Trong lá thư gửi đến Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng đăng trên Báo Cứu quốc số ra ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.
Theo đó, Bác nhắn nhủ đến những cán bộ nhà nước rằng bản thân họ là công bộc của dân tức là họ phải là người đứng ra gánh vác việc chung cho dân, lo cho dân, yêu dân.
|
Nhớ lời Bác Hồ căn dặn về công tác cán bộ. (Nguồn: vtv.vn) |
Thời gian qua, một loạt các vụ việc sai phạm được xử lý, hàng trăm cán bộ vi phạm bị kỷ luật, thậm chí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đơn cử như vụ việc cựu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang và các đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng dự án khu dân cư (KDC) ở Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và dự án KDC Ven Sông (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) từ Công ty Tân Thuận cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai gây thất thoát của nhà nước 735 tỉ đồng. Trong vụ việc này, Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố đối với bị can Tất Thành Cang, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, Trần Công Thiện, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và xây dựng Tân Thuận (viết tắt là Công ty Tân Thuận) và 8 đồng phạm về cùng tội "vi phạm về quy định quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí". Theo đó, các bị can bị đề nghị truy tố do sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất công ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và 169.229m2 đất của dự án KDC Ven Sông phường Tân Phong, quận 7 từ Công ty Tân Thuận cho Công ty CP Quốc Cường Gia Lai. Đây là đất công, được Thành ủy TP Hồ Chí Minh giao cho Công ty Tân Thuận quản lý. Quá trình chuyển nhượng dự án, các bị can không thẩm định giá, không đưa ra đấu giá, trái quy định của pháp luật, gây thất thoát cho nhà nước. Trong 10 bị can bị khởi tố có đến 4 người từng làm cán bộ thành ủy TP.Hồ Chí Minh phải ra hầu tòa, do bán đất công sai quy định; còn bên mua cuối cùng là Công ty CP Quốc Cường Gia Lai được cơ quan điều tra tách hành vi của bà Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Như Loan ra để xử lý.
Hay như vụ Việt Á, chỉ trong vòng 6 tháng, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam trên 60 người là lãnh đạo, cán bộ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, CDC, bệnh viện ở hàng loạt địa phương. Trong bối cảnh cả nước đương đầu với những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, hàng triệu người nhiễm bệnh, rất nhiều người đã tử vong, kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thì những hành vi trục lợi từ việc thổi giá các sinh phẩm, thiết bị y tế phòng chống dịch của một nhóm người dám ngang nhiên coi thường và mặc cả trên sinh mệnh của hàng chục triệu đồng bào đánh đổi lấy lợi ích cho bản thân là một tội ác, gây hậu quả khó lường. Việt Á là một vụ tham nhũng chính sách điển hình, thể hiện cho nhóm lợi ích lũng đoạn có sức ảnh hưởng to lớn.
Qua những vụ việc trên, nhìn nhận lại công tác phòng, chống tham nhũng kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, có thể thấy rõ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh và đã đạt nhiều kết quả cụ thể, rất quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Phòng, chống tham nhũng không chỉ mở rộng phạm vi, đối tượng mà đã chuyển sang trạng thái chủ động tiến công, nhất là những lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm.
Nếu như trước đây, phải chờ điều tra trọn vẹn vụ việc dẫn đến tiến độ xử lý chậm thì nay Ban Chỉ đạo yêu cầu có vụ việc thì phải tích cực, khẩn trương xác minh làm rõ, rõ đến đâu xử lý đến đó. Có thể tách vụ án ra thành nhiều giai đoạn để xét xử, không đợi điều tra xong mới xử lý.
Ngày 28/6 vừa qua, thông tin về kết quả phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2022, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, trong 10 năm qua, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng.
Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Trong 10 năm qua, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế. Trong đó, riêng tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII (1/2021) đến nay, đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ/7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế (trong đó, các tội về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 455 vụ/1.054 bị can). “Đặc biệt thời gian gần đây đã tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, xảy ra trong lĩnh vực y tế, quản lý, sử dụng đất đai, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp...”, đồng chí Nguyễn Thái Học thông tin.
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012 - 2020 diễn ra hồi tháng 6/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Kết quả phát hiện và xử lý tham nhũng trong thời gian qua càng chứng tỏ chúng ta đã thực hiện rất nghiêm tư tưởng chỉ đạo, quan điểm: “Nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.
Từ năm 2021 đến nay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo duy trì nền nếp, chỉ đạo sâu sát, toàn diện các mặt công tác với tinh thần không ngừng, không nghỉ, không vì chống dịch mà chùng xuống, ngược lại ngày càng quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả hơn, tạo đột phá mới trong công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm minh, kịp thời nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, nghiêm trọng, phức tạp.
Cách đây hơn 20 năm, Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã được ban hành. Đến nay, Chiến lược cán bộ đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, tạo khung thể chế cho sự định hình và phát triển đội ngũ cán bộ của thời kỳ phát triển mới của đất nước, đồng thời để lại nhiều bài học quý giá.
|
Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, củng cố niềm tin của nhân dân.
(Ảnh tư liệu) |
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, Kết luận của Hội nghị Trung ương 9 khóa X (tháng 1/2009) tiếp tục khẳng định tính đúng đắn của các quan điểm đó, đồng thời làm sâu sắc hơn, bổ sung thành 6 quan điểm. Đó là khẳng định vai trò, ý nghĩa quyết định của cán bộ đối với thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng, xem đây là công tác thường xuyên của Đảng, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về Đề án “Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng” chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực hồi tháng 9/2021, đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng đã khẳng định “Không chỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực kinh tế, mà quan trọng hơn phải chống tiêu cực trong cả lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Hai cái này có liên quan đến nhau, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì mới dẫn đến tham nhũng, đây mới là cái gốc, cái cơ bản cần phải chống” và “Tham nhũng kinh tế làm mất tiền bạc, nhưng suy thoái, tiêu cực không chỉ làm mất cán bộ mà nặng hơn là làm giảm uy tín của Đảng, thậm chí có thể làm mất chế độ,… Tiền mất có thể thu hồi lại. Cán bộ mất phẩm chất chính trị, có thể trở thành phản bội Đảng, nhân dân thì nguy hiểm vô cùng…”/.