Cùng tham dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Văn Nên, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Thành phố đạt nhiều thành tựu phát triển quan trọng
Tại buổi làm việc, Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã báo cáo kết quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 và tình hình thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020) của thành phố.
Theo báo cáo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, qua triển khai Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng về Cương lĩnh đã được nâng cao, nhất là nhận thức rõ hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, luôn tin tưởng đây là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử; nhận thức rõ những vấn đề của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, nhất là về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Cơ cấu thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố chuyển dịch theo hướng khuyến khích, huy động phát triển thành phần kinh tế ngoài Nhà nước; mở rộng phát triển kinh tế nước ngoài theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế, hợp tác song phương, đa phương với kinh tế thế giới; thành phần kinh tế nhà nước củng cố, nâng cao hiệu quả kinh doanh, giữ vững và làm nòng cốt định hướng trên những ngành và lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Về cơ bản, doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả; kinh tế ngoài Nhà nước phát triển nhanh, có tỷ trọng cao nhất. Kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng về số lượng, tỷ trọng và chất lượng. Các thành phần kinh tế cùng phát triển, thu hút và giải quyết việc làm, kéo giảm tỉ lệ thất nghiệp đô thị.
Môi trường đầu tư được cải thiện, các chính sách khuyến khích phát triển của Nhà nước phát huy tác dụng tạo điều kiện huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế thành phố. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ trên địa bàn Thành phố đạt nhiều kết quả tốt. Thành phố đã tăng cường các biện pháp công tác, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; chủ động nắm chắc diễn biến tình hình, phân tích, đánh giá, đưa ra dự báo và đề ra nhiều biện pháp chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; kịp thời phát hiện, đấu tranh hiệu quả với các hoạt động vi phạm pháp luật, không để xảy ra tình hình phức tạp, đột biến bất ngờ.
Về hội nhập quốc tế, Thành phố đã triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân. Hiện nay, Thành phố đang có quan hệ hợp tác hữu nghị với 51 địa phương nước ngoài; công tác về người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Thành phố đặc biệt quan tâm.
Về các kết quả cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,3%/năm. Quy mô GRDP Thành phố chiếm khoảng 20% cả nước. GRDP bình quân đầu người tăng từ 5.200 USD/người năm 2015 lên 6.065 USD/người năm 2018. Cơ cấu kinh tế Thành phố và cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại; chất lượng tăng trưởng từng bước được nâng lên, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cho tăng trưởng ngày càng tăng (năm 2015 là 35,8%, năm 2018 là 38,1%) lên. Năng suất lao động tăng lên (năm 2015 tăng 5,9%, năm 2017 tăng 6,9%). Kim ngạch xuất khẩu tăng, năm 2018 đạt hơn 33,8 tỷ USD/năm, chiếm 13,8% kim ngạch cả nước.
Ngành du lịch có tốc độ tăng trưởng nhanh, riêng khách du lịch quốc tế đến Thành phố năm 2018 đạt 7,59 triệu lượt (tăng 18,8%), bằng khoảng 50% lượng khách quốc tế đến cả nước; tỷ trọng du lịch đóng góp trong GRDP của Thành phố khoảng 11%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,6%/năm, đóng góp 16% công nghiệp cả nước. Thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước, tăng bình quân khoảng 10,87%/năm, đóng góp bình quân khoảng 30% tổng thu ngân sách cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2016 - 2018 đạt 14,4 tỷ USD. Thu nhập của nhân dân được nâng cao, đời sống vật chất và tinh thần được cải thiện, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm; tỷ lệ thất nghiệp đô thị năm 2018 là 3,76%; lao động qua đào tạo nghề chiếm 81,81% (năm 2018).
Thành phố cần tập trung phát triển bền vững
Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và những kết quả đạt được của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh qua 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Đồng chí Trần Quốc Vượng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh.
Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN
Theo đồng chí Trần Quốc Vượng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực. Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ngày càng đóng góp quan trọng đối với kinh tế đất nước.
Đánh giá về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh, công tác này đã được cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng chỉ đạo và hướng dẫn của Trung ương như sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp về phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu tình hình mới; tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ bước đầu tạo những chuyển biến tích cực.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý một số vấn đề Thành phố cần quan tâm. Đó là phát huy vai trò đầu tàu phát triển của Thành phố, cần tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng hơn nữa, tuy nhiên cần chú ý đến vấn đế phát triển bền vững; cần xác định các nội dung đột phá của Thành phố, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng (giao thông, công nghệ thông tin, chống biến đổi khí hậu), tận dụng tiềm năng, nguồn lực từ đất đai; nâng cao chất lượng cạnh tranh của nền kinh tế và cơ cấu của nền kinh tế Thành phố; quản lý phát triển xã hội, trong đó lưu ý trong phát triển văn hoá, quản lý trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng; lưu ý vấn đề liên kết vùng. Đặc biệt, đồng chí Trần Quốc Vượng lưu ý, Thành phố cần quan tâm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đây là vấn đề cốt lõi, rất quan trọng. Phải xác định đúng tầm về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nhất là phải hoạt động hiệu quả.
Tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng cũng chỉ ra những hạn chế của Thành phố trên các lĩnh vực, gợi mở những vấn đề Thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong những năm tới để bảo đảm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ tới và Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đoàn công tác đã ghi nhận những kiến nghị của Thành phố Hồ Chí Minh, tổng hợp để báo cáo Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII./.