PV: Những ngày này, các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn diễn ra ở khắp nơi, ở các cấp độ khác nhau. Đồng chí nói gì về điều này?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn trong bối cảnh Đại hội XIII của Đảng vừa thành công tốt đẹp. Đại hội đã quyết nghị, định hướng phát triển đất nước rất quan trọng, dài hạn, xác lập mục tiêu đến năm 2030, khát vọng, tầm nhìn năm 2045 với mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam phồn thịnh, hùng cường.
Trong Nghị quyết của Đại hội đặt thanh niên ở vị trí trung tâm của tất cả các vấn đề. Trong 3 khâu đột phá, đặc biệt là đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao đặt vai trò thanh niên ở vị trí rất trung tâm. Nghị quyết yêu cầu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để bám sát yêu cầu phát triển, bảo vệ Tổ quốc nhưng đồng thời cũng gần gũi hơn, chăm lo, quyền, lợi ích chính đáng, thiết thân của thanh niên, vừa bồi dưỡng, phát huy để làm sao các bạn có thể đóng góp nhiều nhất cho mục tiêu phát triển đất nước.
|
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn. |
Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, 2045 với tầm nhìn dài hạn, hy vọng sau 25 năm nữa chính các bạn trẻ, những em nhỏ sinh trong những năm này đến năm 2045 sẽ trở thành những chủ nhân của đất nước. Đó là một thế hệ thanh niên mới. Thế nên cũng yêu cầu công tác giáo dục Đoàn về đạo đức, lối sống, lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng phải tiếp tục được đổi mới để chúng ta có lớp thanh niên mới 2045 không chỉ giỏi về chuyên môn, có năng lực hội nhập toàn cầu mà còn có bản lĩnh, khí phách, trí tuệ, nhân cách của con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Chính vì vậy, kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn không phải là một hoạt động kỷ niệm thông thường. Đây là dịp để Đoàn đúc kết lại những giá trị cốt lõi được hun đúc qua nhiều thế hệ; đồng thời cũng nhìn ra những hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn gần đây chưa bắt kịp, chưa theo nhịp yêu cầu thực tiễn đất nước cũng như biến động đa dạng trong đời sống của thanh niên, giúp Đoàn định hình đầy đủ, rõ ràng hơn trong quá trình đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để có nhiều hơn những thanh niên ưu tú, đảng viên trẻ, đoàn viên chất lượng có thể hiện thực hóa khát vọng hùng cường 2045.
Dịp này, các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn được tổ chức rộng khắp, lan tỏa, có trọng tâm, trọng điểm không chỉ ở cấp Trung ương mà còn ở tất cả cơ sở đoàn, các cấp bộ Đoàn, tổ chức thanh niên ở ngoài nước. Chúng tôi mong muốn các hoạt động kỷ niệm không dừng lại ở hoạt động của cán bộ Đoàn các cấp mà phải là hoạt động của đoàn viên, thanh niên. Chính vì thế tuyến hoạt động được thiết kế hướng đến 5 nhóm đối tượng: Gặp gỡ, ôn lại truyền thống của cán bộ Đoàn các cấp; đoàn viên; thanh niên; thiếu niên, nhi đồng; nhân dân. Đoàn chỉ có sức sống mạnh mẽ khi khẳng định được vai trò của mình, khi được Đảng chăm lo, quan tâm và nhân dân đùm bọc, đón nhận, đồng tình, ủng hộ.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn là dịp để nhìn lại và đi tới. Nhân dịp này, chúng tôi mong muốn được đón nhận góp ý, hiến kế của các bạn đoàn viên, thanh niên, của cấp ủy, chính quyền, địa phương, doanh nghiệp, người dân... Mong muốn của chúng tôi nhân dịp 90 năm này là lắng nghe những lời động viên, quan trọng hơn là những góp ý, hiến kế để chúng tôi nhìn nhận, đánh giá, xác định được hướng đi trong thời gian tới. Đây sẽ là nền tảng hết sức quan trọng để tháng 6 tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn trước mắt sẽ ban hành chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách sớm nhất, như cam kết trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Trung ương Đoàn sẽ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách sớm nhất trong cấp ủy đảng, tổ chức chính trị xã - hội của Trung ương; đồng thời, chuẩn bị trước một bước cho văn kiện Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, bởi sang năm 2022 sẽ tổ chức đại hội Đoàn 4 cấp. Như vậy, tháng 6 này chúng tôi phải bàn khung văn kiện và tháng 10 bàn xong dự thảo đề cương văn kiện để có thể đoàn cơ sở góp ý trong đại hội diễn ra vào đầu năm 2022.
Vì vậy, các hoạt động kỷ niệm được tổ chức với chất lượng cao nhất, với tình cảm, trách nhiệm, quyết tâm lớn nhất, thiết thực, sáng tạo, có sức hút, sức hấp dẫn với thanh niên và xã hội, tạo thành đợt sinh hoạt chính trị, thi đua sôi nổi nhất.
PV: Dõi theo và trực tiếp tham gia các hoạt động kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn, đồng chí thấy tâm đắc điều gì?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Chúng tôi cảm nhận được sự quan tâm cụ thể, ấm áp đầy trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp từ trung ương đến cơ sở đối với công việc, hoạt động của Đoàn nói chung và đợt cao điểm 90 năm nói riêng. Mỗi nơi có hình thức tổ chức khác nhau, gợi mở cho thanh niên đảm nhận công trình, phần việc về kinh tế, xã hội, quốc phòng… có giá trị, khẳng định vai trò xung kích, tình nguyện, sáng tạo của thanh niên. Dường như việc kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn không chỉ là việc của Đoàn nữa, mà trở thành việc của Đảng, của hệ thống chính trị.
|
Công trình Vườn cây thanh niên tại Cao Bằng kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn |
Chúng tôi cũng cảm nhận được sức sáng tạo, quyết tâm, nỗ lực của anh em cán bộ Đoàn. Năm 2020, khó khăn, dịch bệnh phức tạp nhưng mỗi cấp bộ Đoàn tùy thực tế mà tổ chức hoạt động kỷ niệm. Như tâm dịch Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng..., sự xuất hiện của người trẻ trên mặt trận phòng chống dịch rất đông đảo, có trách nhiệm, đúng chỉ đạo, lãnh đạo, quản lý định hướng của địa phương nhưng vẫn không thiếu được màu sắc trẻ trung, lãng mạn, hào sảng. Rõ ràng những công việc đó phức tạp, phải làm nhưng không quên gắn với 90 năm hoạt động Đoàn. Mình phải học cơ sở, mình định hướng tốt rồi nhưng sự nhạy bén của mình đôi lúc chưa bằng anh em cơ sở.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động Đoàn trong bối cảnh như hiện nay có nhiều thuận lợi. Đồng chí có thấy như vậy không?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là có nhiều thuận lợi. Đầu tiên phải nói đến là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nói chung, cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân đối với thế hệ trẻ. Hiện có đầy đủ các nghị quyết, chính sách khung để có thể vận hành công việc của Đoàn. Trong thời điểm bây giờ chúng ta thấy sự quan tâm rất thực chất, đầy đủ; văn kiện đại hội Đảng cũng đề cập, rồi Nghị quyết số 25 (Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”), Luật Thanh niên, các quy định, quy chế... cũng có rồi. Ở các địa phương thì cũng tương tự. Nguồn lực để triển khai các phong trào thanh niên, tổ chức các hoạt động chăm lo, đồng hành với thanh niên cũng thuận lợi hơn rất nhiều so với thế hệ các anh chị trước đây.
Thuận lợi thứ hai không thể không nhắc đến là sau 10 năm thực hiện các quy chế cán bộ Đoàn thì chúng ta có một lớp cán bộ Đoàn mới, chuẩn hóa về mặt trình độ, tuổi cũng trẻ hơn, sát và gần với thanh niên hơn vì thế nên hiểu tâm sinh lý của thanh niên, có khả năng thích nghi với những cái mới trong đời sống của thanh niên mà vẫn giữ được tâm huyết, khát vọng, lý tưởng của các thế hệ trao truyền.
Thuận lợi tiếp theo tôi nghĩ vừa là thuận lợi nhưng có thể là thách thức, đó chính là sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, xã hội số, chuyển đổi số. Đây chính là cơ hội rất lớn để tổ chức Đoàn, các tổ chức thanh niên có cơ hội và điều kiện tập hợp, giáo dục, đoàn kết thanh niên ở trong một môi trường, không gian rất mới, nhanh hơn, tức thời hơn, có hiệu ứng hơn và phần nào đấy cũng hiệu quả hơn về mặt thông tin.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương (ngoài cùng bên trái) tham quan không gian sáng tạo của tuổi trẻ tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn. |
Thuận lợi thứ tư đấy là chúng ta vẫn giữ được ưu việt trong mô hình tổ chức, trong hoạt động, những nền tảng vững chắc do các thế hệ anh chị cán bộ Đoàn đi trước đã dày công xây dựng, vun đắp, vận hành và nó vẫn còn hiệu quả rất cao trong quá trình triển khai phong trào, triển khai các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội. Chúng ta cũng kịp thời bổ sung, cập nhật những phương thức mới, những mô hình tổ chức mới của Đoàn để phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Ví dụ như chuyện hoạt động Đoàn trong trường đại học đào tạo theo tín chỉ, trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nên như thế nào? Rồi là Đoàn ở ngoài nước ra làm sao...
Thuận lợi thứ năm chính là đoàn viên, thanh niên của mình, các bạn rất nhanh nhẹn, thông minh, được học hành và phát triển trong một môi trường đầy đủ hơn cả về vật chất, sức vóc, điều kiện học hành... Đối tượng của tổ chức Đoàn hiện nay là các bạn đoàn viên thanh niên nói chung rất giỏi giang, có những sự tiến bộ về tất cả mọi mặt, có kiến thức, có kĩ năng, hiểu biết... tạo hứng khởi trong tổ chức nhiều hoạt động.
PV: Vậy nói về khó khăn thì sao, thưa đồng chí?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Cùng với những thuận lợi thì khó khăn đặt ra đối với công tác Đoàn cũng không phải là ít. Khó khăn đầu tiên cần nói tới đó là sự đa dạng và phân tầng ngày càng lớn giữa các đối tượng thanh niên; nhu cầu, mong muốn của các bạn rất khác nhau, cái tôi của các bạn thì cực kì lớn. Làm sao mà đưa được tất cả vào một "mẫu số chung" là mục tiêu lý tưởng của đất nước, của Đảng, của tổ chức này? Thế nên chọn phong trào thế nào, chọn thông điệp thế nào để những cái riêng ấy, những cái tôi ấy, sự đa dạng ấy nằm trên một "công thức có mẫu số chung" là khát vọng phát triển đất nước thì nhiều dòng chảy nhỏ phải được khơi ra để đổ vào dòng sông lớn - đó chính là lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là khát vọng phát triển đất nước Việt Nam tươi đẹp hơn, hùng cường, phồn thịnh hơn. Đó chính là thách thức không phải đơn giản, từ thiết kế phong trào cho đến xây dựng mô hình tổ chức, đến công tác giáo dục thanh niên.
Khó khăn thứ hai đó là chuyển đổi số, môi trường và không gian mạng. Nói là Việt Nam thuận lợi như vậy nhưng thanh niên chưa chắc đã có đầy đủ kiến thức, kĩ năng, khả năng để thực hiện việc chuyển đổi số. Tất nhiên đây không phải việc riêng của Đoàn nhưng Đoàn phải trang bị kiến thức, nâng cao năng lực chuyển đổi số cho thanh niên và cho chính cán bộ Đoàn, cho chính tổ chức Đoàn các cấp.
Như trên tôi đã nói, môi trường mạng mang đến nhiều thuận lợi nhưng cũng mang lại vô vàn rủi ro, những nguy cơ tiềm ẩn. Bây giờ có khi nền tảng mạng xã hội biết được chúng ta đang nghĩ gì nhưng bí thư chi đoàn, thủ trưởng đơn vị chưa chắc biết được... Điều này cũng làm giảm đi vai trò dẫn dắt, tập hợp, định hướng của tổ chức Đoàn đối với thành viên của mình là các bạn đoàn viên. Đấy là nguy cơ rất lớn.
Thứ ba là ở góc độ nào đấy phải thừa nhận một điều là Đoàn và các tổ chức thanh niên đang chịu cạnh tranh của các lực lượng xã hội khác để tập hợp thu hút thanh niên. Mình làm không hay, mình làm không hấp dẫn, không đủ sức thu hút, không mang lại lợi ích thiết thân cho đoàn viên, thanh niên người ta sẽ tự rời xa mình, sẽ tìm kiếm các tổ chức khác.
|
Trao quyết định thành lập chi đoàn tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Thường Tín, Hà Nội. |
Thứ tư là phải nhìn nhận thẳng thắn với chiều dài 90 năm thì Đoàn cũng có sự cằn cỗi, xơ cứng nhất định trong khi tình hình thanh niên thì thay đổi. Tôi chỉ nói một câu chuyện về mặt tổ chức. Bây giờ ở mỗi xã, có một bí thư chuyên trách và một phó bí thư bán chuyên trách nhưng có khi không còn đoàn viên bởi đi làm ăn xa hết. Trong khi một khu công nghiệp có hàng trăm, hàng nghìn thanh niên thì không có tổ chức, cán bộ chuyên trách chưa có nơi tổ chức. Một trường đại học hàng chục ngàn thanh niên, sinh viên thì có nơi chỉ có một cán bộ chuyên trách thôi. Rồi một chi đoàn ở thôn, bản, tổ dân phố mà chỉ còn có 3-5 người thì có nhất thiết phải có chi đoàn hay không? Rồi công nghệ số, bối cảnh số như hiện nay thì cho sinh hoạt online được không? Bầu cử online được không? Đại hội online được không? Ví dụ như vậy để thấy những thách thức lớn mà cán bộ Đoàn chúng tôi phải nghiên cứu để không được xơ cứng, không được theo chủ nghĩa kinh nghiệm, không được theo lối mòn.
Cái khó khăn thứ năm là Đoàn đang thiếu cơ chế, điều kiện đảm bảo để có thể thu hút được những người giỏi vào tổ chức làm cán bộ Đoàn. Cấp huyện đang thiếu đến 34%, cấp tỉnh thiếu 25%. Nguyên nhân là người không muốn vào hoặc là thiếu cơ chế, thiếu điều kiện để thu hút người giỏi ở các lĩnh vực, ngành nghề công tác. Cán bộ Đoàn bây giờ không chỉ có người giỏi tuyên truyền, biết văn nghệ... mà phải có cả nhà khoa học, kĩ sư nông nghiệp, kĩ sư công nghệ thông tin rồi doanh nhân... như vậy thì hoạt động của Đoàn mới hướng đến đời sống thanh niên được.
PV: Như đồng chí vừa trao đổi, cán bộ Đoàn bây giờ cần những người giỏi trên các lĩnh vực và đối tượng thanh niên cũng rất đa dạng. Vậy để tổ chức Đoàn thực sự là “trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên” , thu hút thanh niên thì phải làm thế nào?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Tôi cho rằng, ở thời kỳ nào, Đoàn luôn là trường học sinh động nhất để thanh niên đắm mình vào đời sống thực tiễn, qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức, rèn luyện bản lĩnh để đặc biệt thấm nhuần lý tưởng, trở thành người cộng sản trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Trước đây là như thế, bây giờ cũng là như thế, chỉ có phương thức để chúng ta tổ chức trường học ấy đương nhiên phải khác so với trước đây.
|
Thanh niên Công an tình nguyện làm căn cước công dân cho người dân Mù Cang Chải. |
Trước đây chúng ta có công trường thanh niên cộng sản, nông trường thanh niên xung phong, chúng ta có phong trào "Ba sẵn sàng" xếp bút nghiên lên đường chiến đấu xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước... đó chính là tạo môi trường thực tiễn cho thanh niên, để thanh niên đắm mình trong lao động, đắm mình trong chiến đấu và giác ngộ lý tưởng của Đảng. Còn bây giờ phong trào sẽ có nhiều phong trào nhánh, không có phong trào nào là mẫu số chung cho tất cả các đối tượng thanh niên được, ngay cả phong trào tình nguyện phải thiết kế kiểu phong trào Thanh niên tình nguyện hè khác, Tình nguyện mùa đông khác, rồi "Kỳ nghỉ hồng" cho đối tượng công nhân, công chức, viên chức; "Hoa phượng đỏ" cho học sinh... "Tuổi trẻ sáng tạo" cũng vậy. Nếu như trước đây chỉ cần nêu sáng kiến là được, giờ thì từng lĩnh vực rất khác nhau, có cuộc chơi riêng, sân chơi riêng. Ý tôi muốn nói Đoàn là "trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên" không có gì thay đổi, chỉ có phương pháp tổ chức "trường học" đó như thế nào thì phải thay đổi.
Thời gian qua, các hoạt động của Đoàn thu hút được rất nhiều các bạn giỏi tham gia cùng. Doanh nhân trẻ có, tài năng trẻ trên các lĩnh vực có, ngay cả các cuộc thi học thuật mà Đoàn phối hợp với các cơ quan tổ chức cũng có nhiều bạn trẻ giỏi tham gia. Để thu hút người giỏi làm việc trong tổ chức Đoàn là câu chuyện cần suy nghĩ cho thấu đáo để tham mưu, cụ thể hóa Nghị quyết số 26-NQ/TW về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đấy là những việc trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng tới đây Đoàn sẽ quan tâm hơn đến việc thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ Đoàn trước một bước, sau này cung cấp cho hệ thống chính trị, cho Đảng đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Đó là một trong những việc quan trọng Đoàn xác định thực hiện trong 5 năm tới.
PV: Là người đứng đầu tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, thủ lĩnh của thanh niên, ở thời điểm này, đồng chí có lời nhắn nhủ gì tới các bạn đoàn viên, thanh niên?
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn: Tôi có suy nghĩ thế này, mỗi người trẻ đều có ước mơ, hoài bão, khát vọng nhưng phải bắt đầu chinh phục những ước mơ, hoài bão và hiện thực hóa khát vọng bằng những công việc rất cụ thể hằng ngày, trong học tập, lao động, công tác, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu.
Chúng ta đang vun trồng, bồi dưỡng, đào tạo một thế hệ trẻ vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi giang, năng động, sáng tạo chuẩn bị cho một thế hệ tương lai của đất nước, cũng giống như chúng ta vun trồng một cái cây, từ nay cho đến năm 2045 sẽ phải bắt đầu từ việc lựa chọn hạt giống, chọn đất để gieo trồng, phải chăm bón tưới tắm nó hằng ngày thì đến năm 2045 mới có một cái cây xanh tốt, vững gốc chắc cành và đơm hoa kết trái được. Thế nên đừng chỉ ngồi mà ước mơ, mà phải bắt đầu hành động từ những công việc cụ thể hằng ngày ngay từ bây giờ./.