giảm thiểu dịch bệnh, cho năng suất cao, trung bình hàng năm đã thu lãi trên 60 triệu đồng/năm từ việc bán tôm và cua, thu nhập gia đình ổn định, đời sống cải thiện”.
Nơi khởi đầu niềm tin
Thời gian vừa qua ở Phú Yên, niềm tin của Nhân dân đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn của Đảng, đã và đang được chứng minh trong thực tiễn triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới. Niềm tin đó trở nên mãnh liệt hơn khi triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng đối với Dự án xây đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua tỉnh Phú Yên.
Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đã xác định “Tích cực phối hợp triển khai đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn qua địa bàn tỉnh”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 17 về lãnh đạo, phối hợp triển khai Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025 đoạn trên địa phận tỉnh Phú Yên, trong đó nhấn mạnh “công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư là khâu then chốt, có ý nghĩa quan trọng trong quá trình triển khai dự án”. Để thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng thì việc xây dựng niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ cao của người dân là “khâu then chốt của then chốt”. Thực tế trong suốt quá trình triển khai, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đã thực hiện tốt công tác dân vận, củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân.
Trong giai đoạn đầu, Phú Yên là một trong những địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng, nhưng với việc thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng được niềm tin của Nhân dân vào chủ trương của Đảng, tạo đồng thuận cao trong xã hội, công tác giải phóng mặt bằng của địa phương đã được đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay Phú Yên được đánh giá là một trong 4 địa phương giải phóng mặt bằng tốt nhất, tính đến tháng 7/2023, tỉnh đã bàn giao mặt bằng là 85,41Km, đạt 94.77%, cơ bản đáp ứng được tiến độ.
Ghi nhận tại thị xã Sông Cầu, địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, chiếm tỷ lệ gần 1/3 của cả tỉnh, song với cách làm sáng tạo, bài bản, quyết liệt, tháo gỡ được những “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư trên địa bàn thị xã Sông Cầu đến nay đảm bảo yêu cầu tiến độ Dự án.
|
Bộ Giao thông vận tải khảo sát hướng tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên |
Theo đồng chí Đỗ Thị Thu Hằng - Phó trưởng Ban Dân vận Thị ủy Sông Cầu: “Trong thực hiện công tác dân vận giải phóng mặt bằng xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông, điều quan trọng nhất là phải xây dựng được niềm tin của Nhân dân vào chủ trương của Đảng, phải làm cho người dân hiểu rõ về tầm quan trọng, tính cấp bách của dự án. Để làm được điều đó thì mỗi cán bộ, đảng viên phải gần gũi với Nhân dân, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân. Cụ thể, Ban Thường vụ Thị ủy Sông Cầu đã thành lập 5 Tổ công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng, thực hiện phân loại các hộ dân bị ảnh hưởng theo nhóm, có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp trên nguyên tắc “dễ làm trước, khó làm sau”, thực hiện tốt theo phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, “Vận động từng bước, kiên trì thuyết phục”, “lấy Nhân dân vận động Nhân dân”, dùng số đông người dân chấp hành vận động số ít người chưa chấp hành”.
Tại xã Xuân Lâm, việc giải phóng mặt bằng của địa phương có nhiều thuận lợi khi được phần lớn người dân ủng hộ, đồng tình, có tới 200/250 hộ dân trong diện đền bù, giải tỏa, mặc dù chưa nhận được tiền đền bù, nhưng tự giác cắt bỏ cây cối, di dời nhà cửa để bàn giao mặt bằng cho dự án. Để tạo được sự đồng thuận cao như vậy đó là nhờ vào việc xây dựng được niềm tin trong Nhân dân, mỗi một đảng viên nơi đây đã thực hành tốt việc nêu gương, nếu gia đình đảng viên có diện tích đất nằm trong khu vực giải phóng mặt bằng thì tiên phong thực hiện trước để người dân tin tưởng thực hiện theo. Đảng ủy xã phân công các đồng chí Đảng ủy viên đi đến từng nhà người dân bị ảnh hưởng, vận dụng các mối quan hệ để nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của người dân, kịp thời phản ánh, tham mưu giải quyết, từ đó tạo sự gắn bó mật thiết giữa Nhân dân với Đảng, Nhân dân tin và thực hiện theo.
Trong triển khai thực hiện chủ trương của Đảng xây dựng nông thôn mới và giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc – Nam phía Đông tại tỉnh Phú Yên đã minh chứng niềm tin của Nhân dân với Đảng là sức mạnh tiên quyết đảm bảo cho Đảng thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng, bởi lẽ, sự nghiệp cách mạng là của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Nhân dân tin Đảng, theo Đảng, ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ Đảng, từ niềm tin đối với Đảng sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu quê hương, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết của mỗi một người dân Phú Yên, chính đây là “cội nguồn sức mạnh” để thực hiện xây dựng Phú Yên "yên bình và phú quý"./.