Dấu ấn của Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong công tác xây dựng Đảng

Thứ sáu, 14/08/2020 09:35
(ĐCSVN) – Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cả cuộc đời gắn bó với Đảng, đối với công tác Đảng mối quan tâm thường trực của đồng chí là nâng cao sức mạnh chiến đấu của tổ chức Đảng, xây dựng Đảng ta vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức để Đảng xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân, ngang tầm với nhiệm vụ của cách mạng.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khi đã nghỉ hưu vẫn luôn có những bài viết, bài trả lời phỏng vấn báo chí về công tác xây dựng Đảng. 

Với cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, mối quan tâm hàng đầu của đồng chí là xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng trong lực lượng vũ trang, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội, phát huy bản chất, truyền thống cách mạng của quân đội. Từ thực tiễn công tác xây dựng Đảng bộ Quân đội, đồng chí rút ra một số vấn đề lớn, đó là: công tác xây dựng Đảng phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng và phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng tổ chức, nhất là việc nâng cao chất lượng sinh hoạt ở tổ chức cơ sở Đảng; Kết hợp chặt chẽ, đồng bộ công tác phát triển Đảng với giáo dục, rèn luyện và quản lý đảng viên; Kết hợp chặt chẽ xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên.

Từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Đảng (tháng 1/1994) trở đi, là thành viên Ban lãnh đạo chủ chốt của Đảng, đồng chí đã dành toàn bộ tâm lực của mình cho công tác xây dựng Đảng. Trước sự tấn công xảo quyệt của chủ nghĩa đế quốc âm mưu xoá bỏ sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản cầm quyền, có người trong đội ngũ tỏ ra hoài nghi, dao động. Giữa lúc khó khăn đó, đồng chí tuyên bố: “Kiên định thì tồn tại” - kiên định mục tiêu lý tưởng, kiên định con đường Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta lựa chọn - đó là con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước giàu, mạnh, xã hội công bằng, văn minh; kiên định mục tiêu, lý tưởng để đổi mới thành công. Theo đồng chí: "Dù phong ba bão táp, khốc liệt, hiểm nghèo, phức tạp và quanh co thế nào, kiên định mục tiêu và lý tưởng thì tồn tại; kiên định thì phát triển". Muốn vậy, cán bộ, đảng viên, các tổ chức Đảng và toàn Đảng phải nâng cao năng lực trí tuệ để hoạch định và tổ chức thắng lợi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Cuối tháng 12/1997, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã thông qua nghị quyết rất quan trọng về tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, phát huy nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, cần kiệm để công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội đến năm 2000; kiện toàn một bước cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng như một sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo mới. Tư tưởng xuyên suốt của Nghị quyết hội nghị chính là phương châm hành động, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện, đồng bộ với những giải pháp lớn. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Trung ương, phát biểu bế mạc hội nghị trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, ông khẩn thiết đề nghị: "Lúc này, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất, các đồng chí Trung ương đến mỗi người dân phải chống xa hoa, lãng phí, phải hạn chế những nhu cầu chưa thật cần thiết, phải soát xét lại những việc xây dựng trụ sở, mua sắm ô tô và các tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, giảm bớt các lễ nghi, tiệc tùng... dồn tiền bạc, của cải cho đầu tư phát triển; kiên quyết đấu tranh với các tệ quan liêu, tham nhũng đang là những trở ngại lớn làm triệt tiêu các động lực phát triển, là nguồn gốc của nhiều tệ nạn xã hội, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và chế độ".

Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930 – 3/2/1998), đăng trên báo Nhân dân, Xuân Mậu Dần 1998, đồng chí Lê Khả Phiêu nêu rõ: Cội nguồn sức mạnh của Đảng ta là sự tiếp nối và nhân lên những truyền thống dân tộc Việt Nam anh hùng, nghìn năm văn hiến, là nhân dân cần cù, thông minh, nhân hậu và quả cảm. Từ khi ra đời, Đảng ta luôn luôn gắn bó với dân tộc, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân, những truyền thống vẻ vang và tinh hoa văn hoá dân tộc đã được kết tinh thành bản lĩnh và trí tuệ của Đảng.

Sức mạnh của Đảng ta được hình thành từ năng lực lãnh đạo và tính chiến đấu của các tổ chức đảng. Mọi đường lối, chính sách của Đảng đều được tổ chức thực hiện ở đó. Theo đồng chí Lê Khả Phiêu, để đạt hiệu quả lãnh đạo cao, toàn bộ những hoạt động đó phải được tiến hành bằng ngọn lửa nhiệt tình và tính chiến đấu cao của những người cộng sản. Nói cách khác, chỉ với tinh thần chủ động, sáng tạo, tiến công không ngừng, các tổ chức đảng mới hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo của mình. Đồng thời, chỉ với tính chiến đấu cao như vậy, các tổ chức đảng mới thanh lọc được những phần tử thoái hoá, biến chất, trở thành một đội ngũ trong sạch, vững mạnh, có đủ khả năng và uy tín lãnh đạo nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, đấu tranh đẩy lùi các nguy cơ cũng như các tệ nạn xã hội khác.

Sức mạnh của Đảng được tạo ra từ khối đoàn kết nhất trí trong Đảng mà Bác Hồ căn dặn chúng ta phải "giữ gìn như con ngươi của mắt mình". Vì thế, mọi biểu hiện chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cục bộ và mất đoàn kết trong Đảng cần phải được đấu tranh không khoan nhượng qua tự phê bình và phê bình - một lợi khí sắc bén bảo đảm sự liên tục trưởng thành và lớn mạnh của Đảng. Mùa Xuân thực sự của Đảng, của dân tộc đã và sẽ gắn liền với những nỗ lực rèn luyện, phấn đấu của thế hệ trẻ hôm nay, tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng và thực hiện thiết chế dân chủ ở cơ sở, theo Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, các cấp uỷ đảng và cơ quan chính quyền phải quán triệt sâu sắc và chấp hành nghiêm chỉnh Nghị quyết Trung ương 3 mà cốt lõi là phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và quản lý nhà nước. Mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của nhân dân phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, từ xây dựng luật pháp, cơ chế, chính sách đến tổ chức bộ máy, phong cách làm việc, bao quát hoạt động của mọi cấp, mọi ngành, từ Trung ương đến địa phương và cơ sở. Vấn đề dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân để phát huy động lực, thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh phải được đặt ra cho cả hệ thống chính trị, phải tác động hai chiều dưới lên, trên xuống, cả trong Đảng, và trong nhân dân. (Bài viết đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 3, tháng 2/1998).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống ngành Kiểm tra của Đảng (ngày 15/10/1998), đồng chí Lê Khả Phiêu nêu rõ: Từ ngày thành lập Đảng, trải qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, số đông cán bộ, đảng viên của Đảng đã nêu cao đạo đức, phẩm chất cách mạng, gương mẫu, hăng hái đi đầu trong các nhiệm vụ, không nề khó khăn, gian khổ, hy sinh, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc. Nhưng bên cạnh đó, nhất là những năm gần đây đã có một bộ phận đảng viên không chịu tu dưỡng rèn luyện, phai nhạt lý tưởng cách mạng, suy thoái đạo đức lối sống, tham nhũng, quan liêu, xa rời nhân dân, thậm chí còn ức hiếp dân, không còn giữ được bản chất người cách mạng, họ mang danh đảng viên nhưng họ không còn tư cách là đảng viên...;  một số tổ chức đảng yếu kém, có nơi mất sức chiến đấu, nội bộ kém đoàn kết, nguyên tắc đảng lỏng lẻo, kỷ luật đảng không nghiêm, không làm tròn được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Tình hình trên là rất nghiêm trọng, nhiều nghị quyết của Trung ương đã chỉ ra phải kiên quyết tập trung củng cố chỉnh đốn đảng, nghiêm chỉnh thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Đây là một nhiệm vụ quan trọng và cấp bách có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đối với vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta.

Trong các bài diễn văn, các bài phát biểu ở những dịp lễ trọng đại, người ta thấy toát lên từ Tổng Bí thư sự kiên định, nhiệt huyết và trung thành với mục tiêu lý tưởng.

Năm 2000 là năm kết thúc thế kỷ XX, cũng là năm Đảng, Nhà nước và nhân dân ta kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta. Trong diễn văn tại lễ mít tinh trọng thể kỷ niệm ngày sinh của Bác, trên cơ sở yêu cầu của công tác xây dựng Đảng phải bồi dưỡng tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về đạo đức, lối sống, làm cho Đảng gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng - dân một ý chí, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: "Đảng ta là đạo đức, là văn minh". Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: "Học tập tư tưởng và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên của Đảng nhất định phấn đấu và phải phấn đấu để làm người và làm người cộng sản như Bác Hồ đã dạy: trung thành và kiên định với đường lối độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn phẩm chất và đạo đức cách mạng, đoàn kết nội bộ và đoàn kết nhân dân, đi sát cơ sở, đi đến những nơi khó khăn nhất, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy sức mạnh, sáng kiến của đảng bộ và nhân dân để giải quyết những vấn đề do cuộc sống đặt ra; có lối sống lành mạnh, giản dị và tiết kiệm, bản thân, vợ, con, gia đình không tham nhũng, không bao che cho những hiện tượng quan liêu, tham nhũng và tiêu cực; trau dồi kiến thức, nâng cao năng lực trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn, đủ sức đảm đương nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới".

Năm 2000, qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, song Đảng cũng vấp phải sai lầm, khuyết điểm. Nhờ nhân dân, vì nhân dân Đảng sửa chữa sai lầm và khuyết điểm của mình. Theo đồng chí Lê Khả Phiêu, trước những sai lầm, khuyết điểm, Đảng phải chân thành xin lỗi nhân dân. Nhưng không có lời xin lỗi nào nghiêm túc hơn là nhận cho rõ những khuyết điểm, trung thực tự phê bình, thẳng thắn phê bình và kiên quyết sửa chữa, trau dồi bản chất cách mạng làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, mãi mãi xứng đáng là đội tiên phong của giai cấp công nhân để làm tròn trách nhiệm trước dân tộc trong thế kỷ XXI.

Sau khi nhận trọng trách là người đứng đầu cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu cùng tập thể Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương nỗ lực cao độ cho công tác xây dựng Đảng. Từ vị trí then chốt của công tác xây dựng Đảng, từ yêu cầu của thời kỳ mới, từ thực trạng của Đảng ta, theo chương trình toàn khóa, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII xác định Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) bàn và quyết định những nhiệm vụ cơ bản và cấp bách trên một số vấn đề trọng yếu của công tác xây dựng Đảng. Trong diễn văn khai mạc hội nghị quan trọng này, với tinh thần trách nhiệm rất cao trước Đảng và nhân dân, Tổng Bí thư phân tích thực trạng của Đảng một cách đầy nhiệt huyết và sâu sắc. Đồng chí cho rằng qua các thời kỳ và cho đến hiện nay, Đảng ta có điểm chưa thật mạnh, có mặt chưa thật vững, trong đó đáng chú ý là tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân khi còn làm Chủ tịch MTTQ Việt Nam tới thăm và chúc thọ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu 80 tuổi. (Ảnh: Thu Hà) 

Chính từ hội nghị quan trọng này, Ban Chấp hành Trung ương đã có một quyết định đặc biệt quan trọng là phải tiến hành cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tự phê bình và phê bình nhân kỷ niệm 30 năm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng, trong 2 năm, từ ngày 19/5/1999 đến ngày 19/5/2001, tạo sự chuyển biến cơ bản, sau đó trở thành nền nếp thường xuyên. Đồng chí yêu cầu các cấp bộ đảng và cán bộ đảng viên phải học tập, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức cách mạng của Bác Hồ để thực hiện thắng lợi cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng; chuẩn bị và tiến hành tốt việc tự phê bình và phê bình từ Trung ương xuống đến cơ sở. Nâng cao tính đảng, tính chiến đấu, ý thức tự giác trong tự phê bình và phê bình để cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt chất lượng cao.

Trong điều kiện một đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, việc Đảng lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh và có hiệu lực, kiện toàn tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng: phải nhằm bảo đảm tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong mọi tình huống và trên toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội; giữ vững bản chất cách mạng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của Nhà nước, làm cho Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, lập lại trật tự, kỷ cương, bảo đảm giành thắng lợi trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Một trong những nguy cơ của Đảng cầm quyền là xa dân, thiếu dân chủ, và dân vận ngày càng ít được chú trọng, vì vậy, trong nhiều bài nói, bài viết của mình, đồng chí nhắc nhở thường xuyên vấn đề dân chủ, dân vận và đại đoàn kết dân tộc. Trung ương Đảng đã nỗ lực để ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở và lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật. Một trong những biện pháp cốt lõi để phát huy và mở rộng dân chủ cơ sở là thông qua phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đồng chí cho rằng: "Thực hiện dân chủ ở cơ sở phụ thuộc rất lớn vào hệ thống chính trị… Tổ chức đảng và hệ thống chính trị yếu kém thì không thể nói gì đến dân chủ đúng hướng. Chúng ta không thể chấp nhận tình trạng ở ngay tại cơ sở mà tổ chức đảng, bộ máy chính quyền lại xa dân tới mức quan liêu, thậm chí dùng quyền lực ức hiếp nhân dân, tự đặt ra những quy định phiền hà dân".

Kỷ niệm 50 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo Dân vận đăng trên báo Sự thật, đọc lại bài báo của Bác, đồng chí Lê Khả Phiêu đã viết những dòng thống thiết như tâm sự với cán bộ, đảng viên: "Hằng ngày chúng ta vẫn sống chung với cộng đồng xã hội. Nhưng chỉ với tấm lòng vì dân, vì nước, yêu thương giai cấp cần lao thì mới hiểu thấu đời sống, vui buồn, đau khổ, ước ao, nguyện vọng, ý kiến và những vấn đề bức thiết đang đặt ra hằng ngày của nhân dân.

Tôi nghĩ rằng, các cán bộ, đảng viên ở tất cả các cấp, các ngành, trong cơ quan nhà nước, cơ quan công tác đảng, cơ quan lập pháp, tư pháp, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra, kiểm tra, quân đội, công an, ngân hàng, y tế, giáo dục, các vị thay mặt cho nhân dân… nên dành thì giờ ôn lại lời Bác dạy về dân và công tác dân vận, dũng cảm và trung thực soát xét lại mình, công việc của cơ quan, đơn vị mình, dành thì giờ gặp dân,... lắng nghe họ với tâm huyết của những người con trung hiếu, yêu nước thương dân, chắc chắn sẽ rút ra được nhiều điều bổ ích".

Trước thực trạng chỉ có cán bộ cơ quan đảng, đoàn thể, mặt trận làm công tác dân vận, đồng chí khẩn thiết yêu cầu: "Tất cả cán bộ chính quyền đều phải phụ trách dân vận", như Bác Hồ từng chỉ dạy.

Từ Đại hội IX của Đảng, đồng chí Lê Khả Phiêu thôi giữ những trọng trách của đất nước, nhưng với tinh thần và trách nhiệm của người cộng sản, đồng chí vẫn tiếp tục suy tư, trăn trở về những vấn đề hệ trọng của Đảng, của dân. Qua những bài viết của đồng chí từ sau khi thôi nhiệm, người ta thấy nổi lên hai chủ đề được nguyên Tổng Bí thư quan tâm thường trực, đó là sự lãnh đạo của Đảng và những vấn đề lịch sử, các lãnh tụ của Đảng qua các thời kỳ để nêu gương chung cho cán bộ, đảng viên.

Về sự lãnh đạo của Đảng, đồng chí cho rằng phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Mặt trận. Đối với Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc của Đảng, đồng chí đề nghị: "Việc hệ trọng của Đại hội Đảng là bàn về chính mình", "Hãy đặt tất cả lên bàn nghị sự". Khi Ban Chấp hành Trung ương khóa X chủ trương sửa đổi, bổ sung Cương lĩnh năm 1991 để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, với tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, đồng chí đã viết bản Góp ý kiến bổ sung và phát triển Cương lĩnh của Đảng - nhận diện thời đại ngày nay gửi Ban Chấp hành Trung ương với những ý kiến rất sâu sắc và tâm huyết.

Nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng, trên một số tờ báo lớn, đồng chí cho công bố bài viết rất quan trọng Đảng Cộng sản Việt Nam tám mươi xuân. Đây là thời điểm rất hệ trọng để đồng chí trình bày một số ý kiến tâm huyết của mình: Kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, không gì quý báu hơn là phát huy tinh thần gan góc của dân tộc, truyền thống con nòi của giai cấp công nhân trước mọi bão tố của cách mạng, xây dựng bản lĩnh kiên cường, đánh giá đúng tình hình chiến lược, ngày càng vận hành nhuần nhuyễn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Ngay sau dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp bộ đảng tiến hành đại hội tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Công tác nhân sự luôn luôn là việc hệ trọng của mọi cấp ủy Đảng. Đồng chí kiên quyết đề nghị: "Nhất thiết không giới thiệu, không đưa vào danh sách, không bầu cử những người tham nhũng và thiếu trách nhiệm trong chống tham nhũng, những người không kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, không có khả năng thực tế, thiếu gắn bó với nhân dân, không dũng cảm tự phê bình và phê bình. Đấu tranh loại bỏ tệ chạy chức, chạy quyền mua lòng nhau để kiếm phiếu". Những lời gan ruột đó của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến nay vẫn còn nguyên giá trị khi Đảng ta đang tiếp tục có nhiều hành động thiết thực và quyết liệt để chống tham nhũng, chạy chức, chạy quyền…/.

--------

(Theo: Lê Khả Phiêu tuyển tập - NXB chính trị quốc gia - sự thật - Hà Nội – 2015; Lê Khả Phiêu: Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VIII của Đảng, vững bước tiến vào thế kỷ XXI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998).

Hiền Nguyễn (lược ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực