Đẩy mạnh chuyển đổi số tại các đơn vị, doanh nghiệp Trung ương

Thứ ba, 19/10/2021 15:28
(ĐCSVN) - Các tập đoàn, tổng ty, ngân hàng trong Khối là các doanh nghiệp nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trao đổi, giải đáp

với chủ đề “Chuyển đổi số Quốc gia - Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước”. 

Ngày 19/10, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Đảng; học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo Quy định số 164-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trực tiếp truyền đạt các chuyên đề.

Thông tin nhanh về Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII của Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các Doanh nghiệp Trung ương Nguyễn Long Hải cho biết, Hội nghị đã thảo luận, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024; chủ trương lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, khóa XII; kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và quan điểm, chủ trương về phòng, chống dịch trong tình hình mới; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; sửa đổi, bổ sung quy định về những điều đảng viên không được làm; và một số vấn đề quan trọng khác.

Cho ý kiến về kinh tế - xã hội năm 2021-2022, Trung ương xác định mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; các định hướng, chủ trương, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp và kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện cụ thể cho năm 2022, bảo đảm bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương.

Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương thông tin về Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII. 

Ban Chấp hành Trung ương đã xác định, trên cơ sở kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2022 và chủ trương, định hướng phòng, chống dịch trong tình hình mới, kịp thời điều chỉnh chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, phục hồi sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hoá, lao động, nhất là ở các địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; tập trung ưu tiên bổ sung, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ khó khăn, xử lý có hiệu quả các vấn đề tồn đọng, các nút thắt và điểm nghẽn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh; cơ cấu lại một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19, như: Thương mại, dịch vụ, hàng không, du lịch,... để thích ứng với trạng thái bình thường mới, tạo nền tảng cho giai đoạn phục hồi các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp này từ năm 2022 trở đi.

Ban Chấp hành Trung ương cũng xác định phải có giải pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế, cũng như tránh sự đổ vỡ của các tập đoàn kinh tế lớn (cả nhà nước và tư nhân), có thể dẫn đến sự đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế; không để nền kinh tế bị lỡ nhịp trong xu hướng hồi phục kinh tế thế giới cũng như quá trình tái cấu trúc chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án lớn, trọng điểm quốc gia. Sớm nghiên cứu, xây dựng kịch bản tăng trưởng mới cho thời kỳ "hậu COVID-19", các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, không để suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội; khẩn trương rà soát, không để sót, để lọt đối tượng, địa bàn cần hỗ trợ...

Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải cho biết, Hội nghị Trung ương 4 đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, phát huy dân chủ, trí tuệ, thẳng thắn thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết và quan trọng vào các báo cáo và đề án.

Các đại biểu tại Hội nghị. 

Về nội dung học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Bí thư Đảng ủy Khối Nguyễn Long Hải nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2025 và tiến tới năm 2030, nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ tiếp tục có đà phát triển nhanh nhờ kế thừa những thành quả từ giai đoạn trước và sự phục hồi mạnh sau khi kiểm soát dịch COVID-19. Kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn.

Theo đó, chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu với các quốc gia, các doanh nghiệp trên toàn cầu và có tác động quan trọng đến tăng trưởng GDP quốc gia, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tại nước ta trong giai đoạn 2021 - 2030, thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của đất nước, được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các tập đoàn, tổng ty, ngân hàng trong Khối là các doanh nghiệp nhà nước lớn có năng lực và trách nhiệm đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số, vừa đảm bảo vai trò dẫn dắt và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vừa góp phần lan tỏa, thực hiện thành công chuyển đổi số quốc gia.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trao đổi, giải đáp với chủ đề “Chuyển đổi số Quốc gia - Những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước”. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã thông tin về chuyên đề “Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”./.

Tin, ảnh: Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực